13 văn bản hay nhất của Đức Phanxicô (P1)

"EM CON Ở ĐÂU"? Lampedusa, Ý

Ngày thứ hai mùng 8 tháng 7 năm 2013, Đức Giáo Hoàng đến Lampedusa, một hòn đảo của nước Ý. Nơi đó đã đón nhận hàng ngàn di dân trôi nổi trên biển, qua những lần vượt biển mà hàng trăm người đã phải chết. Ngài đã cử hành một phụng vụ thánh thể “hoán cải” và trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã tố cáo “sự toàn cầu hóa của tính vô cảm”, đồng thời nói lên lòng kính trọng đối với những dân cư thành Lampedusa, những tổ chức, hiệp hội... đã quan tâm đến những di dân. Ngài kêu gọi sống tính trách nhiệm và hoán cải. “Có những di dân đã chết trên biển cả trong những chiếc tàu, thay vì là con đường đi đến niềm hy vọng thì đã trở thành con đường dẫn họ tới cái chết”, câu nói của ĐTC lúc đó đã được báo chí đưa lên hàng đầu.

...Cách đây vài tuần, khi tôi được biết tin này, khốn thay một tin mà đã được lặp đi lặp lại nhiều lần, tư tưởng của tôi liên tục trở về với mình như một chiếc gai đâm thủng tim tôi và đem đến nhiều đau khổ cho tôi. Và từ đó tôi cảm thấy rằng tôi phải đến tại đây ngày hôm nay để cầu nguyện, để có một cử chỉ gần gũi, nhưng cũng là để đánh thức lương tâm của chúng ta, ngõ hầu những gì đã xảy ra không được diễn lại. Dứt khoát không được phép diễn lại, xin vui lòng không để diễn lại !

Nhưng trước tiên, tôi muốn nói một lời cảm ơn chân thành và khuyến khích với các đồng bào, anh chị em ở Lampedusa và Linosa, với những hiệp hội, với những tình nguyện viên, lực lượng an ninh... Các anh chị là một thực tại bé nhỏ song đã đưa ra một gương dũng cảm về liên đới ! Xin cảm ơn Tổng Giám mục Francesco Montenegro về sự giúp đỡ của ngài, về công trình và mục vụ gần gũi của ngài. Tôi xin thân thương chào thị trưởng, bà Giusi Nicolini, cảm ơn bà nhiều về tất cả những gì bà đã và đang làm. Tôi cũng ước muốn trở về trong tâm trí tôi đối với những người di dân Hồi giáo thân yêu mà chiều hôm nay bắt đầu tháng chay Rahmadan với lời chúc thu lượm được nhiều hoa quả thiêng liêng. Giáo hội gần gũi với các vị trong việc tìm kiếm một cuộc sống xứng đáng hơn cho quý vị và gia đình quý vị ! Sáng nay, dưới ánh sáng của lời Chúa mà chúng ta đã nghe, tôi ước mong đề nghị những lời chắc chắn sẽ khiêu khích lương tâm của tất cả chúng ta, thúc giục chúng ta phải suy nghĩ và thay đổi cụ thể một số thái độ...

Di dân Syria trên biển

“Adong, ngươi ở đâu?”. Đó là yêu cầu đầu tiên mà Thiên Chúa nói với con người sau khi phạm tội. Adong là một con người mất hướng đã đánh mất vị trí của mình trong vũ trụ bởi vì ông ta tưởng rằng mình sẽ đầy quyền lực để thống trị mọi chuyện và mọi loài, ước mong trở thành Thiên Chúa. Và sự hòa hợp đã bị rạn nứt, con người đã lầm lạc và ngày nay vẫn còn lặp lại trong tương giao với tha nhân, một tha nhân không còn là người anh em để yêu thương nhưng chỉ là người quấy rầy cuộc sống của tôi, sự tiện nghi của tôi. Và Thiên Chúa đặt câu hỏi thứ hai:

“Cain em ngươi ở đâu?”. Ước mơ trở thành lớn, vĩ đại như Thiên Chúa hay là trở thành chính Thiên Chúa, làm thành cả một chuỗi dài sai lầm, chuỗi dài đưa đến cái chết, vì đó là ngưỡng cửa làm đổ máu người anh em !

Hai câu hỏi đó của Thiên Chúa vẫn còn vang dội đến ngày hôm nay với tất cả sự mãnh liệt của nó ! Rất nhiều người trong chúng ta bao gồm cả chính tôi thực sự bị lạc hướng, chúng ta không còn lưu tâm đến thế giới mình đang sống, không băng bó cho nhau, không gìn giữ những gì Thiên Chúa đã tạo dựng cho chúng ta và cũng không còn có khả năng để gìn giữ chính mình cho nhau. Khi sự lạc hướng này mang những chiều kích của thế giới thì đương nhiên xảy đến những bi kịch như sự lạc hướng của Adong xưa.

“Em ngươi ở đâu?”

Đó là tiếng kêu trong máu mủ đã thấu đến ta, Thiên Chúa nói. Đây không phải là một câu hỏi cho người khác, nhưng là một câu hỏi cho chính tôi, cho chính anh, chị và tất cả mỗi người. Di dân là những người đang tìm kiếm để ra khỏi những tình huống khó khăn, để tìm gặp được chút ít thanh nhàn và bình an; họ tìm kiếm một vị trí tốt hơn cho chính họ và cho gia đình họ, nhưng họ lại tìm gặp cái chết. Biết bao nhiêu lần những người đó đã không tìm gặp được sự cảm thông, không tìm được sự đón tiếp, không thấy được tình liên đới. Và tiếng kêu của họ thấu Thiên Chúa ! Một lần nữa tôi xin cảm ơn những người dân thành Lampedusa về tính liên đới, vừa qua tôi đã lắng nghe được một trong những người anh em đó. Trước khi đến đây, họ đã ngang qua những người buôn lậu, những người khai thác sự nghèo khổ của người khác, những người mà sự nghèo khổ của người khác là một nguồn lợi ích cho chính mình. Thật là đau đớn thay ! Như vậy, một số người đã không đi đến được nơi mình ước mơ. “Em ngươi ở đâu?”, ai là người trách nhiệm về sự đổ máu này ? Trong văn chương Tây Ban Nha có một vở kịch của Lope de Vega giải thích lý do những người dân thành Fuente Ovejuna đã giết vị toàn quyền, bởi vì ông ta là một bạo chúa và bị giết bí mật. Khi vị thẩm phán của đức vua hỏi: “Ai đã giết vị toàn quyền?”, tất cả mọi người trả lời “Fuente Ovejuna thưa ngài”. Tất cả, mà không là ai ! Ngày hôm nay cũng vậy, câu hỏi này được lộ ra cách mãnh liệt: “Ai là người trách nhiệm về máu của những người anh chị em này?” - “Không ai”, bởi ai trong chúng ta cũng nói “không phải tôi, tôi không phải là người ở đây, là do những người khác, chắc chắn không phải tôi...”. Nhưng Thiên Chúa lại hỏi mỗi người trong chúng ta: “Máu của em ngươi ở đâu mà thấu đến ta?”.

ĐTC viếng thăm người tị nạn

Không một ai trong thế giới cảm thấy mình có trách nhiệm về điều đó; chúng ta đã đánh mất đi khái niệm về sự trách nhiệm huynh đệ; chúng ta đã rơi vào trong thái độ giả hình của vị tư tế và của người phục vụ bàn thờ mà Đức Giêsu đã nói trong dụ ngôn người Samaritano nhân hậu; chúng ta nhìn người anh em nửa sống nửa chết trên đường đi, có thể chúng ta nghĩ rằng: “Tội nghiệp thay”, và rồi chúng ta tiếp tục con đường của mình, vì “đó không phải là việc của tôi”; và từ đó chúng ta cảm thấy tâm hồn được bình an, chúng ta cảm thấy là chúng ta không sai luật. Nền văn hóa của sự sung túc, thoải mái làm cho chúng ta chỉ nghĩ đến chúng ta mà thôi, vô cảm với những tiếng kêu của người khác, sống trong những bong bóng xà phòng đẹp nhưng thực sự không có giá trị gì; chúng là ảo tưởng của sự phù phiếm, của sự tạm bợ, và vì ảo tưởng nên thờ ơ với người khác... Trong thế giới toàn cầu hóa này, chúng ta đã rơi vào sự toàn cầu hóa của vô cảm, quen với sự khổ đau của người khác, làm cho chúng ta trở thành “vô danh”, là những người trách nhiệm không tên, không dung mạo.

Ai trong chúng ta đã khóc “Adong, ngươi ở đâu?”, “Em của ngươi ở đâu?”, hai câu hỏi mà Thiên Chúa đặt cho lịch sử loài người ngay từ nguyên thủy, và ngày hôm nay, Ngài tiếp tục đặt cho mỗi người chúng ta. Tôi ước mong chúng ta phải tự đặt một câu hỏi thứ ba : “Ai trong chúng ta đã khóc cho sự kiện này và cho những sự kiện tương tự như vậy ? Ai đã khóc vì những người anh chị em mình đã chết? Ai đã khóc cho những người đi trong chiếc thuyền trên biển cả ? Ai đã khóc cho những người mẹ trẻ ôm con mình ? Ai đã khóc cho những người đàn ông khi họ ước muốn có được một cái gì đó để nâng đỡ chính gia đình của mình ?”. Chúng ta là một xã hội đã quên đi kinh nghiệm khóc, quên đi sự “cùng khổ đau” với người khác. Trong Phúc âm, chúng ta đã nghe tiếng hét, tiếng khóc, lời kêu van lâu dài: “Rasen khóc con cái mình… bởi chúng không còn nữa”, “Herode đã gieo rắc cái chết để bênh vực cho chính sự sung túc thoải mái của mình, để bảo vệ chính bong bóng xà phòng của mình”, và ngày hôm nay, điều đó vẫn còn tiếp diễn…

Chúng ta hãy nài xin Thiên Chúa bôi đi tất cả những gì vua Herode còn để lại trong tâm hồn chúng ta, cho chúng ta ơn biết khóc trên chính sự vô cảm của mình, biết khóc trên nỗi độc ác còn hiện diện trên thế giới, trong từng người vô tư, không lưu tâm đến những người đã lấy quyết định xã hội kinh tế mở ra con đường của những bi kịch như chúng ta đang thấy đây.

“Ai đã khóc ?” “Ai đã khóc ngày hôm nay trong thế giới ?”. Lạy Thiên Chúa, trong phụng vụ này là một phụng vụ hối cải, chúng con nài xin sự tha thứ về sự vô cảm của chúng con đối với nhiều người anh chị em của chúng con; lạy Cha, chúng con xin Cha tha thứ cho những người đã quen sống trong tiện nghi, đã khép lòng mình trong sự thoải mái sung túc của mình làm cho con tim của họ bị tê liệt, chúng con xin Cha tha thứ cho những người, qua các quyết định của họ trên bình diện quốc tế đã đưa đến những tình huống gây ra những bi kịch này. Xin Cha tha thứ ! Xin Cha cũng cho chúng con biết lắng nghe ngày hôm nay những câu hỏi của Cha : “Adong, ngươi ở đâu?” “Máu của anh em ngươi ở đâu ?”.

NT QUỲNH GIAO Fmmchuyển ngữ

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Vòng tay Mân Côi “trang sức” đặc biệt của tôi
Vòng tay Mân Côi “trang sức” đặc biệt của tôi
Năm tôi học lớp 10, một biến cố lớp đã xảy ra với cuộc đời tôi. Trong khi các bạn trong nhóm đều đậu vào trường chuyên như nguyện vọng, tôi lại rớt. Tôi nghĩ rằng chắc sẽ không có cú sốc nào có thể lớn bằng cú sốc “gà...
Nhân vật truyền cảm hứng, họ là ai?
Nhân vật truyền cảm hứng, họ là ai?
Nếu quan tâm tới các hoạt động xã hội, hẳn bạn không thể không biết giáo sư - tiến sĩ Lê Ngọc Thạch vừa được nhận bằng khen của UBND Thành phố Hồ Chí Minh vì “nghĩa cử cao đẹp, tạo sự lan tỏa đóng góp giúp nhân dân vùng...
Những tia nắng cuối
Những tia nắng cuối
Có người ví đời người như một ngày. Buổi sáng như tuổi thiếu niên đầy nắng ấm áp, rực rỡ bầu trời phía đông. Buổi trưa như thanh niên đầy lý tưởng, hoài bão nung cháy khát vọng vươn lên sự thành công.
Vòng tay Mân Côi “trang sức” đặc biệt của tôi
Vòng tay Mân Côi “trang sức” đặc biệt của tôi
Năm tôi học lớp 10, một biến cố lớp đã xảy ra với cuộc đời tôi. Trong khi các bạn trong nhóm đều đậu vào trường chuyên như nguyện vọng, tôi lại rớt. Tôi nghĩ rằng chắc sẽ không có cú sốc nào có thể lớn bằng cú sốc “gà...
Nhân vật truyền cảm hứng, họ là ai?
Nhân vật truyền cảm hứng, họ là ai?
Nếu quan tâm tới các hoạt động xã hội, hẳn bạn không thể không biết giáo sư - tiến sĩ Lê Ngọc Thạch vừa được nhận bằng khen của UBND Thành phố Hồ Chí Minh vì “nghĩa cử cao đẹp, tạo sự lan tỏa đóng góp giúp nhân dân vùng...
Những tia nắng cuối
Những tia nắng cuối
Có người ví đời người như một ngày. Buổi sáng như tuổi thiếu niên đầy nắng ấm áp, rực rỡ bầu trời phía đông. Buổi trưa như thanh niên đầy lý tưởng, hoài bão nung cháy khát vọng vươn lên sự thành công.
Nghĩ về ngày của người cao niên
Nghĩ về ngày của người cao niên
Nhiều năm nay, Nhật Bản đã chọn ngày thứ Hai của tuần thứ ba trong tháng 9 hằng năm làm Ngày Kính lão.
Sách xưa đã nói đến một năm Thìn bão lụt 1844
Sách xưa đã nói đến một năm Thìn bão lụt 1844
Nhiều người trung niên tâm sự rằng hồi nhỏ thường nghe các cụ đời trước gợi lại chuyện xưa bằng câu “từ hồi năm Thìn bão lụt”, “chuyện hồi năm Thìn bão lụt tới giờ…”. Về sau, nhờ Internet, người ta có dịp tìm hiểu nguồn gốc câu “năm Thìn...
Chữ tình khi hữu sự
Chữ tình khi hữu sự
Cuộc sống tất bật bon chen vì miếng cơm manh áo, lợi danh, cứ ngỡ chữ tình có khi vơi cạn. Nhưng để ý, nhìn sâu vào đời thường, hãy còn đó nghĩa cử chân tình mỗi khi hữu sự. 
Qua âm nhạc, cùng loan báo Tin Mừng
Qua âm nhạc, cùng loan báo Tin Mừng
Ðược khởi động từ ngày 19.5.2024, trải qua thời gian gần 4 tháng với các vòng thi, chương trình “Tiếng hát giáo đường” mùa giải III đã khép lại trong bầu khí ấm áp, sôi động. Lễ trao giải vừa diễn ra tối ngày 8.9 tại giáo xứ Thánh Tống...
Trìu mến những dòng thơ cha viết cho con
Trìu mến những dòng thơ cha viết cho con
Một tập thơ thiếu nhi xinh xắn của nhà thơ Lê Minh Quốc với tựa “Viết trên lá mới” vừa ra mắt, gợi nhiều xúc cảm cho độc giả yêu thơ, nhất là những người cha có con nhỏ.
Làm việc thiện
Làm việc thiện
Trước đây, lúc đang dịch Covid-19, mình đọc thư kêu gọi của Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch HĐGMVN. Lá thư Thương quá Sài Gòn ơi! rất cảm động. Và mình nghĩ đến tư tưởng này của John Wesley: