Ách cứu độ

Có thể chia trích đoạn Tin Mừng này thành ba phần: 1.Chúa Giêsu giới thiệu về Chúa Cha (cc. 25-26); 2.Chúa Giêsu giới thiệu về sứ mạng của chính mình (c. 27); 3.Chúa Giêsu mời gọi môn đệ tiếp nối sứ mạng (cc. 28-30).

1.Chúa Giêsu giới thiệu về Chúa Cha: Chúa Cha là Chủ muôn loài và là Đấng ban phát đức tin. Hiểu biết về Thiên Chúa không phải là một kho kiến thức có thể tích góp hay mưu tìm; trái lại, đó là hồng ân quý giá được ban phát cách quảng đại. Nhưng để có thể đón nhận ơn ban, con người phải mang tâm thế “bé mọn” như trẻ thơ với trái tim đơn sơ. Người “khôn ngoan thông thái” hiểu biết quá nhiều, nhất là biết những gì bản thân mong muốn và khao khát, nhưng lại không biết được mình thiếu hiểu biết về chân lý. Hiểu và biết Thiên Chúa là tình yêu thì mới tìm được chân lý.

2.Chúa Giêsu giới thiệu về sứ mạng của chính mình: Chúa Giêsu làm chứng về Thiên Chúa Tình Yêu, đó là sứ mạng Chúa Cha đã giao phó. Chúa Cha “biết rõ người Con” và chỉ người Con “biết rõ Chúa Cha” là cách nói diễn tả một Tình Yêu trọn vẹn, Tình Yêu nên một ở mọi nơi và cho mọi người. Chúa Cha đã tạo dựng con người “tốt lành” và sau khi con người đánh mất bản năng ngay lành nguyên thủy, Chúa Giêsu yêu thương cứu chuộc. Tình Yêu này “người Con muốn mạc khải” cho tất cả những ai mở lòng đón nhận.

3. Chúa Giêsu mời gọi môn đệ tiếp nối sứ mạng: “Hãy mang lấy ách của tôi,” nghĩa là hãy trở thành môn đệ của tôi. Trở thành môn đệ là noi gương Thầy trong tính cách hiền hậu, nhân cách khiêm nhường để sống một tâm cách như chính Thầy Giêsu và nhờ đó tâm hồn người môn đệ đạt được bình an. Tâm hồn bình an là tâm hồn đón nhận ơn cứu độ nơi người môn đệ Chúa Giêsu; không có một môn đệ của ai khác có thể đạt được niềm bình an này vì đây không phải là bình an hạ giới phụ thuộc vào thế giới vật thể ở chung quanh. Mang lấy ách của Thầy, người môn đệ mang lấy sứ mạng của Tin Mừng Cứu Độ.

Trình thuật của Tin Mừng hôm nay được tác giả Mátthêu đặt vào bố cục của phần nói về mầu nhiệm Nước Trời. Mầu nhiệm Nước Trời được rao giảng công khai nhưng không được tất cả thành phần xã hội Do Thái đón nhận.

Ở phần mở đầu của trình thuật này, tác giả trình bày lời chúc tụng Chúa Cha mà Chúa Giêsu ca tụng được đúc kết trọn nghĩa trong thánh vịnh Tạ ơn Thiên Chúa (Tv. 136) mà người Do Thái nào cũng biết nằm lòng. Vậy mà rất nhiều người Do Thái đã không nhận ra Chúa Giêsu. Không biết Chúa Giêsu thì không thể biết Chúa Cha! Chúa Cha, Đấng đã “giao phó mọi sự” cho Chúa Con, được mạc khải nơi sứ vụ công khai của Chúa Giêsu nơi những người bé mọn, bị bỏ rơi, bị xã hội “mặc kệ”. Từ ngàn xưa, Thiên Chúa đã “để ý” đến những người cùng khổ khi phán với Môsê và dân lưu đầy: “Chính Ta sẽ đi và cho ngươi được nghỉ ngơi” (Xh. 33,14). Thiên Chúa là Đấng mà dân xưa đã gọi là Giavê, Thiên Chúa tạo dựng đất trời và là Đấng giải thoát (Is. 40,12-31; 42,5), thế mà các nhà lãnh đạo Do Thái vẫn bỏ mặc (Is. 28,7-12).

Từ đây, lật lại lịch sử Dân Chúa sẽ tìm được nơi cuộc đời ngôn sứ Isaia một sứ mạng của “người tôi tớ đau khổ” vật lộn với cuộc bể dâu của loài người nhưng xác tín hy vọng nơi kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Kế hoạch của Thiên Chúa là khắp tận cùng trái đất được ơn cứu độ (Is. 49,1-6). Thiên Chúa không bội tín với con người, thế nên qua bao thăng trầm của lịch sử Thiên Chúa vẫn trung tín thực hiện giao ước. Nếu cuộc đời và sứ mạng của các ngôn sứ còn dang dở thì cuộc đời của Chúa Giêsu đã thành toàn giao ước cứu độ.

Nếu con người đã mang lấy một lịch sử khổ đau và quằn quại, là vì con người từ chối Thiên Chúa. Khi từ chối Thiên Chúa, người ta chỉ biết mang lấy ách của luật và phân xử thắng thua theo hệ quả của luật; khi đó, luật là gánh nặng ngàn cân dẫn vào nhiều đối nghịch của lý trí. Trái lại, khi con người đáp lời Thiên Chúa thì sống trong tương quan của “Cha và Con”. Cha yêu thương và dành trọn vẹn “ách cứu độ” cho con.

Chúa Giêsu mời gọi người môn đệ bước vào tương quan “Cha và Con” là mời gọi con người mang lấy sứ mạng của Chúa Giêsu và sống trong tương quan đầy tình phụ tử. Mang lấy ách của Chúa là đón nhận ơn cứu độ bằng chính tâm cách của bản thân mỗi người.

Tâm cách của người môn đệ Chúa là cảm nhận Lời Chúa như cảm nhận hơi thở của mình. Không có Lời Chúa trong cuộc đời là không có hơi thở trong cuộc sống. Hôm nay, Lời của Chúa Giêsu mời gọi người Kitô hữu đánh giá lại chất lượng cuộc sống của mình trong ánh sáng của Tin Mừng. Tôi có mang lấy ách cứu độ của Chúa cho chính mình và cho tha nhân?

Mang lấy ách của Chúa là can đảm thay đổi lối sống xa rời ơn cứu độ. Khi nhận ra bản thân không còn là người con hiền lành và khiêm nhường đối với Chúa là Cha, chúng ta đã khước từ ơn cứu độ. Đó là lúc chúng ta không còn sống trong hy vọng trở về với Thiên Chúa và xác tín được nghỉ ngơi trong vòng tay xót thương của người Cha nhân lành.

Khi xét lại bản thân không còn là một người hiền lành và khiêm nhường với tha nhân, chúng ta đã rời xa con đường đến với Thiên Chúa. Khi rời xa Thiên Chúa, chúng ta không còn thấy mọi người trong tương quan “con cùng một Cha” là Thiên Chúa Tình Yêu.

Mỗi người trong chúng ta có quyền tự do lựa chọn để đáp lại mời gọi của Chúa hoặc khước từ. Tôi có đón nhận “ách cứu độ” của Chúa để có được tâm hồn bình an?

Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ, dòng Tên (SJ)

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Tiệc cưới
Tiệc cưới
Tiệc cưới là việc xác nhận và mừng chúc một cặp hôn nhân. Tiệc cưới theo sau việc đính hôn và đi trước liên hệ tính dục. Đây là biến cố ghi dấu bằng lễ hội, ca hát và hoan hỷ.
Chúa Giêsu Kitô và những lời  tiên báo về người
Chúa Giêsu Kitô và những lời tiên báo về người
Cựu Ước đã cho thấy trước về con người và sứ vụ của Chúa Giêsu Kitô, các tác giả Tân Ước thường ghi nhận Đức Kitô hoàn thành lời tiên báo trong Cựu Ước. Điều đó cho thấy Thiên Chúa trung thành với lời hứa cứu độ và xác quyết...
Chứng từ
Chứng từ
Chứng từ là lời và cuộc sống của Kitô hữu có giá trị như bằng cớ về chân lý đức tin: “… sứ điệp cứu độ phải được chứng thực bằng chứng từ của đời sống các Kitô hữu” (GLHTCG 2044).
Tiệc cưới
Tiệc cưới
Tiệc cưới là việc xác nhận và mừng chúc một cặp hôn nhân. Tiệc cưới theo sau việc đính hôn và đi trước liên hệ tính dục. Đây là biến cố ghi dấu bằng lễ hội, ca hát và hoan hỷ.
Chúa Giêsu Kitô và những lời  tiên báo về người
Chúa Giêsu Kitô và những lời tiên báo về người
Cựu Ước đã cho thấy trước về con người và sứ vụ của Chúa Giêsu Kitô, các tác giả Tân Ước thường ghi nhận Đức Kitô hoàn thành lời tiên báo trong Cựu Ước. Điều đó cho thấy Thiên Chúa trung thành với lời hứa cứu độ và xác quyết...
Chứng từ
Chứng từ
Chứng từ là lời và cuộc sống của Kitô hữu có giá trị như bằng cớ về chân lý đức tin: “… sứ điệp cứu độ phải được chứng thực bằng chứng từ của đời sống các Kitô hữu” (GLHTCG 2044).
Cuộc lữ hành trong hy vọng của Người Con Thiên Chúa
Cuộc lữ hành trong hy vọng của Người Con Thiên Chúa
Cử hành lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa sám hối của Gioan, chúng ta cùng chiêm ngắm Chúa Giêsu xuất hiện trong lịch sử nhân loại, được mô tả là Đấng Kitô, đấng được xức dầu trong tương quan Ba Ngôi Thiên Chúa.
Gia đình
Gia đình
Gia đình là một nhóm người có liên hệ với nhau do hôn nhân hay máu mủ, cách chung có cha, mẹ và con cái. Vợ chồng làm nên gia đình căn bản. Ông bà, con cháu, họ hàng là gia đình mở rộng.
Niềm vui Chúa Giêsu Kitô mang đến
Niềm vui Chúa Giêsu Kitô mang đến
Chúa Giêsu Kitô mang lại niềm vui cho dân Người. Họ mừng vui vì Chúa là Đấng Cứu Tinh đã đến cùng với muôn ân phúc Người đem đến cho họ. Các đạo sĩ từ phương đông được ngôi sao dẫn đường đến tận nơi Hài Nhi ở, “… họ...
Đi tìm...
Đi tìm...
“Lễ Chúa Hiển Linh” theo cách gọi của lịch phụng vụ ngày  nay, được người Công giáo Việt Nam ngày xưa gọi là “Lễ Ba Vua”.
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật lễ Thánh Gia - năm C
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật lễ Thánh Gia - năm C
Sau ba ngày tìm kiếm, hai ông bà Giuse - Maria sửng sốt khi thấy Con mình ung dung ngồi giữa các vị thầy, đang học hỏi về đạo lý với họ.
Mừng lễ
Mừng lễ
Tham dự các bữa tiệc thường là nét đặc trưng người Do Thái cử hành các lễ hội trong đạo.