Cần Thơ, ngày… 1969
Sáng nay cha sở giơ tay ngoắt mình theo kiểu Tây :
- Piô... Nói nghe nè !
- Có chuyện gì đó ông Chín ?
- Tối nay nhà mình có tiệc. Piô chuẩn bị tiếp khách dùm tôi. Tiếng Pháp thì tôi rành, còn tiếng Anh thì... Piô ráng nghe !
- Eo ơi ! Con sợ lắm ! ông Chín nói tiếng Pháp như ngỗng ỉa. Còn con thì nói tiếng Anh như gà mắc dây thun !
- Cố gắng ! Kinh nghiệm của tôi đó : “Mọi vấn đề quan trọng đều được giải quyết trên bàn ăn”.
Câu nói của cha sở bắt mình suy nghĩ. Chắc mình sẽ nhớ mãi cho đến chết : “Mọi vấn đề quan trọng đều được giải quyết trên bàn a¸n”. Lần đầu tiên trong đời, mình được ăn cơm Tây, với Tây và chỉ nói tiếng Tây. Ăn cơm Tây thì lạt miệng. Nói tiếng Tây thì mỏi tay. Mình vác khổ giá gần ba tiếng đồng hồ. Nhưng có một điều chắc chắn là cây khổ giá nở rất nhiều hoa. Ban đầu người ta cụng ly một cách hữu ý, nhưng vô tâm và vô tình. Đến ly hậu bôi, thì tình người đã đầy tràn chan chứa. Chủ khách siết tay giã từ nhau một cách thắm thiết. Lời giã từ "See you again" (hẹn gặp lại), nghe âm ấm như có linh hồn...
Khi chiếc xe cuối cùng đã ra khỏi cổng nhà thờ, cha sở quay lại bắt tay mình :
- Bonne nuit, chúc Piô ngủ ngon. Chúng ta thành công.
- Good night. Chúc ông Chín ngủ ngon.
--------------------------------------------------------------------------------
Đồng Cùng, ngày... 1973 .
Hôm nay mình đưa bà mẹ Catherine và dì Ba Gertrude vào thăm ông Năm Hiếu. Ông Năm là nhân vật nổi tiếng ở đây. Ông quyết tâm cầm khách ở lại.
- Ông cha, bà mẹ đến thăm tôi, tôi đội ơn. Nhưng chưa ăn với tôi một bữa cơm thì tôi kể như chúng mình chưa gặp nhau bao giờ.
- Ông Năm khó vậy sao ? Vậy thì tôi xin thua.
Món ăn chính là rùa nướng. Ông năm lôi bộ lòng ra, lấy tay ngắt từng khúc ruột, bỏ vào chén của từng người khách. Hai bà phước đưa mắt dòm mình, ý muốn xin "cứu bồ". Mình lờ đi. Thanh toán xong phần của mình, mình khích lệ :
- Bà mẹ ăn đại đi, trong đó có tình yêu đấy. Nếu không ăn thì ông Năm giận đến đời đời.
Hai bà phước sợ ông Năm giận thật, nên vội vàng gắp hai khúc ruột lòng thòng bỏ vào miệng, rồi thầm thĩ cầu nguyện… Chắc Chúa đã nhậm lời, nên hai bà được bình an vô sự...
Thấy thế, ông Năm mừng quá đỗi. Ông lôi ra một bộ lòng nữa. Lại lấy tay ngắt ra từng khúc và lại bỏ vào chén khách. Thấy hai bà phước tái mặt, mình ra tay tế độ :
- Ông Năm cho tôi hết đi. Cho bà phước ăn thịt rùa khác nào cho chim cú đậu cành mai.
Dì Ba chắp tay xá mình lia lịa và ngỏ lời tri ân :
- Cám ơn cha !
Về tới nhà, hai bà phước vẫn còn rùng mình, nhưng tràn ngập niềm kiêu hãnh, vì đã dám ăn để yêu. Một kỷ niệm không quên !
--------------------------------------------------------------------------------
Cà Mau, ngày.....
Anh Ba Hiến vừa leo cầu thang vừa la oang oang :
- Bắt được con chuột rồi, mời “xóm biên đình” qua Quản Long dự tiệc mừng.
- Bắt được con chuột mà cũng ăn mừng sao ?
- Kiếm cớ để anh em gặp gỡ, chia sẻ tâm tình. Chúng ta khổ quá rồi, lâu lâu phải ăn với nhau một bữa cơm...
Một sáng kiến thương quá là thương ! Linh mục là người cô đơn, cô đơn phía trên, cô đơn phía dưới.
Phía trên là Giám mục, thì một năm chưa chắc đã có được một lần tâm sự.
Phía dưới là hằng ngàn giáo dân, nhưng chưa chắc đã có được một người bạn nối khố.
Bây giờ chỉ còn phía bên hông là giữa anh em linh mục với nhau, nếu không tạo thời cơ để ngồi ăn với nhau, thì chưa chắc đã ngồi lại mà trao đổi và chia sẻ công tác mục vụ với nhau.
Chuột ơi, hãy đến hoài hoài, để anh em linh mục ăn với nhau và thương nhau mãi mãi.
--------------------------------------------------------------------------------
Sài Gòn, ngày 8-4-1996 .
Hôm nay mình lên Sàigòn để tái khám. Muốn đi tái khám thì phải đến 36 Tú Xương. Hồ sơ của mình để ở đó. Cổng đóng im ỉm.
- Leng keng... leng keng...
- Cha !
Một bà ngoại tám mươi ba tuổi nắm lấy tay mình :
- Mời cha vô trong kia. Nhà mình mà !
Mình vô nhà cơm. Bữa cơm đã tàn. Bắt đầu tráng miệng. Xoài tượng và nước mắm đường. Sáu quả xoài tượng to tổ bố. Những miếng xoài to và dày như lưỡi trâu. Gần hai chục bà phước ăn xoài xanh. Im phăng phắc. Thời gian như ngưng đọng. Không gian như hư vô. Bề trên ăn, bề dưới ăn. Thể xác ăn, linh hồn ăn. Ăn với tốc độ và nồng độ như nhau. Hạnh phúc là thế. Thiên đàng là đây. Mình nói với chị Camille :
- Một agapê tuyệt vời. Egalité (bình đẳng) và fraternite ù (huynh đệ) tuyệt đối. Không còn phân biệt trên dưới, già trẻ. Tất cả chỉ là một. Cái kết quả cao quí khôn lường ấy lại được trả bằng một cái giá rẻ mạt không ngờ : sáu trái xoài tượng.
Xây dựng hạnh phúc cộng đoàn nhiều khi phải xoay trở đến toát mồ hôi, mà cuối cùng vẫn phải "anh đi đường anh, tôi đi đường tôi". Thế nhưng, nhiều khi hạnh phúc ấy lại đến ngồi chờ ở cổng nhà ta. Vấn đề chỉ còn là mở cổng hay không. Cũng thế, nhiều khi ta phải trị bệnh bằng đại phẫu tốn cả cây vàng, mà cuối cùng chỉ còn là một sự sống vật vờ trong một thân xác không toàn vẹn. Trong khi đó bệnh ấy chỉ cần trị bằng một nắm dược thảo mọc hoang dại trong vườn nhà.
-------------------------------------------------------------------------------
Cà Mau, ngày....
Hôm nay anh em ngồi chia sẻ những nỗi đoạn trường của đời mục vụ. Vạn sự khởi đầu nan vẫn là cái hộ khẩu. Nhưng cái nỗi gian nan khổ ải ấy lại qua đi như mây bay nhờ một agapê, một bữa cơm thân ái.
Hôm ấy Tư Vinh đưa Mười Râu đi “gãi tai” để kiếm cái hộ khẩu.
- Tụi con ở đây biết bao lâu rồi. Ông Hai biết tụi con quá rồi mà. ông Hai cho anh Mười nhập khẩu đi.
- Để đó… để đó. Tụi bay nhậu với tao một cái đã, rồi tao tính sau.
Trời đã xâm xẩm tối. Tư Vinh nhìn Mười Râu. Mười Râu nhìn Tư Vinh. Tiến thoái lưỡng nan... Nhưng không lẽ lại về tay không ?
- Chơi luôn ! Mười Râu cười với Tư Vinh, buông thõng một câu.
- Bưng đồ ăn lên đây. Đem rượu ra. Chơi cho hết tình hết nghĩa.
Tợp một cốc rượu, gắp một miếng mồi. Tình yêu nhích lên một chút. Tợp một cốc nữa, gắp một miếng nữa. Tình yêu lớn lên như thổi.
Tư Vinh và Mười Râu chịu chơi, nhưng không dám chịu chết. Hai anh làm bộ say gục đầu xuống bàn. Ông Hai bí thư xã dìu hai anh vào giường… Có một dấu hiệu khả nghi. Ông Hai quày trở lại, vén mùng, lấy ngón tay khều khều ở hai ổ nách Tư Vinh và Mười Râu.
- Hí... hí...
- À chưa chết ! Ra đây chịu tội.
Hai tên”đào ngũ” lồm cồm bò ra chịu tội. Một lát sau, ngựa lại về đường cũ. Ông Hai lại nghi ngờ, lại rờ hai ổ nách. Nín khe. Thở phò phò…
- Chết thiệt rồi.
Ông Hai bí thư tấn mùng cho khách một cách cẩn trọng và trìu mến... Sáng hôm sau, ông lấy giấy ra, ký xoẹt một cái. Thế là xong. Mười Râu ôm lấy cái chữ ký kềnh càng của ông Bí thư như ôm một hũ vàng.
Bình luận