Đây là chuyện tôi nghe:
Một hôm, trong câu chuyện định kỳ hằng tháng vào hai ngày sóc vọng,(1)đạo sư mở đầu với câu hỏi:
- Các con, trong triết học người ta hay nhắc tới ba câu hỏi căn bản. Các con biết chứ?
Một môn sanh mau mắn đứng dậy trả lời:
- Thưa thầy, ba câu hỏi ấy là:Ta từ đâu đến cõi đời này? Đến để làm gì? Xong rồi sẽ đi về đâu?
Mỉm cười, đạo sư gật đầu, ra dấu mời học trò ngồi xuống:
- Phải đó các con. Hôm nay chúng ta cũng có ba câu hỏi, nhưng khác hơn ba câu hỏi vừa rồi. Trước hết, các con hãy nghe chuyện này:
Ngày kia, hoàng đế một nước cường thịnh nọ chợt nghĩ ra ba câu hỏi:Lúc nào là quan trọng nhất?Ai là người quan trọng nhất?Việc làm nào là quan trọng nhất?
Dẫu thông minh, đủ tài kinh luân thao lược và tế thế an bang, vua lại lúng túng, không thể tự mình trả lời ổn thỏa.
Được vời đến để hỏi ý kiến, ba vị đại thần trong hội đồng tư vấn tối cao e dè đưa mắt nhìn nhau như thể ngầm hội ý. Thế rồi họ lần lượt đáp:
- Muôn tâu thánh thượng anh minh, thời kỳ thánh thượng cai trị trăm họ chính là lúc quan trọng nhất. Vì vậy, người quan trọng nhất chính là thánh thượng. Việc làm quan trọng nhất chính là công nghiệp mở mang bờ cõi của thánh thượng.
Vua tỏ vẻ không hài lòng. Ba vị đại thần chột dạ, cảm thấy uy tín bị suy giảm trước ngôi cửu ngũ. Để vớt vát, họ cùng quỳ xuống, xin ngài thân hành tham vấn một hiền giả nơi thâm sơn cùng cốc. Vốn tính ham học hỏi, vua chuẩn tấu.
Hôm sau, khi gần tới chỗ hiền giả ẩn cư, vua ra lệnh cho toán ngự lâm quân hãy dừng lại hết ở chân núi, cứ để ngài một thân một mình leo lên. Bởi ngài nghĩ, đi gặp hiền nhân thánh triết cầu học mà đem theo lính tráng giáo gươm bảo vệ thì quá tệ.
Lên tới một vách đá cheo leo, vua tìm được ẩn sĩ đang đắm chìm thiền định trong hang động. Giữ lễ, không dám thất thố kinh động, ngài rón rén tìm chỗ ngồi nghỉ chân, kiên nhẫn chờ đợi. Rồi mệt mỏi, ngài lăn quay ra ngủ ngon lành.
Khi vua choàng tỉnh, ánh nắng sớm mai đang hắt vào cửa động. Không khí trong lành cùng với tiếng chim ríu rít gọi bầy giữa tàn cây khóm lá khiến ngài lâng lâng sảng khoái. Hiền giả đã đi đâu rồi, để lại tấm nệm cỏ ngồi thiền trống trải.
Vua mon men bước ra triền núi, nhìn bao quát và thấy xa xa bên dưới kia, dải giang san của ngài tắm ánh bình minh mới đẹp làm sao! Bất chợt ngài bừng nở nụ cười, cõi lòng sung sướng tràn trề.
Chưa bao giờ ngài hưởng được buổi sáng thần tiên như thế này! Nhiều năm qua, mỗi sáng sớm ngự triều, ngài cứ phải nặng lòng lo nghĩ tính toan khi nghe bá quan lần lượt trình tấu tình hình nội chính và ngoại giao. Để gây uy tín cá nhân với vua, các quan khi báo cáo thường khéo léo tô vẽ sớ trình, thế nên ngài luôn luôn phải tỉnh táo để phân biệt giữa hư và thực, khiến cho hầu như lúc nào ngài cũng căng thẳng và căng thẳng!
Giữa lúc chiêm ngưỡng giang sơn gấm vóc, vua bỗng nhận thức thật rõ lý do vì sao ngài phải ngồi trên ngai vàng, mục đích thật sự của “nghề” làm vua là gì, những lo toan nhọc nhằn cân não của ngài là cốt yếu để đánh đổi được những gì cho con dân của ngài…
Tiếng sỏi lạo xạo sau lưng cắt ngang dòng suy nghĩ của nhà vua. Ngài quay lại và bắt gặp hiền giả đang tới sát bên ngài, chiếc gậy trúc trong tay chỉ như món trang trí vì hiền giả đứng thật thẳng lưng.
Nhà vua chẳng hề phật lòng khi thấy ẩn sĩ tuy giữ lễ vua tôi nhưng chẳng tỏ ra tí gì khúm núm, quỵ lụy như mắt ngài đã quá quen nhìn mỗi ngày mỗi giờ.
Ắt hẳn có tha tâm thông, tự rõ biết ba điều nhà vua đang thắc mắc, nên vua chưa kịp hỏi thì hiền giả đã hỏi ngược lại:
- Thưa bệ hạ, ngài nói đi:Lúc nào là quan trọng nhất?Ai là người quan trọng nhất?Việc làm nào là quan trọng nhất?
Vua làm thinh, ánh mắt lóe nhanh một tia sáng, và ngài mỉm cười.
Một tay chống gậy trúc, bàn tay kia dịu dàng xòe ra làm dấu chỉ đường quay xuống núi, hiền giả ôn tồn nói:
- Bệ hạ, chúc ngài hồi cung bình an.
Ngừng kể, chờ một lúc cho các môn sanh kịp thấm câu chuyện, đạo sư đưa mắt từ ái nhìn khắp giảng đường rồi nhẹ nhàng hỏi:
- Nếu là vị minh quân ấy, các con trả lời ẩn sĩ thế nào?
(Còn tiếp một kỳ)
Bà Chiểu, 26-3-2014.
Dũ Lan Lê Anh Dũng
_______________
(1)Sóc: Mùng một âm lịch.Vọng: Ngày rằm (mười lăm âm lịch).
Bình luận