Sống ơn gọi dâng hiến và phục vụ cách riêng cho người đau yếu, nữ tu - y sĩ Maria Phạm Thị Mầu, dòng Chúa Quan Phòng Cù Lao Giêng đang âm thầm ghi vào nhật ký đời tu những thước phim chân chất tình người!
Cù Lao Giêng mùa này mưa nhiều. Tháng bảy, có hôm trời lóe lên vài giọt nắng rồi âm u tới chiều. Đã mưa thì dai dẳng. Căn phòng nhỏ đặt tại cánh cổng cuối cùng của tu viện Chúa Quan Phòng, nơi sơ Mầu làm việc cũng ít người đến khám hơn. Bởi thế mà những lúc này, dì Mầu có vẻ được thư thả. Mà cũng không hẳn vậy. Với bà sơ kiêm thầy thuốc, cứ hết việc này lại tìm việc khác, mày mò, bào chế, chăm sóc cây thuốc… 13 năm qua, dì gắn bó nơi đây. Bà con miệt cù lao dù theo đạo hay không theo đạo cũng tìm đến căn phòng quen thuộc để được thăm khám. Ca nhẹ dì châm cứu, cho thuốc, nặng thì sơ cứu rồi chuyển lên tuyến trên điều trị. Nói cách khác, có thể xem địa chỉ này như trạm y tế thứ hai của xã.
Khởi đầu với vài giường bệnh và các thiết bị đơn sơ, được sự khuyến khích của địa phương và nhà dòng, nên dần dần cơ sở cũng thay mới các phương tiện phục vụ. Các ngày trong tuần, dì Mầu châm cứu, bấm huyệt. “Viện phí” tượng trưng là 15 ngàn/lượt. Chúa nhật, dì phát thuốc miễn phí cho những ai cần.
Đến thăm dì đang lúc làm việc, chúng tôi ngạc nhiên vì cơ sở rất đông người bệnh. Bà Nguyễn Thị Lớp, 63 tuổi, ngụ ấp Tấn Hòa, xã Tấn Mỹ, Chợ Mới (An Giang) vui vẻ cho biết đã tới lui nơi đây vài lần và bệnh tình thuyên giảm hơn:“Nhà tôi cũng gần nên thường xuyên tới để được dì Mầu giúp. Lúc châm cứu, tôi với dì cũng hay trò chuyện, chia sẻ điều này điều kia về cách chăm sóc sức khỏe, và những chuyện vui buồn khác…”.Vừa dọn phòng thuốc, dì Mầukể cho chúng tôi nghe về đời tu của mình, về công việc đang phục vụ:“Muốn làm tốt thì phải có lòng yêu nghề, có yêu mến lắm thì mới dấn thân được!”.Dì cũng cho biết ngày xưa thích nghề y, rồi khi được sự cho phép của nhà dòng thì theo học để lấy các bằng cấp cần thiết, tham gia vào nghề, bắt đầu bằng sự cộng tác với các sơ có kinh nghiệm, dần dần lòng say mê thấm vào máu huyết.“13 năm, chỉ mình dì với căn phòng này. Có lúc cũng có sơ này sơ kia được gởi đến phụ giúp, nhưng vì nhu cầu của dòng nên sau một thời gian lại chuyển đi.Lý do nữa là vì làm nghề thuốc cũng đòi hỏi nhiều lắm, nên ngày qua tháng lại, tới giờ cũng chỉ có mình dì bám trụ”,sơnói.
Buổi chiều, sau khi các bệnh nhân ra về, dì cẩn thận dọn dẹp, sắp xếp dụng cụ gọn gàng. Trong quyển sổ tay, tôi thấy dì tỉ mỉ chú thích thông tin bệnh nhân rõ từng tên tuổi, nơi ở, quá trình điều trị. Miệt mài và tận tình phục vụ suốt một hành trình dài, dì âm thầm chữa trị cho biết bao nhiêu trường hợp đau yếu trên miền cù lao này. Mái tóc điểm bạc, sau một ngày xoay xở với mấy mươi lượt bệnh nhân, chúng tôi biết rõ dì thấm mệt, nhưng nụ cười vẫn giữ trên môi. Dì bảo:“Đi tu là phục vụ mà, miễn sao mang lại lợi ích cho anh chị em là mình thấy vui!”.
Anh Nguyên
Bình luận