Thứ Tư, 20 Tháng Bảy, 2022 17:44

Chút kỷ niệm ở Di Linh

 

Vì đại dịch Covid-19, nên kỳ thực tập thực tế của tôi bị dời vào giữa tháng 5.2022. Chúng tôi được gởi lên cao nguyên Di Linh, mỗi nhóm có 12 người, sống chung với những anh em đồng bào K’Ho trong 14 ngày. Đó là khoảng thời gian không dài cũng không ngắn, nhưng với tôi nó đủ, đầy và đẹp ở một quãng đời thanh xuân của tôi.

Nơi tôi được gởi  trú ngụ là một gia đình Công giáo người K’Ho. Anh chị luôn khuyến khích con cái trong nhà đi lễ, học giáo lý và tham gia các hoạt động của nhà thờ, còn anh chị thì thỉnh thoảng mới đi lễ. Cách đây vài năm, gia đình anh chị bị cháy nhà, mất hết tất cả phải bắt đầu lại từ đầu. Là người đồng bào, nhưng anh chị nói tiếng Kinh rất rõ ràng, nên đã giúp chúng tôi gỡ rối nhiều điều trong việc khảo sát ngôn ngữ địa phương.

Mộ Đức Giám mục Cassaigne ở làng phong Di Linh

 

Ở Di Linh, tôi  có dịp đi thăm nhà thờ Kala và dự lễ ở xứ truyền giáo trên miền Thượng. Tôi như được chìm mình vào bầu khí của những anh chị em đồng bào nơi đây, từ từng chút nghi thức, lời kinh, lời hát song ngữ Việt - K’Ho và cả những điệu nhảy dâng của lễ, những tiếng cồng chiêng êm tai từ những nắm tay của dân làng.

Sống gần trại phong Di Linh, tôi được dịp chứng kiến sự thay đổi của dân làng so với những điều biết qua sách báo. Lòng quảng đại, dấn thân của Đức Giám mục Cassaigne đã góp phần đổi thay và thăng tiến đời sống người dân tộc, đặc biệt là bệnh nhân phong ở cao nguyên Di Linh. Lúc này, nơi đây không còn những túp lều tranh nữa, mà thế vào đó là những ngôi nhà khiêm tốn, ấm tình gia đình, tình làng nghĩa xóm. Trong làng phong Di Linh, mộ vị Giám mục đáng kính luôn ngát hương hoa. Dân làng gọi ngài với cái tên thân thương “Ông lớn”.

Người đồng bào nơi đây cho chúng tôi nhiều hơn chúng tôi nghĩ. Một cơ hội để đón nhận và ngẫm nghĩ về tình người. Trong thiền ngữ Ấn Độ có bốn câu thế này: “Bất kể bạn gặp ai, đó đều là người bạn cần gặp. Bất kể xảy ra chuyện gì, đó đều là chuyện nhất định phải xảy ra. Bất kể chuyện bắt đầu từ đâu, đó đều là thời điểm thích hợp. Bất kể là chuyện gì, đã qua chính là đã qua”. Tôi còn may mắn hơn khi được nhận lại nhiều hơn. Một gia đình đồng bào K’Ho theo Công giáo nhận tôi làm con nuôi. Ông bà đã có hai con gái nhưng luôn muốn có thêm con gái. Người K’Ho vẫn theo chế độ mẫu hệ, khi con gái lấy chồng, nhà gái được thêm con rể đến ở nhà mình.

Những ngày Di Linh, hòa mình vào với mây trời, với mùi đất và nếp sống của anh chị em đồng bào K’Ho cho tôi kinh nghiệm về sự từ bỏ và nhìn mọi sự đều mới dưới cái nhìn của Tạo Hóa. Họ sống thật, không màu mè! Dù chỉ là cái vén tóc, lau mồ hôi, dù chỉ là cái nón lá rách tươm vội đưa cho tôi trú mưa, hay đơn giản chỉ là ly nước trắng nhưng đùng đục mùi khói và rơm đen trong ly..., tôi cũng thấy nó ấm áp đến lạ thường. Những người nghèo, thực ra họ chẳng còn gì để nghèo hơn. Họ sống cho trọn vẹn những gì còn lại của cái nghèo, họ không bỏ lỡ một giây phút nào trong đời sống để lãng phí rồi hối tiếc…

 

Anh Jena

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm