Thứ Sáu, 18 Tháng Mười Hai, 2015 20:43

Có một dòng nhạc Noel

Noel dường như khắc sâu trong ký ức mỗi người với các biểu trưng hang đá, máng cỏ, ngôi sao, cây thông. Vào thời hiện đại, có thêm thiệp Giáng Sinh, các hộp quà nhỏ xinh, dây kim tuyến và các loại đèn chớp đủ màu mắc trên cây thông bày biện trong nhà ngoài phố, giăng dọc ngang những con đường, ngõ hẻm nơi xóm đạo... Trong mối giao lưu văn hóa toàn cầu, xuất hiện thêm trang phục ông già Noel, tuần lộc kéo xe trượt tuyết, buche Noel... Tất cả hợp thành cảnh sắc thi vị của một mùa kéo dài suốt tháng cuối năm, hấp dẫn ánh mắt và làm rạo rực con tim mọi người.

Sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến nhạc Noel. Nếu mùa hè, mùa xuân, mùa thu đều có một số nhạc phẩm đặc trưng, mùa Noel cũng vậy. Và có lẽ còn phong phú hơn các mùa còn lại với các bài hát trong đạo ngoài đời quen thuộc với rất nhiều người.

Trong một hai thập niên đầu của thế kỷ 20, phong trào thánh nhạc Việt Nam ra đời với sự xuất hiện của nhiều bài thánh ca Công giáo vốn được coi là những tư liệu để chứng minh rằng có thể đây là khởi nguyên của nền âm nhạc Việt Nam. Vào thời điểm đó, một bản thánh ca bất hủ được đánh giá là một sáng tác kiệt xuất mà nhiều giáo xứ ở cả ba miền chọn làm bài hát chính trong thánh lễ hoặc trong các hoạt cảnh văn nghệ vào mỗi mùa Giáng Sinh, đó là bài “Nửa đêm mừng Chúa ra đời”, sáng tác của hai linh mục Phaolô Đoàn Quang Đạt (1877-1956) và Gabriel Long ở miền Nam. Nhiều người ở miền Bắc đã được nghe bài hát này từ thập niên 30. Tính chất cổ xưa của bài hát còn được biểu hiện qua một số từ cổ được sử dụng như “kiểng tinh” soi sáng thâu đêm, cỏ rơm trải lót “bơ thờ”, “bớ” loài người ấy...

Từ giữa thập niên 40, có thêm các nhạc phẩm Hang Bêlem (Hải Linh), Cao Cung Lên, Mùa Đông Năm Ấy, Cùng Đi Bê Lem (Hoài Đức), Trời Cao (Duy Tân), Thiếu Nữ Sion (Hoàng Kim), Hãy Vùng Đứng (Vinh Hạnh). Riêng nhạc sĩ Hải Linh sau này còn có thêm hai bài hợp xướng, được nhiều ca đoàn hát trong thánh lễ hoặc trong các nhạc hội Giáng Sinh, là Ra Đời (thơ Hàn Mặc Tử) và Vinh Danh Thiên Chúa.

Dòng nhạc thánh ca Noel sau này được góp thêm với nhiều nhạc phẩm như Say Noel (Kim Long, Hải Linh, thơ Xuân Ly Băng), Kinh Cầu Giáng Sinh, Chúa Hài Đồng Và Trẻ Thơ (Viết Chung), Xanh Trời Noel, Noel Về (Nguyễn Duy), Đêm nay Noel (Xuân Thảo, thơ Xuân Ly Băng)...

Dòng nhạc Noel ngoài đời cũng đã có các ca khúc xuất hiện từ rất sớm. Năm 1938, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ sáng tác ca khúc Giáo Đường Im Bóng. Trong hai thập niên 60 – 70 là một số nhạc phẩm như Bài Thánh Ca Buồn, Hai Mùa Noel (Nguyễn Vũ), Đêm Thánh Huy Hoàng (Nguyễn Văn Đông), Màu Xanh Noel (Hoài Phương)...

Dòng nhạc Noel còn thêm phần phong phú với các nhạc phẩm nước ngoài du nhập vào, cả nhạc đạo và nhạc đời, và cũng đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt.

Về nhạc đạo, Đêm Thánh Vô Cùng (Silent night) là một bài hát bất hủ, được Joseph Mohr, một linh mục viết bằng tiếng Đức với phần soạn nhạc của một thầy giáo tên Franz Gruber vào năm 1818, đã được dịch ra hơn 300 thứ ngôn ngữ trên thế giới và được UNESCO công nhận là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại hồi tháng 3.2011. Ngoài ra là Tiếng Hát Thiên Thần (Gloria in excelcis Deo), Trời Hân Hoan (Il est né, le divin enfant)...

Về nhạc đời, phổ biến rộng rãi là các nhạc phẩm Chuông Ngân Vang (sáng tác năm 1857 với tên ban đầu là One Horse Open Sleigh, năm 1859 đổi thành Jingle Bells, Chúc Mừng Giáng Sinh (We wish you a merry Chritmas, Felix Navidas), Đi Tìm Chúa Tôi (Marys boy child)...

Mùa Noel thật đẹp và ấn tượng với mọi người. Chính vì thế, nhiều thế hệ nhạc sĩ bị cuốn hút, rung động và góp phần hình thành một dòng nhạc Noel. Và mùa Noel không thể thiếu vắng những bản nhạc riêng biệt đã được chắt lọc qua dòng thời gian.

Nguyễn Anh

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm