Khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót 2016, ĐTC Phanxicô đã cử hành nghi thức mở Cửa Thánh. Xin CGvDT cho biết về ý nghĩa của Cửa Thánh và truyền thống này đã hình thành từ bao giờ?
Nguyễn Hoàng Hiệp - GP Đà Lạt
Tin Mừng Gioan chỉ ra chính Chúa Giêsu là cửa. Chỉ qua Ngài, ta mới có thể đạt tới cuộc sống đích thực cho bản thân, cho tha nhân và cho Thiên Chúa. “Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ” (Ga 10, 9). Cửa Năm Thánh phải được hiểu trong bối cảnh đó. Cánh cửa là chính Chúa Kitô, cửa dẫn tới thiên quốc, tha thứ mọi lỗi lầm và xóa bỏ mọi án phạt.
![]() |
Truyền thống mở Cửa Thánh có lẽ phát xuất từ thời Đức Giáo hoàng Máctinô V, người đã sử dụng một Cửa Thánh giống hệt như Cửa Thánh ngày nay trong Năm Thánh 1423 tại Vương cung thánh đường Lateranô, tức nhà thờ Chánh tòa của Giám mục Rôma.
Nghi thức cho việc mở Cửa Thánh tại Đền thờ Thánh Phêrô đã là một tập tục có từ năm 1499, khi Đức Giáo hoàng Alexander VI mở ra vào đêm Giáng Sinh bắt đầu Năm Thánh 1500. Lúc đó cánh cửa làm bằng gỗ.
Ngày nay cánh cửa làm bằng đồng, do điêu khắc gia Vico Consorti đúc, được thánh hiến và khai mạc vào ngày 24.12.1949 do Đức Giáo hoàng Piô XII, để công bố Năm Thánh 1950.
Chủ đề của tội lỗi và lòng thương xót của Thiên Chúa được minh họa ở 15 trong số 16 khung hình nổi tạo nên chiếc cửa, kể lại những giai đoạn Cựu Ước và Tân Ước, từ sự phạm tội của Adam và Eve, cho đến biến cố Truyền Tin, và sự tích Người Cha Nhân Hậu.
Ngày xưa các vị Giáo hoàng dùng một cái búa bằng bạc để mở cửa với ý nghĩa đó là một công việc rất trọng đại, bởi vì cánh cửa của công lý và lòng thương xót chỉ có thể mở ra được là nhờ ở sức mạnh của lời cầu nguyện và sự sám hối mà thôi. Nhưng kể từ Năm Thánh 2000, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II không dùng chiếc búa nữa, mà chỉ dùng tay mạnh mẽ đẩy cánh cửa ra.
Trên chiếc Cửa Thánh tại Đền thờ Thánh Phêrô có khắc các huy hiệu của tất cả các vị giáo hoàng đã mở nó ra. Huy hiệu của Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ được khắc thêm vào sau khi ngài đóng cửa lại dịp kết thúc Năm Thánh.
Đối với các Kitô hữu, việc bước qua Cửa Thánh có ý nghĩa như là một sự diễn tả về niềm khát khao muốn gặp gỡ Thiên Chúa. Hành vì này cũng gợi nhớ tới Bí tích Thanh Tẩy, đó là hành vi đầu tiên để gia nhập cộng đoàn các tín hữu, tức Giáo hội. Khi bước qua Cửa Thánh, Kitô hữu sẽ tập trung tư tưởng, và bằng cách nào đó, đặt mình xuống dưới chân Chúa Giêsu như Mácta, chị của Maria, để lắng nghe Tin Mừng.
CGvDT
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.