Nếu thường xuyên đi chợ, người tiêu dùng không khó nhìn thấy những thau cá con được bày bán nhan nhản. Đó là những chú cá rô non, cá lóc non (lòng ròng), cá sặc non... Chẳng những thế, những loài tép non (tép co), hàu sữa, cá biển con... cũng bị đánh bắt. Đó là những món hàng “độc”, lạ nên thường đắt khách. Nắm được sở thích thị trường nên bà con nông dân đua nhau tận thu cá con mà không nghĩ đến hậu quả.
Việc tận diệt cá non sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái, lưới thức ăn sinh vật... Đặc biệt, nếu cứ vô tư tận diệt cá con thì một ngày không xa, con người chẳng còn con cá nào để dùng. Dù biết rằng, những loài cá nêu trên không nằm trong Sách đỏ Việt Nam nhưng chúng ta cần phải bảo vệ để có cá to, cá trưởng thành tự nhiên mà dùng.
![]() |
Được biết, nhiều quốc gia trên thế giới có luật quy định chặt chẽ về việc đánh bắt cá. Nhất là mùa sinh sản, dân chài, ngư ông buộc phải nghỉ ngơi để cho cá con sinh trưởng. Nói chi xa, nước láng giềng Campuchia là một ví dụ điển hình. Ở Biển Hồ, nơi được xem là vựa cá nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á, người dân chỉ được đánh bắt cá 6 tháng và 6 tháng còn lại phải nghỉ tay để cá đủ thời gian trưởng thành. Nếu vi phạm sẽ bị phạt nặng. Vì vậy nơi đây lúc nào cũng đầy ắp cá tự nhiên.
Ngày 21.3.2017, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Thủy sản (sửa đổi), Thượng tướng Phạm Ngọc Minh - Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn nhận thấy thủy sản của Việt Nam đang bị tận diệt bằng đủ các hình thức đánh bắt. Ông đã đề nghị Luật quy định mùa nào cấm đánh bắt cá, đặc biệt mùa cá sinh sản. Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh, cho biết: “Ở nước khác, mùa cá sinh sản đều cấm đánh bắt, họ cũng quy định rõ loại cá nào thì được đánh, vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Nhưng ở ta không cấm rõ ràng, mùa cá sinh sản ngư dân vẫn ra khơi đánh bắt hết nên mới dẫn đến câu chuyện tận diệt”.
Đặng Trung Thành, TPHCM
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.