Theo số liệu do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố ngày 7.3.2016, trong tổng số 66.066 thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, có gần 15 ngàn em không có nguyện vọng xét tuyển vào đại học hoặc cao đẳng, chiếm gần 23%. Năm ngoái, tỷ lệ tương tự 14%. Nhìn vào con số này, một chuyên gia tâm lý giáo dục đã nhận định, đây là tín hiệu đáng mừng trong việc chọn lựa ngành nghề tương lai. Có thể thấy, nhiều thí sinh đã nhận thức được rằng học đại học chưa phải là con đường duy nhất để lập nghiệp, các em có những lựa chọn khác, trong đó có việc học nghề.
![]() |
Như vậy, phải chăng phần nào bạn trẻ hôm nay đã biết nhìn vào hoàn cảnh, năng lực của mình để chọn lựa con đường nghề nghiệp? Họ xác định ngay từ đầu hướng đi cho tương lai để đỡ mất thời gian mà cũng trút bỏ được lo lắng, áp lực trong lúc ôn thi. Điều này không dễ đối với bất kỳ học sinh nào bởi họ đang trong lứa tuổi mơ mộng, dễ bị tác động bởi môi trường xung quanh. Thực tế, trước đây và bây giờ vẫn có một bộ phận học trò cuối cấp ba đăng ký vào đại học mà khi hỏi ra, không thấy họ thiết tha gì với ngành học ấy, có khi chỉ là “đua” theo bạn bè cùng lớp rồi phó mặc cho may rủi.
![]() |
Mới đây, đọc bài “Giúp người trẻ hướng đi vào đời” trên CGvDT 2050 (trang 40), tôi cũng cho rằng lớp trẻ hôm nay vẫn rất cần cha mẹ, thầy cô quan tâm, hướng dẫn trong việc chọn lựa nghề nghiệp cho tương lai. Mà cái khó là nhiều bậc phụ huynh thường “đánh đồng” việc bắt con nương theo sở thích của mình với chuyện hướng dẫn con.
![]() |
Phải làm sao giúp người trẻ nhận diện được thế mạnh, điểm yếu của bản thân, khơi gợi năng lực tiềm tàng để hướng họ tìm một ngành nghề phù hợp - không nhất thiết phải vào đại học, có thể ở trường nghề hay thậm chí là buôn bán, làm kinh tế gia đình... Một khi lớp trẻ có được sự đồng hành thực sự như vậy của cha mẹ, thầy cô, tin rằng con đường lập nghiệp của họ sẽ rộng mở hơn.
THÁI DƯƠNG (TPHCM)
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.