Thứ Ba, 14 Tháng Mười Một, 2017 17:28

Gặp bão hay gặt bão?

Dân tộc nào cũng vậy, ở văn học dân gian, chẳng hạn như tục ngữ, thường có hình thức ngôn từ tinh tế, bóng bẩy và nội dung hàm súc, tế nhị. Bởi thế, có nắm bắt được cái gốc ngôn từ và ngữ nghĩa đích thực của câu tục ngữ mới hiểu đúng, dùng đúng và phát huy được tới mức cao nhất cái hay, cái đẹp của nó.

Gần đây, trên tờ tuần báo nọ có xuất hiện một câu tục ngữ được in chữ to và dùng làm đầu đề cho một bài tiểu phẩm: Gieo gió gặp bão! Thoạt đầu, người đọc còn ngờ ngợ là in sai. Nhưng đọc tiếp cả bài, chợt bắt gặp câu sau đây: Tên tội phạm T đã “gieo gió ắt phải gặp bão”! Như vậy rõ ràng không phải lỗi in sai mà là do sự lầm lẫn của chính tác giả bài tiểu phẩm!

Tục ngữ dân gian Pháp có câu nổi tiếng “Qui sème le vent, récolte le typhon” (Ai gieo gió, ắt sẽ gặt bão). Bằng lối nói ẩn dụ mang sắc thái dân dã, câu tục ngữ có ý nghĩa khá thâm thúy với biểu tượng độc đáo về lẽ nhân - quả (gieo gió // gặt bão),  do đó đã có sức thuyết phục mạnh về mặt… răn đời! Ðiều đó đủ giải thích tại sao nó đã được “Việt Nam hóa” khá lâu đời trong lời ăn nói thông thường của nhân dân ta dưới những dạng phổ biến như: Ai gieo gió ắt sẽ gặt bão. Hoặc đơn giản hơn như Gieo gió gặt bão, nhưng nó vẫn giữ được cái tinh túy của câu tục ngữ Pháp với hai cặp từ đối xứng rất hoàn mỹ: gieo-gặt/gió-bão. Vậy mà ở đây nó đã biến dạng đi thành: gieo gió - gặp bão (!). Gieo mà đem đối với gặp thì quả là ép uổng!

NGUYỄN HOÀNG DUY (Q5 TPHCM)

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm