Thời kỳ thuộc địa bắt đầu từ 1858 cho đến hiệp định Genève được ký kết, ở Việt Nam và cả Đông Dương đã hình thành khối kiến trúc Pháp độc đáo do tồn tại trên nền văn hóa, địa lý Á Đông, bao gồm rất nhiều công thự hành chính, nhà binh, tư dinh, công trình công cộng, bệnh viện, trường học… Kiến trúc của Pháp mang tầm vóc lớn trên thế giới, một phong cách riêng tao nhã, tinh tế, đặc sắc. Vẻ đẹp, trình độ thi công, độ bền vững của các công trình theo lối Pháp ở Việt Nam và cả Đông Dương không phải bàn cãi. Trong điều kiện có chiến tranh kéo dài, thời tiết nhiệt đới gió mùa và cả ảnh hưởng nước mặn cùng nền phù sa yếu ở vùng duyên hải, các kiến trúc thời thuộc địa tỏ ra kiên cố, phục vụ tốt cho đến tận ngày nay - một giá trị mà hàng loạt công trình xây dựng sau này phải “ngả mũ”, bởi chất lượng vật chất và tính nghệ thuật. Nếu liệt kê các công trình được sử dụng lâu dài qua thế kỷ được thi công từ thời thuộc địa, danh sách rất dài và nay cho dù đã xuống cấp hay được trùng tu thì thời hạn của nó vẫn đáng nể.
![]() |
Bưu điện Sài Gòn, điểm đến của nhiều du khách quốc tế |
Không chỉ ở Hà Nội, Sài Gòn hay các đô thị lớn, từng tỉnh lỵ, tận thôn làng xa xôi cũng có các kiến trúc mang phong cách Pháp xây dựng từ thời thuộc địa: trường tiểu học, nhà thương, công sở… Người ta hay nhắc tới nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, Bưu điện Sài Gòn… như những công trình mang dấu ấn một thời, đã trở nên như biểu tượng của “Hòn ngọc Viễn Đông”. Còn nhiều những ngôi thánh đường ở TPHCM và các vùng miền khác - trải dài cả nước, cũng được xây dựng từ thời Pháp thuộc, trong đó không ít công trình kiến trúc đẹp vẫn phục vụ cư dân khắp nơi.
Kiến trúc thời thuộc địa ở Việt Nam và Đông Dương hình thành trong một giai đoạn lịch sử cụ thể, một “giao thoa” văn hóa đặc biệt thời ấy, có giá trị nhiều mặt và ở tình trạng còn có thể gìn giữ, tôn tạo khai thác được, khả thi hơn nhiều nếu sánh với khối kiến trúc thời Nhà Nguyễn đã ở tình trạng hiếm hoi. Nhìn ra các nước, thấy khối kiến trúc thời thuộc Anh ở Singapore đã được gìn giữ khai thác tốt nhất phục vụ phát triển du lịch: từng công thự, dãy phố mang phong cách riêng thời thuộc địa ở Singapore gây say đắm các du khách ngay cả đến từ “chính quốc” sương mù. Nếu nói rằng các kiến trúc thời thuộc địa góp phần cho thành công của ngành du lịch đảo quốc Sư tử có lẽ không ngoa.
Tại sao chúng ta không làm được, bên cạnh khai thác sự hấp dẫn du lịch biển, miệt vườn, vùng núi, du lịch mạo hiểm, các “tua” hướng sâu vào kiến trúc thời thuộc địa được xây dựng công phu chuyên nghiệp sẽ “hot” chăng?
CÔNG NGUYÊN (Bạc Liêu)
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.