Người khuyết tật được định nghĩa là người khi mới sinh bị khiếm khuyết cơ thể, hoặc trong quá trình sống và làm việc do bị tai nạn, họ đã mất đi một phần thân thể mình. Đau đớn về thể xác và tinh thần là điều không thể tránh khỏi. Nhưng đừng nghĩ họ tàn là phế. Hoàn toàn không. Tạo hóa rất công bằng với tất cả mọi người, dù rằng người khuyết tật mất đi đôi mắt, nhưng tâm hồn họ lại sáng bừng, làm nên những điều tốt đẹp cho cuộc sống này.
Có thể kể một số nhân vật khuyết tật nổi tiếng trên thế giới: Nhà soạn nhạc Beethoven (Đức) khiếm thính; tài tử Hollywood Sylvester Stallone (Mỹ) bị liệt một bên mặt; nữ văn sĩ mù Helen Keller (Mỹ); diễn giả Nick Vujicic (Úc) mắc phải hội chứng tetra - amelia; nữ phi công không tay Jessica Cox (Mỹ)... Tại Việt Nam có nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký bị liệt hai tay; nhà văn nữ Trần Trà My bị liệt hai chân; cậu bé mù Bùi Ngọc Thịnh chơi được 7 nhạc cụ; Nguyễn Sơn Lâm - nạn nhân chất độc da cam - chinh phục đỉnh Fan - Si - Pan bằng nạng gỗ...
![]() |
Đặc biệt, người mà chúng ta cần phải nhắc đến là nhà vật lý Stephen Hawking (Anh) - một trong những bộ óc vĩ đại nhất của nhân loại. Hawking mắc một căn bệnh về thần kinh vận động liên quan tới hội chứng teo cơ, khiến cho ông hầu như liệt toàn thân và phải giao tiếp qua một thiết bị hỗ trợ phát giọng nói. Thế nhưng điều đó không ngăn cản ông học hỏi, nghiên cứu và chia sẻ những khám phá khoa học của mình cho cả thế giới.
Người khuyết tật là một phần nhân tố quan trọng trong xã hội, tuy nhiên đôi lúc chúng ta vẫn còn thiếu quan tâm với họ. Họ bị xem thường, các dịch vụ xã hội chưa chú trọng đến... Có người, vì bị coi khinh, trêu chọc, mà suốt cả cuộc đời họ bị ám ảnh, sống trong cảnh mặc cảm, đớn đau. Người ta sinh ra, không ai muốn mình khiếm khuyết cơ thể. Ngay cả đấng sinh thành, luôn mong muốn con mình khỏe mạnh trong suốt cuộc đời này. Nhưng cuộc sống này ai chọn được cửa sinh? Hãy nghĩ và cảm thương cho họ, cho những số phận không được may mắn về diện mạo, hình hài. Việc chung sống bình đẳng với người khuyết tật sẽ giúp họ tự tin trong cuộc sống, qua đó làm được rất nhiều điều có ích cho xã hội. Tôn trọng họ chính là tôn trọng nhân cách ở con người mình.
Vào Ngày Quốc tế Người khuyết tật 3.12.2022, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến khoảng 100 người khuyết tật về thể lý và tinh thần. Trong dịp này, vị mục tử của Giáo hội Công giáo hoàn vũ đã khẳng định rằng, đón tiếp người khuyết tật và đáp ứng nhu cầu của họ là nghĩa vụ của cộng đồng dân sự và Giáo hội, bởi vì ngay cả khi tâm trí hoặc khả năng giác quan và trí tuệ của một người bị tổn thương, thì họ vẫn là một chủ thể con người toàn vẹn, với các quyền thánh thiêng và bất khả xâm phạm vốn thuộc về mọi thụ tạo con người. Ngài nhắc nhở “Mỗi khi cộng đoàn Kitô hữu biến sự thờ ơ thành sự gần gũi, thì đây đúng thực là một cuộc hoán cải; mỗi khi Giáo hội biến sự loại trừ thành sự thuộc về, thì Giáo hội chu toàn sứ mạng ngôn sứ đích thực của mình”.
ĐẶNG TRUNG THÀNH, Bình Chánh
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.