Một anh thiếu gia nọ, là hôn phu của cô hotgirl xinh đẹp nổi tiếng bậc nhất Sài Thành, tán tỉnh một cô bé con còn đi học, quê xa tít tắp Cà Mau. Dĩ nhiên, để xứng tầm, anh hứa hẹn tương lai tươi sáng, rực rỡ sắc màu cho cô bé. Với đứa trẻ 17 tuổi, lời hoa mỹ của cậu thiếu gia kia là cả một vùng trời hy vọng, một niềm tự hào của cô bé mới lớn trên mạng xã hội rộng lớn. Ấy thế mà không may, chuyện tình đổ vỡ. Người đàn ông kia im lặng. Cô hotgirl im lặng, khóa facebook.
![]() |
Nghịch lý ở chỗ, những người không liên quan lên tiếng.
Giới phụ nữ chỉ trích cô bé kia đủ điều với các ngôn từ như xát muối vào lòng. Và rồi, vài tờ báo cũng vào cuộc cử phóng viên lặn lội xuống Cà Mau xa xôi, tìm cho bằng được “người thứ ba kia” để phỏng vấn, moi cho bằng hết thông tin để câu khách.
Phải chăng đó là sự a dua bầy đàn, hùa theo để làm tổn thương người khác cho bằng được? Hay là hiệu ứng đám đông?
Nói về hiệu ứng này, có lẽ nhiều người biết bức ảnh mang tên “Em bé và kền kền” được nhà báo Kevin chụp và đăng tải trên tạp chí New York Times vào năm 1993. Ngay sau đó, mọi sự quan tâm của dư luận đều đổ dồn vào chủ nhân của bức ảnh này. Người ta lên án tại sao anh nhà báo ấy không cứu đứa trẻ, lại để em ấy chết dần chết mòn và con chim kền kền thì chực chờ để ăn xác em ấy. Khi lời chỉ trích lên đến cực điểm thì cũng là lúc xác Kevin được tìm thấy trong chiếc xe hơi riêng đầy khí độc. Áp lực dư luận đã khiến anh ta tự sát.
Cách đây một vài năm, trong một cuộc thi truyền hình thực tế, có cô bé cũng là nạn nhân của dư luận nhẫn tâm. Họ đồn thổi, khinh miệt, cười chê khiến cô bé lúc ấy 16 tuổi đã phải chịu rất nhiều sự đả kích, cuối cùng phải cầu cứu đến Quốc hội. Những bạo lực tinh thần mà dư luận, đặc biệt là cư dân mạng xã hội ngày nay là quá lớn, quá bi kịch cho những cuộc đời nhỏ bé.
Những nhà sáng lập ra Instagram, Twitter hay Facebook có thể không bao giờ mong muốn sản phẩm của mình sẽ mang lại phiền toái đau thương cho con người, bởi vì những trang mạng xã hội này thật ra chỉ là phương tiện giải trí, gắn kết mọi người trong thời buổi tình cảm nhân loại ngày càng nhạt nhòa. Có lẽ chúng ta nên để phát huy tác dụng ấy. Xin đừng biến chúng thành những công cụ mang tính sát thương tâm lý. Không thể phủ nhận rằng ai cũng có quan điểm riêng về cô bé 17 tuổi như anh nhà báo hay cô bé ở chương trình truyền hình nọ, nhưng xin đừng mang ý kiến ấy lôi cuốn tập thể xoáy vào một người gây nên những hậu quả đáng tiếc.
Lê Thanh Mỹ - Cà Mau
Bình luận