Nhân tháng các linh hồn, chúng tôi có dịp trò chuyện về hỏa ngục, luyện ngục, lâm bô. Thú thực, ai cũng được nghe từ nhỏ những nơi chốn này nhưng chỉ hiểu mơ hồ, nhất là về luyện ngục và lâm bô. Xin Tòa soạn giúp thêm ý kiến?
Quỳnh Hương, Bình Thạnh - TPHCM
Trả lời:
HỎA NGỤC
Chúng ta thường nghe nói về lửa hỏa ngục thiêu đốt các linh hồn phạm tội bị giam hãm đời đời. Nhưng thực ra, hỏa ngục không phải là nơi có lửa vật chất mà là tình trạng con người tự loại trừ mình cách vĩnh viễn khỏi sự hiệp thông với Thiên Chúa và Các Thánh (x. GLHTCg 1033). Hội Thánh khẳng định có hỏa ngục và tính vĩnh cửu của nó. Linh hồn kẻ chết trong tình trạng tội trọng, tự ý thù ghét Thiên Chúa và cố chấp cho đến cùng, sẽ chịu phạt trong hỏa ngục. Hình phạt hỏa ngục là việc muôn đời con người bị tách biệt khỏi Thiên Chúa, Đấng mà chỉ nơi Ngài, con người mới có sự sống và sự vinh phúc (x. GLHTCG 1035 – 1037).
![]() |
LUYỆN NGỤC
Luyện ngục hoặc luyện tội, luyện hình là các từ thường được dùng để chỉ tình trạng thanh luyện, khác hẳn với tình trạng bị án phạt đời đời còn được gọi là hỏa ngục. Các từ luyện ngục, luyện hình có thể gây hiểu lầm vì chúng gợi lên hình ảnh ngục tù, nơi đó linh hồn bị giam giữ và phải chịu hình phạt để trả nợ, đền bù lại các tội đã phạm. Thực ra, luyện ngục không phải là một nơi chốn, cũng không phải là một “quá trình” trong thời gian mà là một “tình trạng” thiêng liêng. Đó cũng không phải là một áp đặt từ bên ngoài theo kiểu đòi hỏi của một thứ công lý của tòa án, nhưng thuộc về bản chất của tội, vì tội làm con người xa cách Thiên Chúa và tha nhân. Tương quan của con người với Thiên Chúa - Đấng tuyệt đối hoàn thiện - đòi hỏi họ trải qua một cuộc thanh luyện bằng “lửa” tình yêu để có thể kết hợp mật thiết với Ngài. Giáo lý về luyện ngục được củng cố bởi truyền thống cầu nguyện cho người quá cố vốn tồn tại từ rất lâu đời, như được mô tả trong Thánh Kinh (x 2Mcb 12, 46).
![]() |
LÂM BÔ
Lâm bô (là phiên âm và viết tắt của từ Latinh Limbus puerorum) là khái niệm của Thánh Albertô Cả (1200 – 1280), chỉ nơi dành cho linh hồn những trẻ em đã chết mà không được lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy. Khái niệm này là một cố gắng hiểu làm sao các trẻ vô tội có thể được cứu rỗi mà vẫn khẳng định sự cần thiết của Bí tích Thánh Tẩy. Ngày nay, khái niệm này ít được nói đến. Giáo hội tín thác các em cho lòng nhân từ của Chúa và hy vọng trong đức tin, các em được Chúa cứu cách nào đó (X. GLHTCG 1261). Gần đây, tháng 1.2007, Ủy ban Thần học quốc tế thuộc Bộ GLĐT đã công bố một tài liệu nghiên cứu chi tiết lịch sử của khái niệm này. Tài liệu mang tên “Niềm hy vọng ơn cứu rỗi dành cho các trẻ em chết mà không được rửa tội”. Ủy ban cho rằng, “giả thuyết về lâm bô” không có một nền tảng minh nhiên nào trong mặc khải, dù từ lâu đã đi vào trong truyền thống giảng dạy thần học. Ủy ban kết luận có nhiều lý do rút ra từ thần học và từ phụng vụ cho phép chúng ta tin tưởng và hy vọng rằng các em chết trước khi được rửa tội sẽ được cứu rỗi và được hưởng phúc kiến. Và cũng khẳng định những nghiên cứu của Ủy ban không hề làm suy giảm tính cần thiết của Bí tích Thánh Tẩy để được ơn cứu rỗi.
Hằng năm Hội Thánh Công giáo chọn ngày 1 tháng 11 dương lịch để kính mừng Các Thánh Nam Nữ trên trời và dành riêng trọn tháng 11 dương lịch, bắt đầu từ ngày mùng 2, để cầu nguyện cho các linh hồn trong luyện ngục.
Công đồng Trentô dạy rằng các linh hồn ở luyện ngục là thành phần của Hội Thánh cần nhờ đến lời cầu nguyện và hy sinh của chúng ta, những người còn sống. Giáo lý của Hội Thánh về luyện ngục là điều có sức yên ủi lòng ta và tỏ bày lòng thương xót vô cùng của Thiên Chúa đối với chúng ta. Việc cầu nguyện cho các linh hồn trong luyện ngục là một việc làm do tình thương thúc đẩy để bù đắp phần nào mối tình và bổn phận phải có đối với các kẻ đã qua đời mà có lẽ khi các ngài còn sống chúng ta đã không chu toàn.
Cầu nguyện cho những người đã khuất là chúng ta đang làm trọn đạo hiếu, đạo yêu thương mà các ngài đang khát khao mong đợi để ngày sau, trên quê hương Nước Trời, chúng ta sẽ sum họp cùng các thánh, gia tộc thiêng liêng, những người thân yêu, mà ca tụng lòng từ bi lân tuất Chúa.
CGvDT
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.