Thứ Tư, 20 Tháng Năm, 2015 14:28

Lễ đồng tế

Con là linh mục hải ngoại, hơn 30 năm xa cách quê hương. Có lần về Việt Nam do cháu mời chứng hôn cho cháu, cha xứ làm thủ tục hôn thú, ngày lễ cháu ước ao được cha chú đồng tế với cha xứ và chia sẻ Lời Chúa. Gia đình đã xin cha xứ đồng tế nhưng cha xứ trả lời: Xin lỗi cha, theo luật của địa phận này, lễ cưới và lễ an táng (trừ lễ tang ông bà cố các cha, các nữ tu) không được đồng tế! Ngài cắt nghĩa : “Để tránh những dị nghị giai cấp giàu nghèo: Giàu có thì xin lễ nhiều cha, lễ cho trọng thể, phô trương!”

Năm 2013, con có dịp về thăm một vài cha bạn ở các địa phận ngoài Bắc. Các ngài mời dâng lễ đồng tế trong ngày lễ quan thầy một giáo họ, hôm đó con đã đồng tế buổi sáng một nơi rồi, ngài nói luật địa phận này không được phép đồng tế hai lần một ngày, cần phải xin phép Đức cha, và ngài điện thoại xin phép cho con.

Xin tòa soạn cho biết thêm quy chế về thánh lễ theo sách Roma ấn bản năm 2002 và Huấn thị Bí tích Cứu Chuộc. Việt Nam đã cho áp dụng những điều phải giữ phải tránh liên quan tới Bí tích Thánh Thể hay còn theo quy chế trước ?

Xin Chúa chúc lành cho BÁO CÔNG GIÁO VÀ DÂN TỘC

Một linh mục

Xin cám ơn cha rất nhiều đã gởi thư cho Báo Công giáo và Dân tộc. Trong tay con cũng như trong tay một số các cha đang có sách Missale Romanum, Iuxta typicam tertiam, Imprimatur Francis Cardinal George O.M.I Archbishop of Chicago, December 29,2004, Midwest Theological forum A.D MMVII.

Về vấn đề đồng tế: Sách Lễ Roma bản mẫu thứ nhất, Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Roma số 155 dạy: “Episcopi est, ad normam iuris, concelebrationis disciplinam in omnibus ecclesiis et oratoriis suae diaecesis moderari” (Giám mục hành sự theo quy tắc Giáo luật có quyền đặt ra kỷ luật đồng tế trong toàn giáo phận mình, kể cả thánh đường và các tu hội miễn trừ). Sách Lễ Roma bản mẫu thứ ba giữ nguyên luật này, chỉ có khác số: 202. Luật chung này trở thành luật riêng của từng địa phận vì do từng Đức Giám mục quy định cho địa phận mình nhưng đã có một tiếng nói chung của các Đức cha: cho dâng lễ đồng tế trong lễ an táng bố mẹ của giáo sĩ và tu sĩ.

Giáo xứ của làng con ở Illinois, cha xứ làm một tuần có 3 thánh lễ: hai lễ trong ngày Chúa nhật, một lễ ngày thứ Năm trong khi đó Giáo luật khuyên linh mục dâng lễ mỗi ngày. Còn ở TPHCM, linh mục xứ dâng lễ sáng và chiều ngày thường và ngày Chúa nhật dâng ba lễ, không được dâng lễ thứ tư nên phải nhờ các linh mục khác tới mới đáp ứng đủ nhu cầu. Một bên thì phải khuyến khích dâng thánh lễ, một bên thì hạn chế dâng thánh lễ cho đúng luật. Mấy điều luật này tạo ra sự khác nhau ở nơi này với nơi kia, nhìn chung chỉ tạo nên một sự hòa hợp do nhu cầu đòi hỏi, cá nhân có thể phải chấp nhận.

Ở ta, các bề trên rất ngại người ta phân biệt giàu nghèo. Ở nông thôn, giàu nghèo xuất hiện rất rõ ràng; nhà tranh vách đất bên cạnh nhà ngói. Ở thành phố cũng vậy, nhà cấp bốn bên cạnh nhà xây, nhà lầu. Tới nhà thờ để được an ủi nhưng lễ cưới rồi đến đám táng, giỗ một năm của nhà giàu, của nhà nghèo quá chênh lệch. Bây giờ, Phụng vụ mới “có cái mode đồng tế” càng xa cách giữa giàu và nghèo. Các Đức Giám mục muốn giảm ngăn cách giàu nghèo trong đạo cũng khó lắm! Thành ra cha nào trả lời với cha là “Bề trên không muốn tạo ra nhiều ngăn cách” là rất đúng ở Việt Nam. Ở ngoại quốc, có lẽ chỉ có ngân hàng mới biết được giàu nghèo

Chào Cha

Lm. Fx. Nguyễn Hùng Oánh TGP.TPHCM

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác