Chủ Nhật, 26 Tháng Bảy, 2015 22:41

Lời khấn.

Vừa qua, có một số hội dòng tổ chức cho tu sĩ được khấn lần đầu hoặc khấn trọn đời, lập lại lời khấn công; rồi còn khấn đơn, khấn trọng theo ba lời khuyên Phúc Âm. Không biết có còn gì liên quan đến các lời khấn không, mong Tòa soạn giúp ý kiến?

Hà Thanh, giáo phận Bùi Chu.

Trả lời:

Thông thường, theo từ điển tiếng Việt, khấn là cầu xin, nhưng người Công giáo Việt Nam quen dùng từ "lời khấn" hiểu theo nghĩa là "lời thề hứa" có ý thức và có tính cách tự nguyện trước mặt Thiên Chúa về một điều thiện hảo. Khấn là một hành vi của nhân đức thờ phượng. Nhân đức này buộc người tuyên khấn phải chu toàn bổn phận của mình.

 

Trong cuốn Từ điển Công giáo Anh - Việt (Nguyễn Đình Diễn, nhà xuất bản Đồng Nai 2014), tác giả cho biết các hội dòng thường có 3 lời khấn "tuân phục, khó nghèo và khiết tịnh" do dòng Phanxicô và dòng thánh Carthusians đề xuất ở thế kỷ XII và XIII. Trước đó, ở thế kỷ VI, thánh Biển Đức đã đặt cho dòng của ngài các lời khấn "tuân phục, vĩnh cư và tiến đức".

 Ba lời khấn này còn gọi là ba lời khuyên Phúc Âm. Lời khấn khó nghèo giải trừ lòng dính bén đến những lợi lộc bề ngoài, từ bỏ tài sản và tiện nghi vật chất để có thể hướng đến mục đích chiếm hữu Thiên Chúa. Lời khấn khiết tịnh xóa đi những khoái lạc giác quan, mà đứng đầu là những khoái lạc xác thịt. Lời khấn vâng phục triệt tiêu sự bất ổn nơi ý chí con người, từ bỏ ý riêng của mình để ngày càng nên giống Chúa Kitô hơn. 

Người khấn lần đầu thường là người vừa hoàn tất thời gian tập sinh. Vì lời khấn đầu tiên này chỉ kéo dài một khoảng thời gian nhất định, khi hết hạn phải khấn lại, nên được coi là lời khấn tạm. Lời khấn tạm vì chỉ ràng buộc một thời gian nên luôn là lời khấn đơn. Tùy theo từng hội dòng, lời khấn tạm này sẽ được nhắc lại một lần hay nhiều lần nữa trước khi khấn trọn đời, còn gọi là vĩnh khấn.

Ngoài ba lời khấn trên, một số hội dòng còn có thêm lời khấn thứ tư nói lên đặc điểm riêng trong ơn gọi tu trì. Dòng Tên thêm lời khấn tuân phục Đức Giáo hoàng. Dòng Lasan khấn liên kết phục vụ người nghèo bằng giáo dục. Dòng Biển Đức có lời khấn tiến đức (nguyện luôn canh tân và biến đổi cách sống của mình để ngày càng gần Thiên Chúa hơn) và lời khấn vĩnh cư (nguyện sống chung với cộng đoàn trong đan viện cho đến chết, cũng ngụ ý cam kết trung thành bền đỗ với đời sống tu trì suốt đời).

Lời khấn công là lời khấn được bề trên hợp pháp chấp nhận nhân danh Giáo hội, nếu không thì là lời khấn tư (GL 1192). Lời khấn công có thể làm công khai hoặc kín. Nếu có mặt các nhân chứng, lời khấn đơn cũng cũng được kể là lời khấn công. Chính các lời khấn làm nên sự khác biệt: dòng tu có lời khấn công, tu hội đời có lời khấn tư, còn tu đoàn tông đồ không có lời khấn.

Đối với lời khấn khó nghèo, khi khấn trọng sẽ từ bỏ việc sử dụng tài sản và cả quyền sở hữu tài sản; còn khi khấn đơn thì chỉ khước từ quyền sử dụng tài sản mà thôi.

Hiến chế Tín lý về Giáo Hội (Lumen Gentium) của Công đồng Vaticanô II chỉ rằng: "Qua việc tuyên khấn, các Kitô hữu tự buộc mình thực thi ba lời khuyên Phúc Âm, hiến thân hoàn toàn cho Chúa, phụng sự và làm vinh danh Chúa với một danh nghĩa mới." (Số 44). Và "Với quyền hành Chúa ban, Giáo hội nhận lời tuyên khấn.". (Số 45).

Từ số 12 đến số 14 trong Sắc lệnh về việc Canh tân thích nghi Đời sống tu trì (Perfectae Caritatis), Công đồng Vaticanô II cũng nói đến đời sống khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục của người tu sĩ đang sống giữa thế gian. Đó là những hồng ân cao cả dành cho người hiến thân phụng sự. Đó cũng là lễ vật dâng lên Thiên Chúa của người sống đời thánh hiến.

CGvDT

 

 

 

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm