Một số hội dòng nam nữ, ngoài ba lời khấn Khó nghèo, Khiết tịnh, Vâng phục, còn có thêm lời khấn thứ tư. Phần lớn các nơi gọi lời khấn thứ tư này là “lời khấn tùy”, để phân biệt với ba lời khấn chính; có dòng thì gọi là “lời khấn riêng biệt”, theo nghĩa là một đặc sủng riêng của dòng, nhằm xác định rõ hơn mục tiêu của dòng. Theo linh mục Phan Tấn Thành, dòng Ðaminh, một thống kê vào năm 1987 cho thấy có 140 loại lời khấn thứ tư.
Thánh Camillô, đấng sáng lập dòng Camillô phục vụ các bệnh nhân đã thêm lời khấn thứ tư buộc tu sĩ phải săn sóc người bệnh, bất chấp đó là bệnh gì, dù có bị lây lan, truyền nhiễm. Ðây là lời khấn rất nghiêm nhặt và ràng buộc tu sĩ, vì đó là lời mời gọi phát xuất từ lòng nhân từ, chạnh lòng thương xót của Chúa. Các tu sĩ dòng được gọi là các thầy dòng Camillô, phục vụ các bệnh nhân như phục vụ chính Chúa.
Dòng Tên có lời khấn tuân phục Ðức Giáo hoàng. Ðây là một lời khấn khá đặc biệt. Lý do của lời khấn này bởi Giáo hoàng là người biết rõ hoàn toàn nhất những nhu cầu của Giáo hội hoàn vũ và nơi mà những nhu cầu đó được biểu lộ để sai tu sĩ Dòng Tên đi khi cần thiết.
Dòng Lasan khấn liên kết phục vụ người nghèo bằng giáo dục.
Dòng Biển Ðức có lời khấn tiến đức, nguyện luôn canh tân và biến đổi cách sống của mình để ngày càng gần Thiên Chúa hơn và lời khấn vĩnh cư, nguyện sống chung với cộng đoàn trong đan viện cho đến chết, cũng ngụ ý cam kết trung thành bền đỗ với ơn gọi tu trì suốt đời.
Những nữ tu dòng Mẹ Nhân Ái có một lời khấn sẵn sàng phục vụ bất cứ nơi đâu và trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Dòng Chúa Cứu độ, trong tu phục của các tu sĩ có thêm nút thắt thứ tư ở dây lưng như lời nhắc nhở về sứ mệnh truyền giáo mà Chúa trao cho Giáo hội.
Tuy rằng, với lời khấn khó nghèo, vâng phục và khiết tịnh, các tu sĩ đã tuyên hứa và trở thành người con của Giáo hội, sẵn sàng dấn thân, phục vụ vô vị lợi bằng cách này hay cách khác, thì lời khấn thứ tư còn muốn bảo đảm ý chí của tất cả các thành viên trung thành với mục tiêu riêng của dòng. Trong bối cảnh ở xã hội Việt Nam, lời khấn thứ tư của nhiều hội dòng chú tâm đến mục vụ xã hội hẳn sẽ làm phong phú nhiều hoạt động, nơi mà: “Ngày nay, vì hoàn cảnh kinh tế, rất nhiều gia đình phải rời bỏ làng quê để tìm kế sinh nhai trong những thành phố lớn. Chỉ một số ít thành công, còn đa số gặp nhiều khó khăn trong việc làm ăn, sinh hoạt gia đình, giáo dục con cái. Có những khó khăn riêng do việc vợ chồng không cùng niềm tin tôn giáo, ảnh hưởng đến việc giữ đạo của người Công giáo cũng như việc giáo dục con cái trong gia đình. Trong thực tế, nhiều cặp hôn nhân rơi vào tình trạng mâu thuẫn không thể hòa giải và dẫn tới đổ vỡ…” (Trích Thư mục vụ HÐGMVN, tháng 9.2018)
Cầu mong các tu sĩ, qua những lời khấn của mình, hăng say thi hành sứ mạng mang lại ích lợi cho xã hội và Giáo hội.
HOÀNG LAN, Hậu Giang
Bình luận