Về thăm thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng trong những ngày đầu tháng 4.2023, đi dọc tuyến đường Nam Sông Hậu (Quốc lộ 91B), chúng tôi bắt gặp một màu xanh bạt ngàn của các loại rau màu, trong đó ở thời điểm hiện tại cây ớt đang vào mùa thu trái…
Bà con nông dân cho biết, từ hàng chục năm nay, giống ớt sừng trâu có xuất xứ từ châu Phi, loại trái lớn, có màu đỏ và màu vàng, là loại cây trồng xen canh được xem là “hợp” với vụ hành tím khi nó mang lại hiệu quả kinh tế, khiến cho hầu hết các hộ dân canh tác hành tím đều trồng “gối” thêm vụ ớt vào. Khi hành tím chuẩn bị tới thời điểm thu, lúc này người dân bắt đầu trồng ớt theo hàng trên mặt luống hành. Sau khi thu hoạch hành tím, lúc này họ mới vun gốc ớt, tập trung chăm sóc, rải phân bón, tưới tắm cho ớt phát triển. Từ khi thấy trồng ớt vừa dễ dàng, ít tốn công lại có giá, luôn được thương lái bao tiêu thu mua cung cấp cho các nhà máy trong các khu công nghiệp để chế biến làm bột ớt xuất khẩu, nên những năm gần đây, ớt ngày càng được trồng rất nhiều, với diện tích ở vùng thị xã lên tới hơn 700 héc ta.
![]() |
Ớt năm nay được giá, người nông dân có thu nhập khá |
Cây ớt sừng trâu tính từ lúc trồng cho tới khi bắt đầu cho thu trái là khoảng 3 tháng, và nếu chăm sóc, dưỡng cây tốt thì thời gian cho trái sẽ kéo dài trong khoảng 4 tháng, năng suất có thể đạt từ 8 - 10 tấn/công đất. Với giá ớt như mọi năm, dao động trong khoảng từ 5.000 đồng đến 7.000 đồng/1kg, một công đất (1.000 mét vuông) trồng ớt, sau khi đã trừ hết chi phí, bà con còn lãi được khoảng hơn 50 triệu đồng/công/vụ. Năm nay người nông dân trồng ớt ở thị xã Vĩnh Châu đang thực sự vui mừng khi đây được xem là mùa ớt “ngọt”, giá ớt đang ở ngưỡng rất cao từ 15 -17 ngàn đồng/1kg.
Bà Thạch Thị Lan, nhà ở xã Lạc Hòa, trồng 2 công ớt cho biết không chỉ gia đình bà, mà hết thảy các gia đình trồng ớt ở Vĩnh Châu đều “trúng đậm”. Cũng theo bà Lan, thời điểm đầu vụ, ớt chín ít, hoặc lúc cuối vụ ớt còn ít trái thì mỗi lẫn thu hái chỉ được chừng vài ba tạ, nhưng khi ở giai đoạn giữa mùa như bây giờ, ớt chín rộ, thì cứ 2 ngày bà lại hái 1 lần, mà mỗi lần hái được khoảng 1 tấn trái. Với giá bán là 16.000 đồng/1kg như bây giờ thì chỉ cần 1 lứa hái trái thôi gia đình bà Lan đã “đút túi” cả hơn chục triệu đồng, trong khi một vụ ớt sẽ có rất nhiều lứa thu hái trái như vậy.
Dạo quanh các địa bàn của thị xã Vĩnh Châu, như xã Vĩnh Hiệp, Lạc Hòa, Vĩnh Tân, Hòa Đông…, chúng tôi thấy gia đình nhà nào có trồng ớt thì đều rộn rã niềm vui, tiếng cười. Gia đình ông Nguyễn Văn Tuân và bà Lê Thị Hà, nay đều ngoài 60 tuổi, nhà ở xã Vĩnh Hải là ví dụ. Lúc tôi tới thăm, ông bà đang hối hả hái ớt vào một buổi chiều muộn tại ruộng ớt rộng 1,5 công. Ông Tuân tiết lộ, mặc dù vụ ớt chưa kết thúc, còn cả tháng nữa cây mới tàn, vậy mà hiện tại gia đình ông đã có nguồn thu từ 1,5 công đất trồng ớt lên tới gần 200 triệu đồng. Nếu cứ đà này, giá ớt vẫn giữ giá cho tới hết mùa, ruộng ớt của gia đình còn cho thêm được khoảng 50 triệu đồng nữa… Bà Hà phấn khởi, thêm vào: “Người nông dân cũng chỉ mong sản phẩm có giá, mới có lãi, có vốn để tái đầu tư sản xuất, chứ cứ rớt giá hoài e nản quá…”.
Cây ớt cho thu nhập cao là vậy, thế nhưng nó chỉ hợp với mùa khô khi khí hậu nắng nóng, chứ khi bước vào 6 tháng mùa mưa ở Nam Bộ thì cây ớt lại không thể phát triển. Chính vì vậy, bà con nông dân ở thị xã Vĩnh Châu sau khi “ăn” xong vụ ớt xen canh gối vụ với hành tím, nhiều gia đình sẽ trồng kế tiếp một vụ đậu phộng ở nơi đất cao; còn những thửa ruộng trũng họ sẽ xuống giống một vụ lúa…
Thị xã Vĩnh Châu - vùng đất có một thứ nông sản nổi tiếng đã làm nên thương hiệu từ nhiều năm nay, đó là củ hành tím - nay lại có thêm ớt. Nhiều bà con nói vui rằng cây ớt mang trái ngọt.
Thạch Bích Ngọc, ÐHQG, TP.HCM
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.