Các Kitô hữu từ mọi dân tộc tụ họp vào Giáo hội, không vì khác biệt dân tộc, màu da, ngôn ngữ… cũng không vì tổ chức xã hội trần gian mà phân cách với những người khác. Vun trồng lòng ái quốc, sống cho Chúa trong nếp sống lành mạnh là công dân tốt…
Giáo hạt Tân Sơn Nhì được tách ra khỏi giáo hạt Chí Hòa do quyết định của Ðức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình. Cha Ðaminh Vũ Nguyên Thiều nhận ấn làm hạt trưởng tiên khởi của giáo hạt với tình hình khó khăn, nhiều giới hạn. Giáo hạt được thành lập năm 1978 này thật bao la, rộng lớn. Với quần thể nhà thờ gần nhau tập trung nhiều ở quận Tân Phú ngày nay (lúc trước là quận Tân Bình), lan ra tận ngã tư Bảy Hiền, tới gần cầu Tham Lương, khu Tên Lửa (quận Bình Tân), thậm chí vút xa tận tỉnh lộ 10 (đường Trần Văn Giàu, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh). Là một trong hai giáo hạt quan trọng nhất của Tổng Giáo phận cùng với giáo hạt Xóm Mới, Tân Sơn Nhì có số giáo dân nhiều nhất, một phần do di dân, giãn dân nhập cư. Việc giúp đỡ họ hòa nhập một cách lành thánh vào đời sống xã hội là một vấn đề luôn luôn được đặt lên hàng đầu.
![]() |
Các cha hạt trưởng trải qua nhiều nhiệm kỳ vẫn luôn chu toàn và lo lắng cho giáo dân theo cách tốt đẹp nhất. Nhiều giáo điểm xa xôi, hẻo lánh cứ thế được thành lập để mau chóng đem ánh sáng Tin Mừng tới những vùng mà đời sống kinh tế ảnh hưởng nhiều đến đời sống đức tin. Trong Thư Chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam có nêu: “Không có sinh hoạt nào của con người lại xa lạ đối với sứ mạng của Hội Thánh, và ngược lại không có sinh hoạt nào của Hội Thánh không liên quan tới tất cả cuộc sống con người”. Và sự hình thành của giáo xứ Tân Thái Sơn thuộc hạt Tân Sơn Nhì cũng vậy : đất lành, chim đậu và tôn giáo phát triển.
Ngược dòng lịch sử, năm 1954, cha Ðaminh Trần Khắc Thiệu cùng giáo dân từ Lương Ðiền, giáo phận Thái Bình di cư vào Nam, mua đất ở nơi này và lập trại định cư mang tên Tân Thái Sơn. Năm 1957, trại này được Ðức Giám quản Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền nâng lên hàng giáo xứ, chọn Thánh Gia Thất làm bổn mạng và cha Ðaminh làm linh mục tiên khởi. Từ năm 1971 đến nay, từ cha Antôn Trịnh Ngọc Văn, cha Giuse Maria Ðinh Cao Tùng cho đến cha chính xứ đương nhiệm Phêrô Nguyễn Quốc Túy, giáo xứ được chăm sóc và có được những thành tựu trong việc củng cố và phát triển về mọi mặt, từ việc xây dựng hạ tầng cơ sở đến đời sống đức tin cho giáo dân. Trong Năm Thánh Truyền Giáo 2004, chính cha Phêrô khi đang là phó ban Truyền giáo của Tổng Giáo phận, đã được cha hạt trưởng Gioan Baotixita Maria Ðoàn Vĩnh Phúc mời kiêm nhiệm thêm chức trưởng ban Truyền giáo của giáo hạt khi đang làm linh mục phụ tá giáo xứ Tân Thái Sơn. Với việc khởi công xây dựng năm 2005, do áp lực công việc và sức khỏe tuổi già, cha Giuse Maria Ðinh Cao Tùng lâm trọng bệnh và thường xuyên nằm viện. Mọi trách nhiệm và sinh hoạt mục vụ hầu như do cha Phêrô đảm đương. Với lòng hăng say và quyết tâm, ngôi thánh đường đã được khánh thành và cung hiến vào ngày 22.12.2007, đúng 50 năm đánh dấu chặng đường hình thành và phát triển. Năm 2009, Ðức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn đã bổ nhiệm cha Phêrô làm chính xứ thay thế cho cha Giuse Maria nghỉ hưu trong sự phụng dưỡng và chăm sóc của cha nghĩa tử Phêrô. Công đồng Vatican II đã ghi nhận như thế này: “Những gì tốt đẹp trong tâm hồn và tư tưởng của loài người hoặc trong lễ nghi và văn hóa riêng của các dân tộc, hoạt động của Hội Thánh không nhằm tiêu diệt, nhưng làm cho lành mạnh, nâng cao và kiện toàn, hầu làm vinh danh Thiên Chúa và mưu cầu hạnh phúc cho con người”.
Kỷ niệm 15 năm lễ Khánh thành và Cung hiến thánh đường giáo xứ Tân Thái Sơn (22.12.2007 - 22.12.2021), ngày 30.12 sau đại lễ Giáng Sinh tới đây là ngày lễ kính Thánh Gia Thất - biểu tượng của một gia đình thánh, có cha là thánh cả Giuse, mẹ là Ðức Maria và con là Chúa Hài Ðồng Giêsu - cũng là bổn mạng của giáo xứ.
Joseph Lê
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.