Ðọc bài “Có hợp nhất ngày tựu trường với ngày khai giảng được không?’’ trên Công giáo và Dân tộc số 2222, tôi thấy đề xuất của báo CGvDT rất xác đáng.
Từ nhiều năm nay, Bộ Giáo dục và Ðào tạo thường giao cho Sở Giáo dục và Ðào tạo các tỉnh, thành tham mưu khung thời gian của năm học để UBND các tỉnh, thành ra quyết định khung thời gian năm học cho phù hợp với điều kiện địa phương mình. Khung thời gian năm học đã tính tới số ngày nghỉ tết, lễ và nghỉ giữa kỳ…. Bởi thế mới có hiện tượng tuy hai tỉnh nằm trong một vùng, chịu ảnh hưởng điều kiện thời tiết, khí hậu giống nhau nhưng ngày tựu trường lại khác nhau và có khi cách nhau gần nửa tháng. Một thực tế là tỉnh nào cho học sinh đi học sớm thì thời gian “chết’’ trong năm càng nhiều và thường rơi vào sau thi học kỳ 2. Cũng từ đó mà ngành giáo dục các tỉnh giao chủ động ngày tổng kết năm học cho các trường, thông thường được phép tổ chức tổng kết năm học từ 22-31.5, và đương nhiên sau lễ tổng kết năm học là học sinh trường đó được nghỉ hè.
![]() |
Từ sau năm 1975, ngành giáo dục thống nhất ngày khai giảng năm học mới trên phạm vi toàn quốc là 5 tháng 9 hằng năm, và hơn 10 năm trước, ngày khai giảng cũng là ngày tựu trường. Với học sinh cấp THCS và THPT, nhà trường ra thông báo tập trung trước dăm ba ngày để học sinh đến nhận lớp, chép thời khóa biểu, làm quen thầy cô chủ nhiệm và có một buổi lao động dọn dẹp vệ sinh trường lớp chuẩn bị cho năm học mới, và năm học mới chỉ bắt đầu sau buổi lễ khai giảng. Với bậc Tiểu học thì không tập trung trước vì còn quá nhỏ, các cháu chưa thể làm vệ sinh trường lớp nên các trường đã thuê lao công làm việc này. Lúc đó, ngày khai giảng trở nên rất đặc biệt, nhất là với các cháu lớp 1 : có cháu rất ngoan nhưng có cháu khóc nháo lên vì không chịu rời bố mẹ trong ngày đầu đến trường, hình ảnh đó rất đẹp và đáng nhớ mà nay khó thấy.
Ngày 5.9 hiện nay không thuần túy là ngày khai giảng năm học mới mà đã được “nâng cấp’’ với tên gọi là “Ngày toàn dân đưa trẻ tới trường”, nhằm mục đích gây ý thức phong trào học tập của toàn xã hội, bởi thế ý nghĩa ngày khai giảng cũng giảm đi phần nào. Ngày 5.9 vừa qua, các trường học đều tổ chức lễ khai giảng năm học mới nhưng hình thức tổ chức giống các trường đại học, dẫn tới nhiều học sinh không được dự ngày khai giảng. Cụ thể, chỉ yêu cầu học sinh khối đầu cấp tham gia dự lễ khai giảng, các khối lớp khác hoặc được nghỉ hoặc mỗi lớp chỉ cử một số em tham dự. Khối cấp 1 thì học sinh lớp 1 phải tham gia đầy đủ, cấp 2 thì học sinh lớp 6 và tương tự cấp 3 thì học sinh lớp 10. Ðiều đáng nói là hình thức tổ chức thì vẫn như cũ nên chẳng tiết kiệm được kinh phí so với việc cho học sinh toàn trường dự lễ khai giảng. Ðành rằng một số ít trường ở các thành phố lớn số lượng học sinh quá đông, sân trường diện tích nhỏ không đủ chỗ cho toàn thể học sinh tập trung, nhưng rất nhiều trường có đủ điều kiện nhưng theo thói quen, cũng chỉ yêu cầu học sinh đầu cấp dự lễ khai giảng.
QUỐC DŨNG (Lâm Ðồng)
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.