Papua New Guinea được xem là một trong những đất nước có nhiều văn hóa truyền thống. Mỗi vùng có những nét đặc trưng và trong mỗi vùng đó lại có những nét riêng đến từ các bộ lạc khác nhau. Ðiều đó làm cho Papua New Guinea trở thành một đất nước thổ dân phong phú và đa dạng về văn hóa cũng như ngôn ngữ.
Người dân nơi đây có thể nhận ra người thuộc các vùng miền khác bằng cách nhìn vào trang phục của họ. Có thể nhận ra người thuộc vùng sông nước thông qua chiếc túi họ mang bên mình hằng ngày. Chiếc túi được làm bằng vỏ của một loại cây, sau đó phơi khô, xé nhỏ thành sợi, rồi đan thành túi. Còn bộ đồ truyền thống của vùng sông nước thì luôn có vỏ của các loại ốc. Người ta lượm vỏ các loại ốc từ biển rồi kết lại thành hàng truyền thống.
|
Với người vùng núi thì những chiếc túi được làm bằng len nhân tạo. Ðồ truyền thống của vùng núi sẽ có các miếng da của các con thú và trên đầu người ta làm những chiếc mũ bằng lông các loại chim để giữ ấm và để trang trí.
Một điều đặc biệt ở người dân Papua New Guinea là từ người trẻ đến người già luôn có chiếc túi thổ cẩm thuộc vùng miền của mình. Chiếc túi ngoài việc trang trí thì còn dùng để đựng cau, trầu và thuốc lá. Các nhà thừa sai là linh mục, nam nữ tu sĩ khi đến mỗi vùng, đều được người bản địa tặng một chiếc túi của vùng họ. Khi nhà thừa sai mang bên mình chiếc túi của vùng miền nào đó thì người dân vùng ấy rất vui và lấy làm hãnh diện. Ý nghĩa khi mang chiếc túi bên người là để họ công nhận người của vùng họ và để được người dân trong vùng bảo vệ.
Về lễ hội có những điệu nhảy và các bài hát cổ truyền. Các điệu nhảy và bài hát thường không giống nhau giữa các vùng miền. Vì mỗi vùng là mỗi bộ lạc khác nhau. Các trang phục, điệu nhảy và bài hát được xuất phát từ việc người dân ăn mừng vụ mùa. Sau khi thu hoạch mùa khoai lang, khoai từ thì người ta đưa đến bãi đất trống (sân làng) giữa làng và bắt đầu nhảy múa reo mừng. Khoai lang và khoai từ là thực phẩm chính của người Papua New Guinea.
Người dân nơi đây rất tự hào về văn hóa cũng như tập tục của họ. Tôi đã có cơ hội tham gia nhảy múa và hát các bài hát truyền thống khi tham gia lễ hội và họ rất vui, và tự hào khi biết tôi là người nước ngoài tham gia cùng họ và mặc đồ truyền thống của họ. Không những thế, sau khi nhảy múa cùng với họ, tôi trở thành người được người dân trong vùng cũng như các vùng lân cận biết đến. Khi tôi đi trên đường thì được người ta gọi tên và đến bắt tay vì chính họ đã thấy tôi nhảy múa trong lễ hội truyền thống.
Tôi cảm nhận rằng việc tôn trọng và hòa nhập với văn hóa cũng như tập tục truyền thống của người bản địa đã làm tôi không cảm thấy xa lạ, không cảm thấy cô đơn và yêu cuộc sống, yêu mến sứ vụ hơn ở Papua New Giunea.
Giuse Hoàng Gia Thẩm Phán,
dòng truyền giáo Ngôi Lời
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.