Học trò thời nay hiếm lắm ta mới bắt gặp cảnh thưa chào người lớn. Không phải đứa trẻ nào không chào hỏi thì bị gán là không ngoan. Nhưng thói quen đẹp, tức cúi đầu chào, bị mai một thì thật đáng buồn.
Học trò từ lớp mầm, chồi, lá, mẫu giáo đã được giáo dục sự lễ phép |
Nhớ ngày trước, lúc thế hệ chúng tôi còn là học trò, khi bước ra khỏi nhà hoặc về đến nhà đều lễ phép khoanh tay chào người lớn theo thứ tự ông bà, cha mẹ, anh chị... Đến trường, thấy bác bảo vệ, cô thủ thư, thầy cô mà đi loanh quanh trong sân trường (hoặc ngoài đường), chúng tôi đều cúi đầu kèm theo tiếng “Em chào thầy (cô)”. Khi nhà có khách, khỏi cần đợi cha mẹ nói, chúng tôi vội khoanh tay cúi đầu rồi lặng lẽ đi vào trong. Cúi đầu không chỉ làm cho chúng tôi lâng lâng một cảm xúc khó tả, vui sướng, hân hoan..., mà ngay cả người được nhận cái cúi đầu cũng cảm thấy gần gũi, thân thiện.
Tất nhiên, những điều ấy không dưng mà có. Chúng tôi phải học từ gia đình, nhà trường, xã hội ngay từ tấm bé. Lâu dần điều đó thành thói quen. Cứ có “điều kiện cần và đủ” là chúng tôi lại cúi đầu chào, cảm ơn người khác. Thế hệ thiếu niên bây giờ “thực tế đến mức phũ phàng”! Nhiều trẻ cho rằng đi thưa về trình hết sức hình thức, rườm rà, “miễn trong lòng tôn kính người lớn là được, cần gì phải thể hiện kiểu phong kiến”. Lại có em, khi cha mẹ buộc mới chịu khoanh tay chào người khách rất chi là miễn cưỡng. Nói như thế không có nghĩa là thiếu niên, trẻ em nào ở thời đại này đánh mất văn hóa lễ phép trước người lớn, vì khắp nước Việt Nam còn rất nhiều em học sinh lễ phép. Nhưng từ nhiều năm dạy học ở hai trường dân lập và công lập và một trung tâm tin học buổi tối, tôi thấy không ít các em học sinh lơ là với việc cúi đầu chào thầy cô. Đa số kém tích cực đang làm cho thiểu số tích cực phải nhòe đi trong con mắt của người lớn.
Trong chuyện này, tôi nghĩ gia đình và nhà trường có trách nhiệm rất lớn. Bổn phận nhà trường giáo dục nhân cách, đạo đức học trò ngay từ lớp mầm, chồi, lá, mẫu giáo phải thường xuyên, nhiệt tình. Phụ huynh không thể trao hết chuyện dạy dỗ con cái cho thầy cô mà phải phối hợp, quan tâm, sát cánh. Cần chỉnh đốn con ngay khi con có thái độ vô lễ để gò trẻ vào khuôn phép lễ giáo. Từ đó hình thành thói quen khoanh tay chào lễ phép. Đừng để trẻ bước vào giai đoạn vị thành niên rồi mới dạy là quá muộn. Vì ở lứa tuổi này, như cây tre cứng cáp, rất khó để uốn nắn.
TRẦN THÁI HỌC,
Bến Tre
Bình luận