Tuần qua, có hai ngày đáng suy nghĩ trong thế giới hiện đại: Ngày Chống cưỡng bức lao động trẻ em (12.6), và Ngày thế giới chống các lạm dụng đối với người già cả (15.6).
Tổ chức Nhi đồng Thế giới (UNICEF) cho biết, trên toàn thế giới có 150 triệu trẻ em trong lứa tuổi từ 5 - 14 phải lao lực kiếm sống, nhất là tại các nước nghèo, cứ bốn em thì có một em không được sống tuổi thơ ấu cách xứng hợp. Tỷ lệ trẻ em lao động cao nhất là tại các nước Phi châu, mạn nam sa mạc Sahara, Trung Đông, Bắc Phi và Đông Á cũng như vùng Á châu Thái bình dương.
![]() |
Những nỗ lực mà UNICEF gợi mở để chống lại tệ nạn bóc lột sức lao động trẻ em là gây ý thức song song với những nỗ lực ngăn ngừa và tái hội nhập các trẻ em lao động vào môi trường học đường hay huấn nghệ.
Đối với người già, lời kêu gọi cũng không kém phần tha thiết. Thế giới đang trở thành già nua hơn, tuổi thọ trung bình tăng cao hơn. Dự báo vào năm 2050, con số người già trong xã hội thế giới sẽ lên đến hơn 30%, tức chiếm 1/3 tổng số dân số. Người già ngày càng mang số phận hẩm hiu trong một thế giới quay cuồng tìm kiếm lợi nhuận và gạt người già ra ngoài. Một câu hỏi cần có lời giải là làm thế nào để có thể nhìn thẳng vào mắt những người già với xác tín rằng chúng ta đang hết lòng tôn trọng họ? Riêng Đức Thánh Cha Phanxicô nhiều lần nhắc nhở rằng, người già là ký ức và cội nguồn của một quốc gia.
Dường như bất kỳ các tôn giáo, các dân tộc, các nền văn hóa truyền thống nào... cũng đều ưu tiên chăm sóc trẻ em và người già?
Quốc Việt - TPHCM
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.