Báo Công giáo và Dân tộc số 2017, tuần lễ từ 31.7 đến 6.8.2015, có bài “Hãy hiểu biết, bảo tồn và phát huy nền văn hóa Kitô giáo”, phỏng vấn được linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết, Trưởng Ban văn hóa Tổng Giáo phận thành phố Hồ Chí Minh. Nội dung giới thiệu chi tiết về đợt trưng bày “Đồ thờ công giáo cổ và xưa’’ đang được tổ chức tại nhà Truyền thống của Tổng giáo phận.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên Tổng giáo phận thành phố Hồ Chí Minh thực hiện các cuộc trưng bày những hiện vật văn hóa vật thể và phi vật thể thuộc cả hai nền văn hóa dân tộc và văn hóa Kitô giáo. Những cuộc trưng bày trước như “Những đóng góp của Giáo hội Công giáo cho nền văn hóa dân tộc” với những tác phẩm văn hóa Hán, Nôm và Quốc ngữ từ thuở ban đầu, khi đức tin Kitô giáo được đón nhận ở Việt Nam; hay cuộc trưng bày tem Công giáo với chủ đề “Đức tin Ki tô giáo”... Bản thân tôi cho rằng, đây là những hoạt động văn hóa rất quý giá và còn khá hiếm hoi trên phạm vi cả nước. Giới Công giáo Việt Nam không quá hiếm những nhà nghiên cứu lịch sử, những nghệ nhân, nghệ sĩ ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật hay cả những linh mục, tu sĩ có kiến thức sâu rộng về khảo cổ, sưu tập..., nhưng có lẽ do nhiều lý do, chúng ta chưa tập hợp, quy tụ được để tạo một sức mạnh giới thiệu, hòa nhịp văn hóa Kitô giáo với văn hóa dân tộc.
![]() |
Chắc chắn nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử đã nhìn nhận tích cực về văn hóa Kitô giáo đã có mặt, tồn tại và đóng góp tích cực vào nền văn hóa của đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Đây đó vẫn có những linh mục ngoài công tác mục vụ còn âm thầm hệ thống những hiện vật văn hóa của các tộc người, với tấm lòng yêu mến nền văn hóa đó, nên muốn lưu giữ và lưu truyền những nét văn hóa độc đáo, nhưng đang có nguy cơ bị mai một, thậm chí biến mất do tác động của công nghệ và nhịp sống hiện đại. Những việc làm ý nghĩa như thế có thể coi đó là những đóng góp của người Công giáo trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc.
![]() |
Trên số báo kỷ niệm 40 năm báo Công giáo và Dân tộc ra mắt bạn đọc, tôi rất tâm đắc bài viết có tựa “Vận dụng văn hóa địa phương vào mục vụ và diễn tả đức tin” của linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi, chánh xứ Phú Sơn (giáo phận Đà Lạt). Bài viết như một lối kể chuyện lôi cuốn nhưng qua đó là những chia sẻ kinh nghiệm rất sâu sắc trong việc truyền giáo cho đồng bào sắc tộc thiểu số. Đọc và nghiền ngẫm, tôi nhận ra những người như cha Lợi khi đem đức tin Kitô giáo đến các vùng còn nghèo nàn, lạc hậu đã không hề áp đặt giáo điều mà đã sống chung với họ, tôn trọng văn hóa riêng của bản địa, thậm chí tuân thủ cả những tập tục nơi mình đặt chân đến. Và, thông qua những sự hòa nhịp đó, các ngài mời gọi những người xung quanh đến với đức tin Kitô giáo một cách sinh động và gần gũi với tập quán, nếp nghĩ của họ. Chưa hết, qua việc tìm hiểu và giới thiệu văn hóa, các ngài đã gián tiếp giúp người vùng cao đến gần hơn với nền văn minh nhân loại, giúp họ loại bỏ dần những hủ tục đã tồn tại, ăn sâu vào ý thức và quan niệm, qua đó “nâng tầm’’ văn hóa của họ lên cao hơn...
![]() |
Đất nước và dân tộc Việt Nam có một di sản văn hóa vô cùng phong phú và lâu đời, trong quá trình phát triển còn được tiếp cận và giao thoa với nhiều nền văn hóa khác nhau, trong đó phải nói đến các nền văn hóa tôn giáo như văn hóa Phật giáo hay Công giáo. Những nền văn hóa này đã bổ túc, trộn lẫn vào văn hóa dân tộc, hoặc cùng song song tồn tại, phát triển...
Đọc những kế hoạch tương lai của báo Công giáo và Dân tộc công bố hôm kỷ niệm 40 năm thành lập, tôi được biết tờ báo đang ấp ủ, thai nghén thêm một ấn phẩm mới chuyên về văn hóa, mà đặc biết là văn hóa Công giáo. Nếu điều này trở thành hiện thực thì đây chính là diễn đàn để công bố, là cơ hội để những người làm văn hóa hay nghiên cứu văn hóa đóng góp vào văn hóa Công giáo nói riêng và sâu rộng hơn là nền văn hóa dân tộc Việt Nam.
QUỐC DŨNG (GP. Đà Lạt)
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.