Một hang động ở Biển Chết từng xuất hiện trong các đầu đề bài báo, gần đây đang tiếp tục hé lộ những bí mật được lưu giữ qua nhiều ngàn năm lịch sử.
Tháng 9, giới khảo cổ học loan tin đã phát hiện 4 cây kiếm gần 2.000 năm tuổi trong một hang động nhìn xuống Biển Chết. Việc khám phá số vũ khí trên, đặc biệt trong tình trạng bảo quản hoàn hảo, là điều vô cùng hiếm thấy.
Tuy nhiên, có một điều không được đề cập lại là nguyên nhân dẫn dắt đội ngũ khảo cổ học ban đầu tìm đến hang động. Đó là lý do mà đối với một số người, đặc biệt những chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực khảo cổ học Kinh Thánh, cảm thấy phấn kích hơn cả thành tựu phát hiện số thanh gươm cổ. Điều dẫn dắt các nhà nghiên cứu đến hang động chính là nỗ lực tiếp tục giải mã những dòng chữ bí ẩn thuộc về giai đoạn Đền thờ Thứ nhất của người Do Thái.
Những quan sát sơ bộ
Các dòng chữ cổ nói trên lần đầu tiên được phát hiện vào tháng 3.1973, nhờ vào công của giảng viên Ofra Aharoni thuộc trường En Gedi Field (Israel). Những nhũ đá khổng lồ đã hình thành bên trong hang. Trên một trong các cột nhũ đá, giảng viên Aharoni tìm được nhóm chữ khắc gồm 9 dòng được viết bằng mực đen. Theo các chuyên gia khảo cổ học, chữ bằng mực in trong hang động vào giai đoạn này siêu hiếm, vì thường thì chữ được vạch lên nền đá chứ không phải là mực.
Sau thời gian nghiên cứu, nhà khảo cổ học Pessah Bar-Adon, người Israel sinh ra ở Ba Lan, đã công bố những dòng chữ cổ, dịch sang tiếng Anh, trên chuyên san Israel Exploration Journal. Theo đó, văn bản gồm 9 dòng chữ, kích thước 13x16cm, rõ ràng xuất phát từ một bàn tay dày công luyện chữ, có niên đại từ cuối thế kỷ thứ 8, đầu thế kỷ thứ 7 Trước Công nguyên. Văn bản được viết theo ngôn ngữ Do Thái cổ và được dịch như sau:
Kẻ nào xóa bỏ sẽ chịu sự nguyền rủa
……………….]nh[…………………
……………….]yh[…………………
Ân phước thay Đức Giê-Hô-Va [……………….
……………….]wb[………………..
Ân phước thay BGY[………..] vị vua
Ân phước thay ‘DNY[……………….
……………………………………….
……………………………………….
Trong báo cáo của mình, nhà khảo cổ học Bar-Adon lưu ý, giáo sư Benjamin Mazar cho rằng người viết văn bản trên đề cập đến Giê-Hô-Va [dòng 4], vị vua [dòng 6] và chủ nhân của mình [dòng 7 - dòng chữ bắt đầu với adoni, vốn có thể được sử dụng dùng để chỉ Thượng Đế hoặc một người], dù tên người chủ không rõ. Giáo sư Mazar còn cho rằng những người đứng sau văn bản trên hang động đã viết những dòng chữ này dựa trên nội dung của Sách Đệ Nhị Luật.
Nhà khảo cổ học Bar-Adon đã kết luận báo cáo như sau: “Ai đã viết những dòng chữ này? Người đó có thể là kẻ trôi dạt lựa chọn ẩn nấp trong hang để tránh chiến tranh và xung đột, điều thường thấy trong giai đoạn này, như đã được đề cập trong những dòng chữ ở các hang động khác của khu vực. Tuy nhiên, việc người viết mang theo vật liệu viết chữ, gồm mực và cây bút hoặc cây cọ, theo ý tôi đến từ động cơ cá nhân và tự nhiên. Người đó có lẽ là dân En Gedi, cũng có lẽ ông ấy là một người ghi chép nếu dựa trên phong cách viết chữ phiêu dật, người tìm kiếm nơi chốn một mình và sự an định tâm hồn khi ở trong hang. Trong lúc thưởng lãm cảnh quan nguyên sơ trải rộng trước mắt, ông có lẽ được truyền cảm hứng và đặt bút viết lên những từ ngữ tán thán và tri ân Thiên Chúa”.
Dù vậy, đến nay đa số văn bản trên vẫn chưa được giải mã. Đó là lý do hang động thu hút sự có mặt của đội ngũ khảo cổ mới.
Những dòng chữ mới
Tiến sĩ Asaf Gayer của Đại học Ariel (Israel) quyết định sử dụng công nghệ hiện đại để khám phá những chữ viết mất đi trong văn bản trên cột nhũ đá hang động đối diện Biển Chết. Nhờ vào kỹ thuật ảnh đa phổ, tiến sĩ Gayer và các đồng sự, gồm nhà địa chất Boaz Langford và nhiếp ảnh gia Shai Halevi của Cơ quan Cổ vật Israel, ôm hy vọng có thể đọc thêm những từ đã biến mất theo thời gian.
Sau khi mất nhiều thời gian xử lý ảnh bằng tay, tiến sĩ Gayer đọc được nội dung một cụm từ chưa từng được biết trước đó: “bên trong Thung lũng Muối”. Cụm từ là thuật ngữ chỉ khu vực được nhắc trong nhiều đoạn của Cựu Ước, như Sách Samuel, Sách Các Vua… Hơn nữa, cách viết “trong thung lũng” là một biến thể đặc biệt của cách viết được sử dụng trong Thánh Kinh. Đối chiếu với thực tế, “Thung lũng Muối” là cụm từ dùng để đề cập một khu vực của Biển Chết. Như tiến sĩ Gayer chia sẻ với báo Times of Israel, mục đích của người viết có lẽ là sự tri ân vì đã có thể sống sót ở vùng đất khắc nghiệt này.
Bình luận