Đưa giáo viên ra khỏi biên chế thực chất là để giải quyết vấn đề lương bổng lãnh từ ngân sách. Bởi vậy, nếu cho rằng việc này là để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, giúp mỗi người có động lực làm việc tốt hơn, không ỷ lại vào công việc ổn định cho đến khi về hưu..., chỉ là một cách giải thích khiên cưỡng. Do vậy, đã có vị đại biểu Quốc hội đặt vấn đề, nếu như thế thì tất cả các ngành nghề khác đang lãnh lương nhà nước, trừ công an, quân đội, đều không cần biên chế?
![]() |
Thực ra, nếu Nhà nước phải lo lương bổng cho tất cả giáo viên trong khối công lập như hiện nay thì quả là ngân sách không gánh nổi, lương giáo viên không thể tăng, từ đó chất lượng giáo dục không nâng lên được. Nhân có ý kiến “đưa giáo viên ra khỏi biên chế”, tôi nghĩ đã đến lúc phải mạnh dạn xã hội hóa giáo dục theo phương châm “Nhà nước, các tổ chức xã hội, tôn giáo, tư nhân cùng chăm lo cho giáo dục”. Điều này cũng không đi ngược với chủ trương “Người đi học phải đóng học phí”. Phát huy nguồn lực trong nhân dân, Nhà nước chỉ chăm lo đầu tư cho các cơ sở công lập, đào tạo nguồn nhân lực quản lý xã hội, chiếm 20% đến 30% tổng số cơ sở trường học, có thi tuyển đầu vào như trước năm 1975 tại miền Nam. Số còn lại để cho các tổ chức khác cùng tham gia như mô hình các trường dân lập, tư thục đang phát huy hiệu quả hiện nay. Mạnh dạn xã hội hóa giáo dục, để nâng cao đời sống thầy cô giáo mới có điều kiện nâng cao chất lượng dạy và học. Đến lúc đó, tự nhiên vấn đề biên chế không còn quan trọng.
Thực tế là các giáo viên trong các trường dân lập, tư thục hiện nay đâu có ai đòi vào biên chế, nhưng họ vẫn dạy tốt và có thu nhập tương xứng với công sức họ bỏ ra.
Đỗ Công Minh - Tân Bình
Bình luận