Bữa ăn chung tại nhà ngày nay không chỉ trở nên thưa thớt với nhiều gia đình nơi thị thành mà ngay ở quê, hơi ấm sum vầy bên mâm cơm như ngày cũ cũng đang vơi dần…
“Người làm việc này, người việc kia, giờ giấc so le, có lúc vài người còn chờ nhau, riết rồi mạnh ai nấy ăn cho tiện, người về sau tự lục phần trong bếp, có nguội lạnh chút cũng không sao…”, một bạn trẻ ở TP Cần Thơ kể về tình cảnh mấy năm gần đây của gia đình mình. Chuyện này hiện nay không hiếm. Quả thực, nhìn vào thực tế, thấy ngày càng vơi bớt những bữa cơm sum vầy đúng nghĩa khi các thành viên trong nhà cùng quây quần bên gian bếp ấm cúng, cơm nóng canh ngọt được dọn lên, mọi người cùng ngồi vào bàn, gắp thức ăn cho nhau, hàn huyên chuyện trò… Ông Hoàng Văn Phúc (Q. Tân Bình, TPHCM) cứ nhắc nhớ những bữa cơm chung gắn kết tình thân thời gia đình còn sống ở quê miệt Vĩnh Long: “Lúc ngồi ăn bên nhau, cha mẹ - ông bà nắm được vui buồn trong làm ăn hay sự học hành của con cháu, có ý kiến giúp đỡ hay bàn luận, động viên…”. Cũng theo ông kể thì hồi ấy, mọi người trong nhà dù bận việc chi cũng tranh thủ về kịp bữa cơm vì đó là cơ hội sum họp trong ngày. Giờ lên thành phố, nhà có mấy người, í ới gọi điện cho nhau, người bận chuyện này chuyện khác lần lữa, rồi… mạnh ai nấy ăn, buồn thiu.

Bữa ăn chung giúp các cháu bé thụ hưởng hơi ấm tình thân, gần gũi ông bà cha mẹ cô chú; cảm nhận rõ thế nào là một gia đình theo cách hiểu truyền thống.
Nếp văn hóa Việt có phần của bữa ăn này góp vào, bởi ở các nước có trình độ công nghiệp cao như Mỹ, nhịp sống nhanh, chuyện gia đình quây quần bên mâm cơm như ở bên mình là rất khó hay không thể, nói như bà Trương Thị Lành, 65 tuổi, định cư đã lâu ở California: “Lâu lâu mới có cơ hội sum họp bên mâm cơm và khi ấy, cả nhà vui như hội”.
Trước nhịp sống gấp gáp, khi mọi người bị cuốn vào sự bận rộn, các dịch vụ ẩm thực từ phố đến quê ngày một nhộn nhịp, đáp ứng nhu cầu ăn uống nhanh gọn của nhiều người, điều này như càng làm cho những bữa ăn chung ở nhà thêm vơi vắng. Nghe anh Lưu Văn Phong, một công nhân ở Bình Tân - TPHCM nói về thói quen ăn uống hằng ngày của mình, càng thấy rõ nét điều này hơn: “Nhà cách xưởng mười mấy cây số, hết ca thay vì chạy vội vàng về nhà, gần xưởng có tiệm cơm phần bình dân, ăn cho tiện, vào quán cà phê nhâm nhi cho đến giờ làm, thế là xong!”. Chuyện của anh Phong cũng là chuyện thường ngày ở thành thị bây giờ. Thêm nữa, trước sự lên ngôi của công nghệ, việc đặt món ăn trên mạng với danh mục dằng dặc thức ăn nhanh, giao hàng tận nơi… cũng khiến cho việc vào bếp chuẩn bị bữa cơm của chị em nội trợ bị cho là “nhiêu khê”. Thay vì cùng ăn cơm chung, từng người trong nhà lại tự “đặt” những phần ăn riêng và ăn theo giờ rảnh hay tiện của bản thân, riết rồi thành quen.
Khi nếp mới lâu ngày thành quen, có lẽ chuyện “nữ công gia chánh” phai dần, nhiều người nữ thời 4.0 lạ lẫm với chuyện bếp núc, chật vật nếu phải chính tay nấu một mâm cơm đúng cách, vì “lâu nay toàn ăn hàng quán, tiệc tùng cũng ở nhà hàng”, như chia sẻ của chị Lê Thu Ba (Q. Tân Phú - TP HCM).
Trước đà công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các giá trị truyền thống căn bản cũng cần được níu giữ, trong đó có bữa ăn chung vốn thân thuộc với bao thế hệ người Việt từ Bắc - Trung - Nam, nơi các thành viên thể hiện tình thương yêu nhau, chia sẻ, chăm sóc, và cũng là chỗ cho người nội trợ, không chỉ nữ giới, bộc lộ tài bếp núc, khéo léo qua từng món ăn có khi giản dị mà rất ngon miệng.
Thật lo nếu theo đà mai một dần, đến lúc nào đó có khi phải diễn tả chi ly thế nào là bữa ăn chung theo văn hóa Việt, bọn trẻ mới tường… Hy vọng điều đó không xảy ra.
NGUYỄN THÀNH CÔNG
Bình luận