Anh gốc người Hà Nội, về làm rể quê tôi lâu rồi. Có dịp rỗi, chúng tôi cùng ngồi quán cóc hàn huyên. Anh nhắc về nguồn cội với biết bao ký ức thời ấu thơ. Câu chuyện của anh cuốn hút tôi bởi những chi tiết lạ về bữa ăn gia đình còn lắng đọng trong hồn: cả nhà quây quần bên mâm cơm, người trẻ nhất ngồi cạnh nồi cơm để xới cho mọi người, dù có xong cũng không được đi mà phải ở lại hầu cơm ông bà, cha mẹ. Đó là tôn ti trật tự trong gia đình. Chưa hết, cơm xới cho người lớn nhất, không phải bát đầu tiên mà là sau cùng. “Cậu có biết tại sao không? Vì bát ấy mang hơi ấm nhất, gần đáy nồi mà!” - anh lý giải và kể tiếp việc chia đũa, theo đó, người chia sẽ nhận đôi đũa cuối, có so le hay xấu xí nhất cũng được, còn đôi tốt phải đưa trước cho các bậc trưởng thượng.
Càng kể, hơi ấm bữa ăn gia đình càng long lanh trong mắt anh. Rồi bằng giọng trầm buồn, anh lại nói đến sự đổi thay theo thời gian, từ chỗ ăn chung ấm áp, nhịp sống riêng len vào mâm cơm: vợ chồng ra ăn riêng hay vợ một bát, chồng một tô, cho kịp công việc trong ngoài. Mâm cơm lớn bị chia năm xẻ bảy hồi nào không hay, vơi cạn dần bao nhiêu tình thân. Chưa kể cùng với sự phát triển của công nghệ hiện đại, có những gia đình ngồi ăn chung mà mỗi người cứ mải lướt theo chiếc điện thoại của riêng mình, chẳng ai nói với ai lời nào.
Tôi nhìn đôi mắt người đàn ông đã qua tuổi trung niên, hình như ngân ngấn nước. Mà nào chỉ mình anh đâu...
NGUYỄN THÀNH CÔNG (Bạc Liêu)
Bình luận