Môn ngữ văn ở các trường tiểu học, phổ thông… cần sự thay đổi trong cách dạy của nhiều giáo viên để học sinh được phát huy tính sáng tạo.
Gần đây, truyền thông có đưa tin một học sinh lớp 4 hồn nhiên thắc mắc: “Bà ngoại đi được xe máy, sao cô giáo bảo sai?”. Theo học sinh này, cô giáo yêu cầu em phải miêu tả bà “tóc bạc, mắt kém, xâu kim khó khăn, đi lại vất vả, ăn uống vụng về…”, nhưng thực tế thì bà của em vẫn còn minh mẫn lắm. Ðiều này, một lần nữa khiến phụ huynh phải ngán ngẩm vì những bài văn theo khuôn rập, kiểu mẫu đã đè bẹp sự sáng tạo của học sinh.
Học sinh cần được khuyến khích để phát huy tính sáng tạo trong môn ngữ văn (ảnh minh họa) |
Ai cũng hiểu, môn văn thuộc khối xã hội, không phải khối tự nhiên, nên không có một công thức hay quy chuẩn thống nhất về nội dung, kết quả. Ngữ văn là tiếng nói của ngôn ngữ (rất phong phú về từ, câu cú, cách diễn đạt...) kết hợp với sự sáng tạo của học trò để cho ra những bài văn đa dạng. Giả dụ một đề bài tập làm văn cho học sinh tả cảnh về quê ngoại, nhưng lại “ngầm” buộc các em phải viết là quê ngoại có cánh đồng lúa mênh mông, vườn cây trĩu quả, tôm cá đầy sông... thì thật vô lý. Tất nhiên văn học đòi hỏi phải mượt mà, bóng bẩy (trong cách chọn từ) nhưng không vì thế mà mất đi tính chân thật. Làm văn kiểu này là thiệt thòi cho học trò có quê ngoại ở thành thị, vì có bao giờ các em nhìn thấy vườn cây, đồng lúa, tôm cá… như thế nào đâu! Ðể không làm “mất lòng” giáo viên và tránh bị điểm kém nên dường như em nào cũng viết theo kiểu mẫu, không còn tính sáng tạo, vì thế bài văn trở nên nhạt nhẽo. Ở những bài nghị luận tác giả, tác phẩm của học sinh THPT cũng thế, có những giáo viên buộc học sinh phải học thuộc rồi khi kiểm tra hay làm bài thi, viết giống như trong vở đã từng ghi chép, thế mới an toàn về điểm số.
Vấn đề này cũng đã được báo chí lên tiếng bao năm qua song thực tế vẫn chưa có sự thay đổi mấy. Vẫn còn nhiều giáo viên không có tư duy cởi mở nên không ít học trò vì muốn “đột phá” trong cách viết văn, đã bị điểm thấp một cách oan uổng.
Ngữ văn cùng với toán là hai môn học chính. Nhưng hiện nay giới trẻ dường như dần xa rời ngữ văn. Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó cần phải nói đến là cách giảng dạy. Dạy văn mà khô khốc, rập khuôn thì khó khiến học sinh say mê. Hơn nữa, việc “ép” các em làm bài theo một kiểu mẫu còn dễ ảnh hưởng đến phong cách sống của trẻ con về lâu về dài. Bởi đó là hành động gián tiếp cổ xúy cho học sinh sống không trung thực với mọi người xung quanh.
NGUYỄN HOÀNG DUY
Bình luận