* Nhà của Thánh Phêrô
Kinh Thánh :
Chúa Giêsu chữa lành bà mẹ vợ thánh Phêrô: Mt 8,14-15 ; Mc 1,29-31 ; Lc 4,38-39
Chúa Giêsu chữa lành người bại liệt: Mt 9,18 ; Mc 2,1-12 ; Lc 5,17-26
Ở gần bên bờ hồ Tibêriát, có thể thấy những phế tích của hai ngôi nhà hình bát giác đồng tâm bao quanh một khoảng trống bên trong mà nền bằng bức tranh khảm đá. Chắc chắn đây là một Vương Cung Thánh Đường thời byzantin, có một thung lũng hình tứ giác bao bọc chung quanh.
Vậy bức tranh khảm đá che đậy cái gì? Các nhà khảo cổ dòng Phanxicô bắt đầu khai quật vào năm 1968, và những gì các ngài khám phá ra quả thật mang tính cách mạng, vì nối kết chúng ta với thời đại của chính Chúa Giêsu. Chúng ta bắt đầu từ những gì cổ nhất.
Một ngôi nhà tư nhân:
Cùng một kiểu như những nhà lân cận gồm nhiều phòng nhỏ được lợp bằng một mái che bao quanh một khoảng sân rộng. Chắc chắn nhà này đã được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ II trước Chúa Giáng Sinh. Từ thế kỷ thứ I sau Chúa Giáng Sinh, một phòng của ngôi nhà này đã được trang bị thêm tiện nghi, các vách tường liên tục được bao phủ bằng sáu lớp hồ không tô láng; những dòng chữ vẽ trên vách tường ghi tên Chúa Giêsu và thánh Phêrô. Chắc chắn đây là nơi thờ phượng của người Kitô hữu Do Thái.
Ngôi nhà Giáo Hội và nhà thờ bát giác :
Vào thế kỷ thứ IV, căn phòng này được tu bổ nhiều lần. Người ta xây một bức tường bảo vệ chung quanh…
Vào hậu bán thế kỷ thứ V, ở phía trên ngôi nhà Giáo hội này, người ta xây dựng một nhà thờ hình bát giác. Đây là công trình của người Kitô hữu gốc dân ngoại, thay thế cộng đoàn Kitô hữu Do Thái ngày xưa. Họ cũng muốn tôn kính “nhà của thánh Phêrô”, dù không còn nhìn thấy căn phòng ngày trước, nhưng nền móng của Vương Cung Thánh Đường hình bát giác được đặt trên các bức tường của căn phòng được coi như là nhà của thánh Tông đồ Phêrô.
Trong những năm vừa qua, các nhà khảo cổ học đã tiến hành việc khai quật Vương Cung Thánh Đường này. Đền Thánh độc đáo mà các tu sĩ dòng Phanxicô xây phía trên căn nhà của thánh Phêrô xưa, cho phép khách hành hương nhận ra những vết tích thuộc nhiều giai đoạn khác nhau của một nơi được đặc biệt tôn kính.
* Giêricô
Kinh Thánh :
Các trinh sát Israel do thám Giêricô: Giôsuê 2
Đạo quân Israel chiếm Giêricô: Giôsuê 6
Chữa lành anh mù Bartimê: Mc 10,46-52; Mt 20,29-34 ; Lc 18,35-43
Giakêu : Lc 19,1-10
Giữa thung lũng muối, lưu huỳnh và bi-tum, Giêricô là một ốc đảo tuyệt vời. Được che chở bởi những ghềnh đá cao của miền Giuđê nhằm chống lại gió và mưa từ phía Tây, đồng thời được nhiều nguồn nước tưới mát và có một lớp đất bồi màu mỡ, nên Giêricô là một ốc đảo tuyệt đẹp, là điểm nhấn của dãy núi Cana và là thành phố nghỉ Đông của người Paléttin - thành phố thấp nhất thế giới, vì nằm dưới mực nước biển Địa Trung Hải 300m.
Thành phố Giêricô xưa nằm ở phía Bắc thành phố hiện nay, có hình dạng một ngọn đồi nhân tạo khổng lồ dài 307m, rộng 161m. Trong lòng ngọn đồi này, các nhà khảo cổ học John Garstang (1930-1936) và Kathlem Kenyon (1952-1958) đã cố gắng đọc lịch sử của thành phố xuyên qua khoảng 20 tầng liên tiếp.
Ở dưới chân ngọn đồi vọt lên dòng suối chính của vùng này, “giếng Êlisa” là nơi ngày xưa ngôn sứ Êlisa thanh tẩy nước dơ bẩn (2 V 2,19-22). Chính sự hiện diện của nguồn nước dồi dào chứng tỏ nơi đây là nguồn gốc ngôi làng đầu tiên của những người định cư.
* Biển Chết
Tại sao gọi là Biển Chết? Câu trả lời đơn giản nhất là vì không có bất cứ một sinh vật hoặc thảo mộc nào có thể sống trong lòng biển này cả, bởi nước Biển Chết mặn gấp 6 lần nước biển thường. Người Do Thái gọi Biển Chết là biển muối, biển Ả Rập, biển Đông. Còn người Ả Rập gọi Biển Chết là biển của ông Lót. Trong nước biển có nhiều khoáng chất, người ta dùng để chế tạo nhiều loại mỹ phẩm khác nhau. Điều thú vị là khi xuống đây, thân thể con người nổi bồng bềnh trên mặt Biển Chết chứ không bao giờ chìm.
Một góc của Biển Chết |
* Qumrân
Ở phía Bắc Biển Chết có một đồng bằng nhỏ, trong đó có địa danh Qumrân. Đây là lãnh địa của người Ết-xê-ni, những người trở nên nổi tiếng từ năm 1947, nhờ những khám phá ra tu viện và thư viện của họ.
Ngày đó, một thanh niên chăn chiên tên Mohammed, biệt danh Ed-Dhib, có nghĩa là “con sói”, cùng với các bạn nhỏ của mình, trong lúc đi tìm các con dê cái bị lạc, đã nhìn thấy lỗ nhỏ của một hang động. Các chú bé hy vọng tìm được ở đó một kho tàng, và Mohammed Ed-Dhib đã chui tọt được vào hang đó. Em thấy trong hang có 10 cái chum cao khoảng 60cm. Tám cái trong số đó đều trống rỗng, cái thứ chín thì đầy bụi, nhưng cái thứ mười đựng 3 cuộn da. Sau này được xác định đó là toàn bộ sách ngôn sứ Isaia, “Quy luật của cộng đoàn”, và một bản chú giải sách ngôn sứ Habacúc. Sau đó ít lâu, cũng chính tại hang động này, người ta tìm thấy 4 cuộn da khác: một tuyển tập các Thánh Vịnh tạ ơn, một quyển sách thứ hai không đầy đủ về ngôn sứ Isaia, “Luật chiến tranh” giữa “con cái ánh sáng” và “con cái bóng tối”, và cuối cùng là một bài chú giải vài đoạn sách Sáng Thế với tựa đề “Ngụy thư Sáng thế”.
Qumrân, lãnh địa của người Ết-xê-ni |
Một trong những cuộc khám phá khảo cổ học lớn nhất thế kỷ 20 được bắt đầu. Hang động số 1 là một trong 11 hang động chứa đựng 800 bản thảo (thường ở dạng từng đoạn). Cuộc khai quật những hang động này kéo dài tới năm 1956. Tuy nhiên, ngay từ mùa Xuân năm 1947, những người Bédouins đã tìm cách bán những bản thảo tìm được cho một người buôn đồ cổ ở Bêlem, tên là Kando, thành viên của Giáo Hội Chính thống Syri, người này nhượng lại cho vị giáo chủ của mình là Mar Athanase và nhận lại tiền mặt bốn trong 7 cuộn da: toàn bộ sách Isaia, bản chú giải sách Habacúc, “Quy luật của Cộng đoàn” và “Ngụy thư Sáng thế”, với giá rẻ mạt là 100 đô la Mỹ thời bấy giờ. Cuối năm đó, giáo sư Sukenik, thuộc đại học Do Thái ở Giêrusalem mua được ba bản thảo khác: sách Isaia đệ nhị không đầy đủ, tuyển tập các Thánh Thi và Luật chiến tranh. Ông cũng có dịp biết qua 3 trong số các bản thảo đầu của hang số một: cuộn da lớn về Isaia bản chú giải sách Habacúc và Quy luật của cộng đoàn Ếtxêni, nhưng đã không thể mua được những bản thảo đó. Chính giáo sư Sukenik, nhà khảo cổ và chuyên viên về bản văn cổ, là người đầu tiên đưa ra giả thuyết là các bản thảo này “thuộc về phái Ếtxênien”.
Bình luận