“Búp bê giấy” là tác phẩm truyện dài đầu tay của tác giả trẻ Phạm Tuyết Hường. Cậu chuyện kể về quá trình vươn lên trong cuộc sống của Mi - một cô tiểu thư vô tâm, đỏng đảnh có tài làm tranh giấy bỗng dưng phải trở thành gánh nặng gia đình, khi gia đình cô bị chính người giúp việc hãm hại nên phá sản. Diễn biến tâm lý phức tạp của cô gái trẻ, những mưu toan lọc lừa trong cuộc sống khiến cô tưởng chừng như vượt qua nhưng rồi lại thất bại. Trải qua bao nhiêu sóng gió, nhờ sự kiên cường của bản thân và tình yêu thương đã giúp Mi thành công…
bìa sách búp bê giấy |
Điều đọng trong lòng người đọc khi gấp sách lại là những tình cảm trong sáng của những bạn trẻ và hơn hết, chính là lòng dũng cảm, tin yêu vào cuộc sống. Và điều thú vị còn là tác giả đã sử dụng một hình ảnh hết sức truyền thống nhưng cũng thật độc đáo “Búp bê giấy” để làm nền cho câu chuyện của mình. “Thường người ta chỉ nhắc đến búp bê Barbie hay búp bê Nga chứ Việt Nam không có thương hiệu búp bê nào trên thế giới. Trong một lần tìm búp bê giấy, tôi tìm mãi nhưng hầu như không ai làm và bán. Tôi bèn mày mò và làm thành công. Sau đó tôi lấy hình tượng búp bê giấy để đặt tên cho truyện, để thành nghề của nhân vật chính”, Phạm Tuyết Hường tâm sự về cái duyên khiến tác phẩm “Búp bê giấy” ra đời.
“Hãy sống trọn vẹn mỗi ngày”, đó chính là điều tác giả gửi gắm xuyên suốt trong truyện. Người đọc sẽ thấy mạch truyện khá nhanh, đan xen nhiều kịch tính. Tác giả từng có thời gian làm phóng viên của một tờ báo dành cho tuổi teen nên những trải nghiệm, cọ xát với những hoàn cảnh của người trẻ đã được chị lấy làm “chất liệu” cho truyện. Bạn đọc trẻ sẽ tìm thấy mình qua các nhân vật, còn người lớn thì như được hồi tưởng lại thời còn trẻ của mình…
Tác giả Phạm Tuyết Hường hiện đang là một biên kịch, dự định viết kịch bản phim từ chính truyện của mình đang được chị hoàn tất những bước cuối cùng để ra mắt bộ phim cùng tên trong năm nay.
(*) Đọc “Búp bê giấy”, tác giả Phạm Tuyết Hường, NXB Kim Đồng 2015
PHƯƠNG ANH
Bình luận