Đây là chuyện tôi nghe:
Hiền giả hỏi ngược lại nhưng không đợi câu trả lời vì biết nhà vua đã tự giải đáp được (xem CGvDT số 1950). Có điều đạo sư lại muốn các môn đệ đặt mình vào vị trí nhà vua mà trả lời thay.
Một môn đệ mau mắn đứng dậy xin phép trả lời:
- Thưa thầy, theo câu chuyện thầy kể thì con hiểu rằng lúc hạnh phúc nhất của nhà vua là được thanh thản tận hưởng buổi sáng. Chính vào cái thời khắc đó nhà vua không còn bị vướng bận vào công việc ngày hôm qua, cũng không lo nghĩ về chuyện ngày hôm sau. Câu hỏi thứ nhất: Lúc nào là quan trọng nhất? Con suy ra hiện tại là quan trọng nhất. Người Anh gọi hiện tại là present. Mà present cũng là món quà tặng. Hiện tại là quà tặng cho chúng ta, chúng ta phải biết tận hưởng nó.
Đạo sư gật đầu, mỉm cười:
- Con nói hay lắm! Nghe có vẻ “hiện sinh” lắm, con nhỉ?
Mọi người cười ồ. Chờ cho tĩnh lặng lại, đạo sư hỏi tiếp:
- Nhưng con áp dụng điều vừa nói vào chính đời tu hành của con thế nào cho ích lợi đây?
Thấy học trò lúng túng, đạo sư ra dấu mời ngồi xuống.
Không thấy đồng môn nào trả lời thêm, quản thủ Tàng Kinh Các bèn đứng lên thủ lễ chào thầy và nói:
- Thưa thầy và các huynh đệ, nói gần thì con có thể áp dụng vào lúc tập thiền. Giờ nào việc đó. Hiện tại đang là giờ hành thiền thì con chỉ nên biết tập trung vào thiền định. Đừng để chuyện cũ hay chuyện tương lai xâm lấn tư tưởng, bắt cái ý của con rong chơi bay nhảy.
Đạo sư mỉm cười, gật đầu:
- Đó là con nói gần. Xa hơn thì sao?
- Thưa thầy, con được đọc Tương Ưng Bộ Kinh do một tỳ kheo Ấn Độ dịch từ tiếng Pali ra tiếng Anh. Con dịch hai đoạn con thích thú sang quốc ngữ như sau:
Việc qua rồi chẳng than
Việc chưa tới chẳng màng
Hiện tại hãy bảo thân
Thế nên được tĩnh thanh.
Việc chưa tới mà cầu
Việc qua rồi chẳng buông
Kẻ vô minh úa xào
Như khô héo cỏ lau.(1)
(Tương Ưng Bộ Kinh, I.8)
Đạo sư trìu mến nhìn “con mọt sách”, khuyến khích:
- Con cứ tiếp tục nói cho hết ý.
- Thưa thầy và các huynh đệ, qua tám câu ấy, Đức Phật Tổ khuyên người tu giữ chánh niệm, đừng để tâm ý mình điên đảo theo quá khứ hay tương lai. Sống với hiện tại đối với người chân tu cũng là tận dụng tất cả quỹ thời gian mình đang có để chuyên cần tu tập, không phung phí vào các việc phù phiếm. Phải biết sợ rằng mình có thể chết bất kỳ lúc nào mà dang dở đường tu. Đức Phật từ bi luôn nhấn mạnh điều này, vì vậy trong Trung Bộ Kinh, Phật dạy tương tự như tám câu con vừa đọc. Dựa theo bản tiếng Anh của một vị tỳ kheo Ấn Độ, con dịch như sau:
Quá khứ chớ đuổi theo
Tương lai đừng mơ ước
Quá khứ bỏ đàng sau
Tương lai đâu đã đến.
Quý báu là lúc này
Hãy nhìn rõ hiện tại
Tâm an không chuyển lay
Dưỡng tâm chẳng hư hoại.
Hãy trì tu hôm nay
Biết đâu mai sẽ chết
Cái chết chẳng chờ ai
Nào ai hoãn được chết.(2)
(Trung Bộ Kinh, 131)
- Thầy cảm ơn con. Người chân tu là như vậy. Cho nên muốn tu giải thoát, những giao tế phù phiếm đời thường làm mất thời gian tu luyện, thì chúng ta đừng màng tới. Bây giờ, thầy mời các con trả lời sang câu hỏi thứ hai.
(Tuần sau tiếp.)
Phú Nhuận, 02-4-2014.
Dũ Lan Lê Anh Dũng
———————-
Chú thích:
(1) They make no lamentation o’er the past,
They yearn not after that which is not come,
By what now is do they maintain themselves;
Hence comes it that they look serene of hue.
By yearning after that which is not come,
By making lamentation o’er the past,
Hence comes it that the foolish wither up
E’en as a tender reed by sickle shorn.
(Kindred Saying, I. 8)
(2) One would not chase after the past,
nor place expectations on the future.
What is past is left behind.
The future is as yet unreached.
Whatever quality is present
one clearly sees right there, right there.
Unvanquished, unshaken,
that’s how one develops the mind.
Ardently doing one’s duty today,
for – who knows? – tomorrow death may come.
There is no bargaining
with Death and his mighty horde.
(Majjhima Nikaya, 131)
Bình luận