Lê Trung tên thật là Lê Văn Trung, có tài liệu khác ghi là Lê Toàn Trung, Lê Ngọc Trung. Ông sinh ngày 6.10.1919 tại Châu Ðốc (An Giang), con nhà gia giáo, họ nội mấy đời làm quan triều Nguyễn.
Từ nhỏ ông đã ham vẽ, học trường Mỹ nghệ Gia Ðịnh tại Sài Gòn. Sau khi tốt nghiệp, ông ra Hà Nội thi đậu vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Ðông Dương khóa 12 (1938 - 1943). Ngoài những gì học ở trường, ông còn được học thêm với các giáo sư ngoại quốc có tiếng thời ấy như thầy Besson, Claude Lemaire, La Jonchères...
Lê Trung thuộc trường phái tả thực, có biệt tài truyền thần, dùng nhiều chất liệu phấn màu, màu nước, thủy họa.
Ra trường, ông dạy học là chính, bên cạnh đó, cũng có xưởng vẽ riêng và thường đảm nhận thực hiện bìa sách, các bản nhạc và vẽ cho các báo Sài Gòn Mới, Sân Khấu Mới, Tia Sáng, Phụ Nữ Ngày Mai, Phụ Nữ Diễn Ðàn… Ông có sáng tác về phong cảnh, tĩnh vật và các đề tài khác nhưng không nhiều, minh họa sách báo mới là sở trường của Lê Trung.
Chân dung phụ nữ của ông được coi là sáng giá nhất so với các họa sĩ miền Nam đương thời như Phi Hùng, Thái Văn Ngôn, Lê Minh, Duy Liêm… Các bức vẽ thể loại này trên các trang bìa báo tạo nhiều ấn tượng cho người xem và từng được giới họa sĩ nhận xét: “Người phụ nữ trong tranh Lê Trung không theo ước lệ có dáng mảnh mai, eo thon, mặt trái xoan, mắt lá răm, mày lá liễu… như một số họa sĩ Ðông Dương vẫn thể hiện, mà có vẻ sống thực, gẫn gũi hình ảnh cô gái lao động Nam Bộ khỏe khoắn, mặn mà...”. Nhà văn Phạm Công Luận trong “Sài Gòn - Chuyện đời của phố” từng ghi nhận: “Do độ thu hút rộng rãi, tranh của Lê Trung ngự trị trên bìa báo Xuân miền Nam trước 1960. Hết Tết, cái bìa diễm lệ đó được bóc ra dán trên vách cho có vẻ “sang trọng”, đến khi nó uá vàng vì khói bếp hay màu thời gian vẫn chưa bóc ra”...
Những cô gái qua nét cọ của Lê Trung hiện lên với chân dung đẹp. Qua đó, cũng thấy được bút pháp điêu luyện và phong cách độc đáo của người họa sĩ. Ông thể hiện được nhiều ưu điểm kỹ thuật và mỹ thuật của người đã kinh qua bài bản của một trường mỹ thuật chuyên nghiệp. Theo họa sĩ Nguyễn Thanh, thập niên 50 - 60 thế kỷ trước, khi chưa có phong trào đăng chân dung ảnh chụp các tài tử như Thanh Nga, Thẩm Thúy Hằng, Thanh Thúy, Kiều Chinh…, thì minh họa chân dung của Lê Trung được xếp hàng đầu, luôn được săn lùng và đặt hàng.
Trước 1975, Lê Trung tham dự nhiều cuộc triển lãm ở Sài Gòn và cả quốc tế. Ông còn được mời làm cộng tác viên trang trí một tập san uy tín của Pháp “Sud Est Asiatique” từ 1948 - 1954.
Nếu sống tới nay, ông tròn 100 tuổi, người viết chưa tìm được thông tin về ông trong những năm tháng về hưu, tuổi già...
LM Giuse Nguyễn Hữu Triết
Trưởng ban Mục vụ Văn hóa TGP.TPHCM
Bình luận