Vườn trẻ dạy ấu nhi từ bốn tới sáu tuổi. Nhưng trước năm 1840, trẻ dưới bảy tuổi trên thế giới không được đến trường. Người tiên phong mở trường dạy cho ấu nhi dưới bảy tuổi là Friedrich Froebel (1782-1852). Là người Ðức, ông gọi mô hình giáo dục này là Kindergarten (tiếng Ðức).
Người Mỹ vốn có khuynh hướng mượn luôn tiếng nước ngoài vào từ điển của mình, khỏi mất công dịch ra tiếng Anh. Chẳng hạn, năm 1961, họ biết tới áo dài truyền thống của phụ nữ Việt Nam, nên ghi ngay vào từ điển Merriam-Webster danh giá của họ là “ao dai” chứ không thèm dịch ra tiếng Anh làm chi. Xưa hơn nữa, năm 1879 họ sớm biết tới món nước mắm của người Việt, và ghi luôn vào từ điển Merriam-Webster là “nước mắm” trong khi mấy thầy Việt Nam cứ quen dịch là “salted fish sauce”. Cũng vậy, vào cuối thế kỷ 19, người Mỹ mượn luôn thuật ngữ Kindergarten của Froebel thay vì dịch ra tiếng Anh là children garden. Và người Mỹ đầu tiên có công du nhập từ Kindergarten vào đất Mỹ, làm phong phú thêm cho tiếng Anh là bà Lucy Wheelock.
Lucy Wheelock sinh ngày 01-02-1857 tại thị trấn Cambridge (bang Vermont, Hoa Kỳ) và tạ thế ngày 01-10-1946 tại thành phố Boston (bang Massachusetts). Là người tiên phong giáo dục ấu nhi trong phong trào vườn trẻ (kindergarten) ở Mỹ, bà khởi đầu sự nghiệp bằng mười năm (1879-1889) thực hành chương trình giáo dục vườn trẻ tại Trường Chauncy-Hall được thành lập năm 1828 tại thành phố Waltham (bang Massachusetts).
Năm 1890, tại thành phố Boston (bang Massachusetts), bà sáng lập Trường Huấn Luyện Vườn Trẻ Của Cô Wheelock (Miss Wheelock’s Kindergarten Training School), và làm hiệu trưởng ngôi trường của mình cho tới khi nghỉ hưu (1940). Trước khi rời đi, bà đã thu xếp để cơ sở giáo dục này trở thành một trường đại học phi lợi nhuận mang tên Wheelock College, và trường đại học này bắt đầu đào tạo văn bằng cử nhân vào năm 1941.
Là nhà giáo dục lỗi lạc, bà Wheelock còn viết sách, dịch sách, diễn thuyết về giáo dục. Ðặc biệt, một tâm hồn lớn và một tài tuệ lớn như bà lại từng viết cho trẻ em một mẩu truyện vỏn vẹn 274 từ để kể về nguồn gốc hay huyền thoại cây giáng sinh, và dễ hiểu vì sao mẩu truyện này bất tử, được truyền tụng khắp nơi.
Hai cháu bé đang ngồi cạnh bếp lửa trong một đêm đông lạnh lẽo. Bỗng nhiên hai cháu nghe có tiếng gõ cửa rụt rè và một cháu chạy ra mở cửa.
Kìa, đứng ngoài trời lạnh trong đêm đen là chú nhỏ chân đất, phong phanh áo quần rách rưới. Run rẩy vì lạnh, chú ngỏ lời xin được vào nhà sưởi ấm.
“Ðược, vào đi.” Cả hai cháu nói lớn. “Ðằng ấy sẽ có được chỗ của bọn mình bên bếp lửa. Vào đi.”
Hai cháu kéo chú nhỏ không quen đến chỗ ngồi ấm áp của mình và san sẻ với chú bữa ăn tối, lại nhường giường cho chú nữa, còn hai cháu thì ngủ trên băng gỗ thô cứng.
Trong đêm, bị tiếng nhạc ngọt ngào đánh thức, hai cháu nhìn ra ngoài và thấy một nhóm trẻ con quần áo sáng rực đang tiến gần đến nhà hai cháu. Bọn trẻ đang khảy những cây thụ cầm (đàn harps) bằng vàng và không gian ngập tràn giai điệu du dương.
Ðột ngột, đứng ngay trước mặt hai cháu là chú bé không quen nọ. Chú không còn lạnh run và rách rưới nữa, mà y phục sáng loáng ánh bạc.
Chú dịu dàng bảo: “Khi Ta lạnh thì hai bạn để Ta vào nhà. Khi Ta đói thì hai bạn cho Ta ăn. Khi Ta mệt thì hai bạn nhường cho Ta giường của bạn. Ta là Chúa Hài Ðồng, đi khắp thế gian để đem an bình và hạnh phúc cho tất cả đứa trẻ ngoan. Vì hai bạn đã cho Ta, nên cây này hằng năm sẽ cho hai bạn thật nhiều trái nhiều quả.”
Nói xong, Chúa Hài Ðồng bẻ một nhánh từ cây lãnh sam (fir) mọc gần cửa, trồng xuống đất rồi biến mất. Nhánh cây trở thành đại thụ, và năm nào cũng trĩu những quả thần kỳ dành cho hai trẻ ngoan ấy.
Nhiêu Lộc, 28-11-2020
Nguyên tác: The First Christmas-Tree
Tác giả: Lucy Wheelock
Giới thiệu & dịch: Huệ Khải
Bình luận