Chọn người nghèo làm hành trang đời tu

Từng sống trong cảnh nghèo và vất vả một thời, linh mục Phêrô Vũ Minh Hùng (chánh xứ Vườn Xoài - TGP TPHCM) đã thấu cảm được nỗi nhọc nhằn của những mảnh đời khốn khó, nên ngài bước vào đời tu với một xác tín mạnh mẽ: phụng sự Thiên Chúa qua những phận người cùng khổ! Hơn 20 năm trong cuộc đời mục tử với những thử thách về sức khỏe, bệnh tật, có lúc từng đối diện với cái chết, nhưng cha Hùng đã kiên cường vượt qua nhờ sự cậy trông và phó thác vào Chúa, để rồi lại hăng say với sứ mệnh phục vụ người nghèo trên mọi nẻo đường


Thấu hiểu người nghèo từ những tháng ngày cơ cực

Khi được hỏi có sự thúc đẩy nào mà cha dành trọn tâm huyết cho người nghèo, ở tất cả các xứ đạo ngài đã và đang quản nhiệm tại TGP TPHCM, cha Phêrô Vũ Minh Hùng hồi tưởng lại thời trẻ, khi còn là một sinh viên của trường Ðại học Bách khoa - những năm giữa thập niên 80 thế kỷ trước: “Hồi đó nhà nghèo, mình phải vào cuộc mưu sinh từ sớm. Nếu không phấn đấu thì khó có thể đi học được nên ngoài giờ đến trường, mình sửa điện tử, dạy kèm, đạp xích lô để có tiền lo chuyện học hành và giúp thêm gia đình. Từng trong thân phận nghèo nên tôi có sự thấu hiểu đời sống đầy mồ hôi nước mắt của người nghèo trong xã hội…”. Nhắc về quãng thời gian phải kiếm sống bằng việc đạp xích lô, cha Hùng kể một trải nghiệm khó quên, ấy là có lần chở một bà khách có vóc dáng khá lớn, đang trên đường thì bánh xe bị bể, bà nói phải đưa tới tận nơi mới trả tiền chứ nhất định không xuống xe, dù chỉ cần đi bộ một chút. Và cậu sinh viên ngày ấy đã phải dùng tay kéo xe để đưa khách đến nơi theo đúng yêu cầu. “Lòng tôi lúc ấy thật tái tê, đó là kinh nghiệm khi tiếp cận cuộc sống nhiều mặt, phải kiếm tiền lam lũ trên đường phố. Trải nghiệm này đã cho mình sự cảm thông lớn với người nghèo và bài học về việc sử dụng đồng tiền. Phải vắt sức làm việc, tôi cảm nghiệm đồng tiền với người nghèo đôi lúc đượm trong đắng cay và nước mắt, mồ hôi!”, cha Hùng bùi ngùi. Ngay từ lúc lam lũ trên đường phố, cậu sinh viên Bách khoa đã biết chia sẻ với những mảnh đời khốn khó quanh mình. Có những buổi tối dọc đường đón khách, gặp người lang thang lỡ đường muốn đi xe mà không có đồng nào trong túi, cậu cũng tận tình chở miễn phí… Ước mong giúp được cho người nghèo đã nảy nở từ những tháng ngày vất vả mưu sinh ấy, và cứ lớn dần khi cậu ra trường, đi làm một thời gian rồi đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa để sống đời thánh hiến. Việc mong muốn cưu mang cho các hoàn cảnh khó nghèo đã ngày một lớn hơn và trở thành định hướng trên con đường theo đuổi ơn gọi của người tu sĩ.


Giúp những mảnh đời vơi bớt chật vật

Sau những năm miệt mài tu học ở Ðại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, cha Phêrô Vũ Minh Hùng chịu chức linh mục vào tháng 6.2002, rồi được bổ nhiệm về làm phụ tá giáo xứ Thị Nghè. Những năm phục vụ tại xứ đạo này, cha luôn thao thức trợ giúp người nghèo trong xứ. Vào các dịp lễ hằng tháng và gần Tết, ngài quy tụ những gia đình khó khăn để trao tặng họ những phần gạo và nhu yếu phẩm. Cũng trong thời gian ở Thị Nghè, cha gặp vấn đề về sức khỏe, phải ghép thận. Ðể có đủ tiền chạy chữa, cha cố gắng vừa chu toàn vai trò phụ tá cho cha sở, vừa làm công việc của một tài xế taxi. “Chúa quan phòng, nhờ việc này, cộng thêm sự hỗ trợ của những tấm lòng, tôi trang trải được việc ghép thận cũng như lo thuốc men sau đó, lại tiết kiệm hình thành được 40 - 50 suất học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo. Với học bổng này, những em có gia cảnh khốn khó đã được đi học đến nơi đến chốn…”, cha Hùng nhớ lại.

Năm 2007, cha được bài sai về làm chánh xứ Thánh Martinô (hạt Gia Ðịnh). Quãng thời gian 15 năm ở đây đã đọng lại nhiều dấu ấn trong lòng vị mục tử. Ðó là những tháng ngày cha làm dày thêm trên hành trình của đời linh mục với đầy ắp những trao đi, để nhiều mảnh đời cơ cực vơi bớt nhọc nhằn. Bên cạnh việc giúp đỡ thường xuyên cho khoảng 100 gia đình nghèo bất kể lương giáo trong địa bàn giáo xứ bằng những phần gạo mỗi tháng, cha xứ Martinô còn tập hợp anh chị em khuyết tật khắp thành phố để họp mặt sinh hoạt gần như một câu lạc bộ. Mỗi sáng Chúa nhật, họ được mời ăn sáng; hằng tháng hay vào các dịp lễ Tết, cha lại có những phần gạo, phần quà gởi đến từng người. Không những chăm sóc đời sống vật chất, ngài còn lo cho tinh thần của họ qua những chuyến đi hành hương được tổ chức định kỳ. Bà Hoàng Mai, một người khuyết tật luôn nhớ và dành cho vị linh hướng của nhóm sự trân quý hết mực: “Tôi ở giáo xứ Thanh Ða mà khi cha Hùng tụ họp nhóm khuyết tật, mình lại đi lễ sáng Chúa nhật ở nhà thờ Thánh Martinô để được gặp gỡ anh chị em cùng cảnh ngộ và ăn sáng với nhau sau lễ. Hơn nữa là được trò chuyện, thăm hỏi đời sống và công việc của nhau. Với chúng tôi, cha rất tuyệt vời vì luôn thương người khuyết tật, người nghèo khổ!...”. Không dừng lại ở đó, băn khoăn vì nhiều người quanh vùng còn chạy vạy từng bữa ăn, cha Hùng mở quán cơm 2000 đồng để phục vụ người lao động nghèo. Quán duy trì suốt gần 8 năm, khi chuyển đến xứ mới Vườn Xoài, cha lại tiếp tục chương trình này để đỡ đần những người bán vé số, chạy xe ôm, buôn thúng bán bưng, sinh viên trọ học… Nhờ bữa ăn trưa này, nhiều người bớt chật vật hơn. Cha giải thích sở dĩ có thu 2000 đồng/người là để người đến ăn không mang tâm lý mặc cảm, họ thong dong và vui vẻ bước vào, như một dạng ăn cơm có trợ giá.

Hiện mỗi ngày quán cơm 2000 ở Gx Vườn Xoài phục vụ hàng trăm suất ăn - ảnh: Liên Giang


Vượt qua sự chết để tiếp tục đi cùng người nghèo

Trong thánh lễ nhậm chức chánh xứ Vườn Xoài của cha Phêrô Vũ Minh Hùng vào sáng ngày 7.9.2022, linh mục Tổng Ðại diện Inhaxiô Hồ Văn Xuân khi chia sẻ về vị tân chánh xứ, đã nhắc lại khoảng thời gian khó quên của năm 2021 - thời điểm cả thành phố phải căng mình chống dịch - rất nhiều người đã bị nhiễm bệnh, trong đó có cha Hùng: “Nhớ thời điểm tháng 8 năm 2021, cha Hùng bị Covid nặng, được đưa vào bệnh viện Chợ Rẫy, có những người đã qua đời khi ấy nhưng Chúa chưa gọi cha bởi vì người nghèo khổ còn nhiều lắm, nên ngài lại mạnh khỏe trở về…”. Kể về cha Hùng, linh mục Tổng Ðại diện nhớ đến những việc mà cha đã lăn xả, xông pha đi lo cho người không có cái ăn trong mùa dịch, ngài đã tự mình lái xe, mang hàng trăm phần cơm mỗi ngày tặng những người ngoài đường phố, trên công viên…, đang khó tìm nơi mua thức ăn.

Có dịp trò chuyện với cha gần đây, chúng tôi cũng được nghe cha ôn lại thời gian đầy dấu ấn ấy. Từ những ngày trong tháng 7.2021, khi thành phố phải giãn cách phòng dịch, cha và anh chị em tình nguyện trong xứ Martinô đã xin nhà vườn và đặt mua rau củ, nhu yếu phẩm, cơm… chia sẻ định kỳ đến những gia đình của khu cách ly trong các con hẻm. Mỗi ngày, giáo xứ nấu trên 1000 suất cơm, vừa để người nghèo đến nhận tại chỗ, vừa mang đi phát cho những nơi cần. Biết rằng đi ra ngoài dễ bị lây nhiễm nhưng người mục tử không thể ngồi yên vì có bao người đang đói, bao người cần sự trợ giúp. Và cha đã lên đường, có những ngày rong ruổi như một người chạy “Grab” giao cơm, vào tận những hang cùng ngõ hẻm, len lỏi trong thành phố đầy hàng rào phong tỏa, đến các gầm cầu, vỉa hè… “Ði ra mới thấy nỗi khổ của người không có cái ăn giữa mùa dịch, có lúc cả trăm phần cơm chỉ phát trong thoáng chốc, thật xót xa cho nhiều cảnh đời!”, cha Hùng xúc động.

Rồi chuyện gì đến đã đến, cha bị nhiễm bệnh và trở nặng, phải nhập viện chữa trị. Cả tháng rưỡi ở bệnh viện Chợ Rẫy, bên ngoài nhiều người nghèo, nhiều hội nhóm cầu nguyện, lên mạng thông tin cho nhau về tình trạng của cha Hùng để cùng tín thác vào điều kỳ diệu sẽ đến, dù trong thâm tâm, ai cũng nghĩ ngài không qua khỏi như nhiều người lúc bấy giờ. Và rồi, đúng là như một phép màu, ngài dần bình phục. Kinh nghiệm về sự cận tử khiến cha Hùng càng trân quý cuộc sống và khi trở về đời thường, lại hăng hái hơn trong việc lo cho người nghèo, như lời ngài kể: “Một tuần sau khi xuất viện, tôi đã mở bếp trở lại, rồi tiếp tục liên lạc để có những phần thực phẩm, rau củ cung cấp cho người cần... Mùa dịch vất vả thật nhưng cũng để lại nhiều dấu ấn. Nhìn lại, tôi tạ ơn Chúa vì mình vẫn khỏe mạnh. Từng bị Covid nặng nề nhất mà đã thoát được, đi về từ cõi chết như một dấu lạ nên tôi ý thức là mình có một ơn đặc biệt mà Chúa ban cho, từ đó lại ý thức hơn về sứ mệnh đối với người nghèo”.

Về giáo xứ Vườn Xoài, vị linh mục 58 tuổi vẫn ưu tiên lo cho những hoàn cảnh khó khăn và xem đây như sứ mệnh của mình. Nhận xứ vài tuần, cha lại mở quán cơm 2000 đồng ngay trong sân nhà thờ. Và chỉ sau hơn 2 tháng, hiện mỗi ngày có đến 5-7 trăm người đến đây dùng bữa trưa. Cha hồn hậu nhìn nhận: “Ðến với người nghèo cũng là một cách hiệp thông, hiệp thông đúng sứ vụ của người mục tử. Giáo hội bao lâu còn xa cách người nghèo thì không còn là Giáo hội…”

LIÊN GIANG

Từ khoá:
Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

20 năm hát vì người nghèo
20 năm hát vì người nghèo
Năm 2025, linh mục GB Nguyễn Tấn Sang (chánh xứ Ba Giồng - GP Mỹ Tho) sẽ kỷ niệm 20 năm chương trình Tiếng hát vì người nghèo.
Vị linh mục bán trái cây xây thánh đường
Vị linh mục bán trái cây xây thánh đường
Ðó là linh mục Phêrô Mai Văn Thượng, chánh xứ Kim Sơn, giáo phận Mỹ Tho. Trong 4 năm liền, cha đã cùng với bà con giáo dân rong ruổi trên từng chuyến đi, và quả ngọt hôm nay là ngôi thánh đường khang trang đã căn bản hoàn thiện.
Người tân tòng và ơn gọi linh mục
Người tân tòng và ơn gọi linh mục
16 năm trước, cha Giuse Phan Duy Vũ đã bắt đầu dấn thân trong ơn gọi truyền giáo của dòng Chúa Thánh Thần, dù cha sinh ra trong gia đình không theo đạo Công giáo. Sau 13 năm tu học và phục vụ, ngày 23.3.2021, cha Giuse trở thành linh...
20 năm hát vì người nghèo
20 năm hát vì người nghèo
Năm 2025, linh mục GB Nguyễn Tấn Sang (chánh xứ Ba Giồng - GP Mỹ Tho) sẽ kỷ niệm 20 năm chương trình Tiếng hát vì người nghèo.
Vị linh mục bán trái cây xây thánh đường
Vị linh mục bán trái cây xây thánh đường
Ðó là linh mục Phêrô Mai Văn Thượng, chánh xứ Kim Sơn, giáo phận Mỹ Tho. Trong 4 năm liền, cha đã cùng với bà con giáo dân rong ruổi trên từng chuyến đi, và quả ngọt hôm nay là ngôi thánh đường khang trang đã căn bản hoàn thiện.
Người tân tòng và ơn gọi linh mục
Người tân tòng và ơn gọi linh mục
16 năm trước, cha Giuse Phan Duy Vũ đã bắt đầu dấn thân trong ơn gọi truyền giáo của dòng Chúa Thánh Thần, dù cha sinh ra trong gia đình không theo đạo Công giáo. Sau 13 năm tu học và phục vụ, ngày 23.3.2021, cha Giuse trở thành linh...
Ðời vị mục tử gắn với vùng kinh tế mới
Ðời vị mục tử gắn với vùng kinh tế mới
Chào tạm biệt bà con giáo dân Phú Lý thuộc vùng chiến khu D (huyện Vĩnh Cửu), cha Antôn M. Claret Nguyễn Ngọc Lâm (CRM) vừa quay trở về nhà dòng để bắt đầu một quãng đời mới khi bước vào tuổi hưu. Hành trình rong ruổi khắp những mái...
Hành trình đời tu không bằng phẳng của một linh mục
Hành trình đời tu không bằng phẳng của một linh mục
Cha Antôn Lê Quang Trinh tâm sự, Chúa vẽ nét cong trong cuộc đời mình. Nét cong trong câu nói của thánh nữ Têrêsa Avila ứng với cha Antôn hai chuyện: hình hài và những diễn biến đời tu.
Như cánh chim bằng không mỏi
Như cánh chim bằng không mỏi
Cha Antôn Nguyễn Đình Thục sinh năm 1947 tại Thọ Ninh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1958, theo học Tiểu Chủng viện Saigon. Ngày 28.4.1973, cha được thụ phong linh mục với châm ngôn “Phụng sự trong hân hoan” (Tv 99,2)
Mục tử của các tín hữu sắc tộc
Mục tử của các tín hữu sắc tộc
Chung tay kiến tạo giáo xứ từ những ngày đầu tiên, linh mục Antôn Vũ Thanh Hòa trở thành vị chánh xứ tiên khởi của giáo xứ Thánh Phaolô (giáo hạt Madagui, giáo phận Ðà Lạt), đứng đầu một giáo xứ rộng lớn với gần 2.000 tín hữu.
Ðời mục vụ của vị cha già 50 năm linh mục
Ðời mục vụ của vị cha già 50 năm linh mục
Tôi có dịp trở lại giáo xứ Ka La, giáo hạt Di Linh, giáo phận Ðà Lạt để tham dự thánh lễ tạ ơn 50 năm hồng ân linh mục của cha cố Phaolô Lê Ðức Huân. Nhiều người đã bày tỏ lòng kính trọng, cảm phục vị cha già...
Chọn người nghèo làm hành trang đời tu
Chọn người nghèo làm hành trang đời tu
Từng sống trong cảnh nghèo và vất vả một thời, linh mục Phêrô Vũ Minh Hùng (chánh xứ Vườn Xoài - TGP TPHCM) đã thấu cảm được nỗi nhọc nhằn của những mảnh đời khốn khó, nên ngài bước vào đời tu với một xác tín mạnh mẽ: phụng sự...