1. Không những nói “tấm lòng”, người Việt còn nói “tấc lòng”. Đây là lối nói văn vẻ, thường thấy trong văn học. Chẳng hạn:
1.1. Truyện thơ Nhị Độ Mai (khuyết danh tác giả) có chín câu như sau:
- 153. Tấc lòng xem bẵng mẹ cha. (“xem bẵng”: xem như; xem bằng)
- 336. Tấc lòng thề chẳng đội trời với ai.
- 972. Chị dù chín suối cũng cam tấc lòng.
- 1027. Tấc lòng thề với trời cao.
- 1101. Tấc lòng kính kẻ trung can.
- 1227. Tấc lòng cả quyết khôn cầm.
- 1964. Tấc lòng e chửa xứng ngôi đông sàng.
- 2574. Bước chân xa cách, tấc lòng quặn đau.
- 2650. Tấc lòng công chính, mấy phen nhọc nhằn.
1.2. Thuật Hứng (bài 5), thơ nôm của Nguyễn Trãi, có câu:
- Bui một tấc lòng ưu ái cũ / Ðêm ngày cuồn cuộn nước triều đông. (“Bui” nghĩa là chỉ có; như chữ “duy”.)
1.3. Truyện Kiều của Nguyễn Du có hai câu này:
- 451. Tóc tơ căn vặn tấc lòng.
- 2245. Tấc lòng cố quốc tha hương.
Thay vì nói “tấc lòng vàng”, Nguyễn Du rút gọn:
- 772. Dẫu mòn bia đá dám sai tấc vàng.
Cũng thế, thay vì nói “tấc lòng thành”, Nguyễn Du rút gọn:
- 343. Khuôn thiêng dầu phụ tấc thành.
- 374. Cần dâng một lễ xa đem tấc thành.
1.4. Nhưng trong 2082 câu Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu không hề dùng “tấc lòng” hay từ đồng nghĩa là “tấc dạ” mà ca dao từng dùng:
Bước xuống ruộng sâu, sầu đầy tấc dạ
Tay ôm bó mạ, nước mắt hai hàng
Ai làm trễ chuyến đò ngang
Cho sông cạn nước, đôi đàng biệt ly?
1.5. Nhị Độ Mai chỉ dùng “tấc dạ” một lần duy nhất:
- 1115-1116. Trông theo tấc dạ thêm càng / Tả lòng lại ngụ luật Đường bốn câu.
2. “Tấc lòng” hay “tấc dạ” là cách người Việt mượn hai chữ “thốn tâm” 寸心.
Năm 767 Đỗ Phủ viết bài Ngẫu Đề 偶題 (ngẫu hứng làm thơ), dài bốn mươi bốn câu ngũ ngôn, mở đầu như sau:
Văn chương thiên cổ sự / Đắc thất thốn tâm tri.
文章千古事 / 得失寸心知.
Ngàn xưa cái chuyện văn chương / Nên hư riêng chỉ tấc lòng biết thôi. (HK dịch)
2.1. Nói “thốn tâm” (tấc lòng, tấc dạ), thì “thốn” là gì?
“Thốn” là một đơn vị đo chiều dài (unit of linear measurement) của người Hoa ngày xưa. Diễn tả lòng dạ đau thương cùng cực (cõi lòng tan nát), người Hoa nói “can tràng thốn đoạn” 肝腸寸斷 (ruột gan đứt ra từng khúc chừng một “tấc”).
Một “thốn” (tấc) dài bao nhiêu? Độ dài của nó căn cứ theo các ngón tay như sau (xem minh họa):
Cơ thể con người to nhỏ khác nhau, bàn tay nam nữ lớn bé khác nhau; thế nên, cách đo này không hoàn toàn chính xác, xê xích chút ít. Tuy nhiên, một “thốn” thường được người Hoa cho là khoảng chừng 3,3cm; thế rồi tiếng Anh dịch “thốn” là “inch” (tương đương 2,54cm) thì từ “thốn” sang “inch” lại chênh nhau gần 1cm chứ ít đâu. Chả trách tiếng Latin có câu: “Traduttore, traditore” (Dịch là phản).
Thoạt nghe nói “thốn” là “tấc”, phần đông người Việt dễ liên tưởng tới “tấc tây”. Không đúng đâu; một tấc tây (1dm) bằng 10cm, tức là 0,1 mét. Gọi theo người Hoa thì “tấc tây” là “công thốn” 公寸; chữ “công” có nghĩa như “công ước” 公約 (international agreement: thỏa thuận chung của quốc tế).
2.2. Với ý nghĩa nói trên, “thốn” (tấc) là cái cụ thể, cái hữu hình; tại sao lại gắn nó với “tâm” (lòng dạ) là cái trừu tượng, cái vô hình?
Thật ra, khi nói “thốn tâm” (tấc lòng, tấc dạ), cả người Hoa và người Việt đều không nghĩ tới cái độ dài “thốn” (tấc). Ở đây, “thốn” (tấc) không phải là danh từ chỉ đơn vị đo chiều dài nữa. Ở đây, “thốn” (tấc) dùng như tính từ (hình dung từ) với ý nghĩa là “chút ít; nhỏ nhít; ít ỏi” (small; tiny).
Vì thế, người Việt nói “chút lòng thành” với ý khiêm tốn (chút ít) thì nào khác chi hai chữ “tấc thành” hàm ngụ ý nghĩa “ít ỏi, nhỏ nhít” của chữ “thốn” (tấc).
2.3. Ngoài ra, “thốn” (tấc) còn có nghĩa bóng là rất ngắn ngủi (vắn vỏi) nên tiếng Pháp dịch “thốn” là “très court”.
Với nghĩa ngắn ngủi, người Hoa nói “thốn bộ nan hành” 寸步難行 (bước ngắn khó đi xa).
Từ cái nghĩa ngắn ngủi, “thốn” (tấc) được kết hợp với thời gian. “Quang âm” là ánh sáng (quang 光) và bóng tối (âm 陰); nghĩa bóng là thời gian. Đàn bà đang xuân đều sợ thời gian dần trôi, sắc đẹp theo đó phôi pha. Chinh Phụ Ngâm có câu:
- 345-346. Nghĩ nhan sắc đương chừng hoa nở / Tiếc quang âm lần lữa gieo qua.
Nguyễn Khuyến làm bài thơ thất ngôn bát cú nhan đề Xuân Nhật Thị Gia Nhi 春日示家兒 (Ngày Xuân Dạy Trẻ Trong Nhà). Hai câu kết (7-8) là:
Đối thử quang âm hà dĩ úy / Chư nhi do tự tửu ca hàm?
對此光陰何以慰? / 諸兒猶自酒歌酣.
(Đối với thời gian lấy chi an ủi / Các con sao cứ ca hát say sưa?)
Kết hợp “thốn” (tấc) với “quang âm”, người Hoa nói “thốn âm” và người Việt nói “tấc bóng”. Chẳng hạn:
- thốn âm khả tích 寸陰可惜 (tấc bóng đáng tiếc).
Hai chữ “tấc bóng” rất thi vị, diễn tả khoảng thời gian ngắn ngủi của kiếp người, nó trôi qua mau chóng mà chẳng làm sao chuộc lại (bù đắp lại) thời gian đã mất.
Trong hai câu thơ chữ Nho dẫn trên, Nguyễn Khuyến không nói “thốn âm” mà lúc tự dịch sang thơ nôm, Tam Nguyên Yên Đổ lại dùng “tấc bóng” như sau:
- Lẩn thẩn lấy chi đền tấc bóng / Sao con đàn hát vẫn say sưa?
Câu thơ “Lẩn thẩn lấy chi đền tấc bóng” quả là tuyệt cú.
3. “Thốn tâm” còn kết hợp với số ba để thành “tam thốn tâm” 三寸心 (lòng ba tấc). Nhưng đừng nghĩ rằng “tam thốn tâm” là lòng dạ có kích cỡ 3x3,3cm hay 3 inches.
3.1. Số ba là hư số (phiếm định), không có nghĩa là tổng số của một cộng hai (1+2). Trong lời ăn tiếng nói, người Việt dùng số ba diễn tả số lượng không đáng kể. Chẳng hạn:
- Ăn ba hột cho đỡ đói. (Ăn cơm qua loa, sơ sài.)
- Lai rai ba sợi giải sầu. (Nhậu sương sương.)
- Nói láp dáp ba hồi rồi ngủ khì. (Nói một lúc, không lâu.)
Từ nghĩa ít ỏi về số lượng như trên lại chuyển sang nghĩa nhỏ nhít, không đáng kể, hàm ý coi thường. Chẳng hạn:
- Mới ba tuổi ranh mà bày đặt gái gú!
- Sá gì ba cái chuyện lẻ tẻ đó mà bận lòng mệt trí!
3.2. “Tam thốn” (ba tấc) được dùng theo nghĩa coi thường như nói trên. Chẳng hạn:
- Chớ hòng uốn ba tấc lưỡi mà chiêu dụ kẻ này quy hàng!
“Ba tấc lưỡi” tức là “tam thốn thiệt” 三寸舌 (three-inch tongue).
- “Tam thốn khí” (ba tấc hơi thở) diễn tả sinh mạng con người vắn vỏi, nay còn mai mất. Người xưa có câu:
Tam thốn khí tại thiên ban dụng; nhứt đán vô thường vạn sự hưu.
三寸氣在千般用; 一旦無常萬事休.
(Ba tấc hơi còn thì làm được ngàn thứ [đủ thứ]; một mai chết đi thì muôn việc [mọi việc] đều ngưng.)
- Do đó, “tam thốn tâm” diễn tả lòng dạ con người tuy nhỏ hẹp, bé tẹo, thế mà thói thường lại hay man trá, gian xảo, nham hiểm khôn lường. Bởi vậy, ca dao có câu: “Dò sông dò biển dễ dò / Mấy ai lấy thước mà đo lòng người.” Hoặc: “Nào ai lấy thước mà đo lòng người.”
Bài vọng cổ “Đời” (danh ca Út Trà Ôn hát) có lẽ đã cải biên ca dao một chút: “Dò sông dò biển dễ dò / Đố ai bẻ thước mà đo lòng người”. Cải biên như vậy thì nghe thấm thía hơn ca dao ở hai chữ “bẻ thước”.
Trên mạng gần đây phổ biến một thánh giáo tiếp nhận tại Thiên Lý Bửu Tòa (California, Mỹ) ngày 28.7.1982; hôm ấy Đức Cao Đài Thượng Đế dạy một môn sanh như sau:
Ng. Ch. Th. suy thầm cho rõ
Đáy biển sâu cũng có người đo
Đáy lòng ba tấc khó dò
Chim khôn tránh đặng bẫy dò mới khôn.
“Đáy lòng ba tấc” chính là “tam thốn tâm” (three-inch heart) đấy thôi.
HUỆ KHẢI
Bình luận