Đức Phanxicô chỉ mất 27 giờ để khắc sâu dấu ấn chẳng thể xóa nhòa trong tâm trí người Ai Cập, mang lại thông điệp mạnh mẽ về khía cạnh nhân văn, tạo đà thúc đẩy đối thoại liên tôn giữa Kitô giáo với Chính Thống giáo và Hồi giáo.
Giới lãnh đạo Kitô giáo ở Trung Đông đánh giá rất cao chuyến tông du Ai Cập của Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào ngày 28-29.4, gọi chuyến thăm này là một thành công lớn trong bối cảnh chủ nghĩa khủng bố đang đe dọa khu vực.
![]() |
Ảnh trong bài của REUTERS |
Thông điệp của tình yêu thương và hy vọng
“Đức Giáo Hoàng đã đến và mang lại phúc lành to lớn cho người Ai Cập, cả người theo đạo Hồi lẫn giới Kitô hữu. Chuyến tông du chẳng khác nào liều thuốc bổ nâng cao tinh thần cho người bản xứ, nhất là sau các vụ tấn công khủng bố vào ngày Lễ Lá”, theo trang tin Catholic News Servicedẫn lời cha Rafic Greiche, phát ngôn viên Hội đồng Giám mục Ai Cập. Cha cho biết: “Ngài đã mang đến thông điệp của tình yêu thương, hòa bình và hy vọng”. Cha Greiche đã đề cập vụ tấn công khủng bố kép vào ngày 9.4 tại hai nhà thờ Chính Thống giáo Copt ở thủ đô Cairo, Ai Cập, khiến ít nhất 45 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương, làm rung chuyển đến tận cốt lõi của cộng đồng Kitô giáo lớn nhất Trung Đông.
...Cha Samir, phát ngôn viên HĐGM Ai Cập, dự đoán: “Về tổng quan, mối quan hệ liên tôn giữa hai Giáo hội đã chứng kiến những bước đi vô cùng tích cực và sẽ còn tiến xa hơn nữa trên con đường hòa hợp”... |
“Chuyến thăm Ai Cập của giáo hoàng là điều hết sức tuyệt vời, vô cùng tích cực”, theo linh mục Dòng Tên Samir Khalil Samir, nhà thần học về Công giáo Ai Cập và học giả về Hồi giáo nổi tiếng. Thậm chí còn quan trọng hơn nữa, đây là động thái mang đến bước cải cách lịch sử trong quan hệ liên tôn giữa Công giáo vào Giáo hội Chính Thống giáo Ai Cập. Đức Phanxicô và Đức Thượng phụ Tawadros II, Giáo chủ Chính Thống Ai Cập đã ký vào tuyên bố nhấn mạnh đến bí tích Rửa tội chung và quyết tâm dấn thân đại kết của hai Giáo hội, theo Đài RadioVatican. “Đó là một bước đi quan trọng”, theo cha Samir. Cha giải thích, tại Ai Cập thường có những cuộc hôn nhân giữa tín hữu Công giáo với tín hữu Chính Thống giáo, và yêu cầu của phía Chính thống giáo là phải tiến hành lễ rửa tội một lần nữa cho các tín đồ Công giáo, dù họ đã rửa tội trước đó. Giờ đây, cả hai Giáo hội đã bắt tay xóa bỏ tục lệ gây bất bình này.
![]() |
Cha Samir dự đoán: “Về tổng quan, mối quan hệ liên tôn giữa hai Giáo hội đã chứng kiến những bước đi vô cùng tích cực và sẽ còn tiến xa hơn nữa trên con đường hòa hợp”. Thậm chí, cha còn cho rằng hai bên có thể đạt được thỏa thuận về ngày Giáng Sinh và Phục Sinh chung trong tương lai. Vị học giả về thần học này cũng cho biết Đức Thánh Cha và Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah el-Sissi đã nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau, và điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với một quốc gia có cộng đồng Kitô giáo thuộc dạng lâu đời nhất ở Trung Đông, có thể lần ngược về thời của Thánh tông đồ Maccô. Khi gặp nhà lãnh đạo el-Sisi, Đức Thánh Cha tuyên bố: “Lịch sử không tha thứ cho những ai rao giảng công lý mà lại hành động bất công”.
Linh mục Samir nhận định: “Với việc hội kiến (ông el-Sissi) và xây dựng quan hệ bình thường, tích cực, Đức Giáo Hoàng đang ủng hộ người duy nhất có thể giúp các Kitô hữu tại quốc gia của Kim tự tháp. Là một tín hữu Hồi giáo vô cùng ngoan đạo, ông el-Sissi cũng là người nỗ lực bảo vệ người Kitô giáo trước nguy cơ bức hại từ Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), phía nhận trách nhiệm trong vụ tấn công kép vào ngày Lễ Lá”.
![]() |
ĐTC cử hành thánh lễ tại Cairô Ai Cập |
Cải thiện quan hệ với al-Azhar
Đức Thánh Cha đã ủng hộ những nỗ lực của Ai Cập trong việc đẩy lùi và xóa sổ các thế lực Hồi giáo cực đoan vũ trang, nhấn mạnh rằng nước này đóng vai trò đặc biệt trong sứ mệnh xây dựng hòa bình cho khu vực cũng như “chế ngự mọi hành động bạo lực và chủ nghĩa khủng bố”. Và lời kêu gọi của ngài đã tác động đến Đại giáo chủ Ahmad el-Tayeb của Đại học al-Azhar ở Cairo. Ông là người tổ chức Hội nghị Hòa bình Quốc tế có sự tham gia của Đức Thánh Cha, Đức Thượng phụ Tawadros II, và Đức Thượng phụ Bartholomew, nhà lãnh đạo tinh thần của Giáo hội Chính Thống giáo Phương Đông. Dù “IS sẽ không nghe bất kỳ lời nào của Đức Giáo Hoàng”, nhưng Đức Phanxicô đã củng cố quan hệ giữa Vatican với al-Azhar trên nền tảng vững chắc hơn, theo phân tích của cha Samir. Có quyền tối cao trong giới Hồi giáo Sunni, Đại giáo chủ el-Tayeb đã đào tạo nhiều đời giáo sĩ và học giả Hồi giáo từ khắp nơi trên thế giới, và có khả năng thay đổi vòng xoáy hủy diệt lâu nay.
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng gặp gỡ các chủng sinh, tu sĩ và các chức sắc tôn giáo trước khi kết thúc chuyến thăm đáng nhớ tại Cairo, và một lần nữa ngài đã gây ấn tượng sâu sắc đối với họ. Cha Shenouda Andraos, Hiệu trưởng trường dòng Thánh Leo Vĩ đại của Công giáo Ai Cập chia sẻ: “Đức Thánh Cha Phanxicô đặc biệt khuyến khích chúng ta sống một cuộc đời hiến dâng hoàn toàn cho Chúa Giêsu, nguồn hy vọng của nhân loại mọi thời đại, và thấm nhuần đời sống tốt đẹp cho những người mà chúng tôi đang đồng hành: người tàn tật, người nghèo và bất hạnh”.
Đức Giáo Hoàng từ chối xe bọc thép Bất chấp nguy cơ chực chờ và khả năng lọt vào tầm ngắm của bọn khủng bố, Đức Giáo Hoàng cương quyết cự tuyệt đề nghị di chuyển trên đường phố Cairo trong xe bọc thép, theo thông báo từ Vatican. TờThe Telegraphdẫn lời phát ngôn viên Tòa Thánh Greg Burke cho biết: “Đức Thánh Cha ngồi trong xe có mui chứ không phải loại gia cố bằng thép”. Trong quá khứ, Đức Phanxicô từng mô tả đi trong các xe bọc thép chẳng khác nào “cá mòi hộp”, và nhấn mạnh không bao giờ muốn sử dụng bất cứ loại xe nào tương tự vì chúng gây trở ngại khiến ngài không tiếp xúc được với người dân. Và ngài cũng giữ vững ý kiến này, bất chấp chuyến tông du được thực hiện trong bối cảnh cộng đồng Kitô giáo tại Ai Cập đang trong tình trạng bất an và sợ hãi sau các cuộc tấn công liên tiếp. |
GIANG VÔ YÊN
Bình luận