Đây là chuyện tôi nghe:
Một đệ tử luôn khổ sở vì lúc nào cũng thấy tâm mình xáo trộn, không một chút tĩnh lặng. Ngày kia, đến gặp đạo sư, anh thổ lộ nỗi lòng:
– Thưa thầy, con thấy dường như tâm hồn mọi người đều dễ dàng xáo động; rất hiếm người nào có được cái tâm thanh tĩnh. Vậy, làm sao con có được tâm tĩnh lặng?
Đạo sư mỉm cười, từ ái nhìn học trò rồi nói:
– Người xưa đã nhận ra chướng ngại đó trong tâm chúng ta, nên bảo rằng tâm viên ý mã. Con khỉ hay con vượn tánh tình hiếu động, luôn luôn nhảy nhót chuyền leo, nghịch ngợm. Tâm chúng ta cũng lăng xăng hệt như thế. Con ngựa thì quen rong ruổi đường dài không biết mệt. Lại có câu ngựa quen đường cũ. Cái ý chúng ta cũng hay rong chơi đường dài không mệt mỏi, và nó hay nhớ chuyện cũ, cứ bắt ta bận lòng về những thước phim quá khứ. Vậy, làm sao giữ cái tâm cái ý của mình an tĩnh? Làm sao nhốt con vượn tâm và cột chân con ngựa ý? Để thầy kể con nghe chuyện này:
Con voi nọ đang đứng im một chỗ, thong thả lấy vòi bứt lá cây cho vào miệng nhai. Con ruồi nhỏ từ đâu bay sà tới, rồi cứ quanh quẩn trên đầu voi, vo ve suốt bên tai voi. Voi bèn phe phẩy hai tai to như đôi cánh quạt để đuổi ruồi đi. Nhưng hễ voi thôi quạt tai thì ruồi lại xáp tới. Cứ lặp đi lặp lại như thế nhiều lần. Voi ngừng nhai, hỏi ruồi:
– Sao chú mày cứ phải rộn ràng như thế? Không thể ở yên được một phút à?
– Không! Hễ tớ thấy cái gì, nghe tiếng gì, ngửi mùi gì là liền bị cuốn hút vào đó. Năm giác quan của tớ và mọi thứ xảy ra quanh tớ lúc nào cũng kéo lôi tớ đi mọi hướng, và tớ chẳng thể nào cưỡng lại. Cậu có bí quyết gì vậy? Làm sao cậu lúc nào trông cũng an nhiên, tự tại đến thế?
– Cậu nghe cho rõ này! Năm giác quan của ta chẳng hề làm chủ sự chú ý của ta. Chính ta kiểm soát sự chú ý của ta, và ta muốn hướng sự chú ý vào đâu thì nó phải vào đó. Vì thế, hễ ta làm cái gì thì ta tập trung trọn vào đó, cho nên tâm ta tĩnh lặng và ta tự tại. Như khi ăn, ta không hề vừa ăn vừa vơ vẩn nghĩ tới chuyện nào khác; vì vậy, ta hoàn toàn thưởng thức được từng vị chua, ngọt, chát, béo của từng ngọn lá ta đang nhai kỹ. Chất bổ món ăn thấm vào từng tế bào lưỡi, răng, nướu… và ta cảm nhận thật rõ điều đó trong cơ thể ta.
Đệ tử hoan hỷ nói:
– Thưa thầy, con hiểu rồi. Tâm con sẽ luôn xáo trộn nếu cứ để cho năm giác quan của con và ngoại cảnh diễn biến quanh con làm chủ tâm con, điều khiển tâm con. Ngược lại, nếu con làm chủ được năm giác quan, con không để ngoại cảnh chi phối sự tập trung chú ý của con, thì con giữ được tâm tĩnh lặng.
Đạo sư gật đầu:
– Phải đó con. Con chú ý vào đâu thì tâm con chạy theo đó. Kiểm soát sự chú ý của con thì sẽ kiểm soát được tâm con. Như lúc tọa thiền, con chú ý vào hơi thở. Hơi thở chầm chậm vào ra cơ thể như thế nào, con “nhìn thấy” được từng đường đi nước bước của nó, chú ý hết vào nó, thì tâm con sẽ không còn nhảy nhót lung tung như khỉ vượn, không còn rong ruổi như tuấn mã nữa. Phép an tâm là thế. Nhưng nói quá dễ, tập luyện trầy trật lắm con ơi!
Nhiêu Lộc, 21-01-2014
Dũ Lan LÊ ANH DŨNG
Bình luận