CHÚA NHẬT LỄ LÁ - NĂM B
Bài đọc 1: Is 50,4-7; Bài đọc 2: Pl 2,6-11; Tin Mừng: Mc 14,1 - 15,47
Trong ngôn ngữ thông thường, người ta vẫn nói: tin là theo Chúa, là theo Đạo. Chữ “theo” ở đây diễn tả một hành trình dài, một hướng đi cho cả cuộc đời. Con đường theo Chúa bao gồm vui mừng và đau khổ đan xen. Giữa những đau khổ gian nan, người theo Chúa luôn phải vững vàng. Trong Phụng vụ khai mạc Tuần Thánh, cùng với anh chị em tín hữu, tôi được mời gọi lắng đọng tâm hồn để nhìn lại con đường theo Chúa của tôi như thế nào.
Trong hành trình theo Chúa, nhiều khi tôi hiểu sai sứ mạng của Người. Người dân thành Giêrusalem vui mừng khi Chúa tiến vào thành thánh. Họ nghĩ Chúa Giêsu chính là vua Đavít ngày xưa đã tái xuất hiện. Họ tung hô vui mừng, cành lá phất phới trong tay, vì nghĩ dân tộc mình sắp được giải phóng khỏi ách đô hộ của người La Mã. Chính vì thế, dân thành ùa ra đường, hòa mình vào đám rước và thể hiện niềm vui hết mình. Họ nhìn Đức Giêsu thuần túy với cái nhìn chính trị. Cái nhìn lệch lạc này đôi khi cũng là cái nhìn của tôi. Nhiều lúc tôi chỉ coi Chúa như một nhân vật lịch sử xa xưa, hoặc như một nhà cách mạng giải phóng dân nghèo. Chính vì vậy, tôi không được gặp Chúa trong đời sống nội tâm, không được nghe tiếng Chúa nơi sâu thẳm của tâm hồn và không thực hiện giáo huấn của Chúa trong cuộc sống cụ thể. Đôi khi tôi cũng giống như những người dân thành Giêrusalem tung hô: “Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến!”, nhưng lòng tôi trống rỗng khô khan. Lời tung hô ấy chỉ giống như những khẩu hiệu chiếu lệ vô hồn. Ngước nhìn thập giá, tôi thấy Chúa khẳng định với tôi: Ngài là Thiên Chúa tối cao. Giống như viên đại đội trưởng nọ, tôi tuyên xưng: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39).
Trong hành trình theo Chúa, nhiều khi tôi chán nản. Theo Chúa là con đường dài thăm thẳm, không giống như một nghề nghiệp hoặc một chức danh ngoài đời. Trên con đường dài thăm thẳm này, nhiều lúc tôi nản lòng, nhất là những lúc đối diện với những khó khăn nghiệt ngã. Biết bao lần tôi đã hỏi: “Lạy Chúa, Chúa ở đâu trong những lúc con gặp gian nan khốn khó?”. Biết bao lần Đức tin của tôi xao xuyến băn khoăn, và tôi đã bị cám dỗ để tin vào những thần linh khác không phải Chúa. Tôi cũng luôn bị cám dỗ rằng Chúa không hiện hữu, để tha hồ tự do mà làm những gì mình thích. Nản lòng trước thử thách và muốn bỏ cuộc, đó cũng là cơn cám dỗ mà Chúa Giêsu đã trải qua. Người đã cầu nguyện trong vườn Cây Dầu: “Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà hãy làm điều Cha muốn” (Mc 14,36). Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu vừa diễn tả nỗi lo sợ của Người trước thập giá, vừa nói lên lòng hiếu thảo và sẵn sàng tuân phục ý Chúa Cha. Lời cầu nguyện này cũng giúp tôi có thêm nghị lực, để tiếp bước theo Chúa, mặc dù còn nhiều chướng ngại gian nan trong cuộc đời.
Trong hành trình theo Chúa, nhiều khi tôi phản bội. Những người Do Thái tung hô Chúa khi Người vào thành thánh Giêrusalem, ngay sau đó đã thay lòng đổi dạ. Những cánh tay giơ lên để tung hô ca ngợi Chúa, rồi cũng chính những cánh tay ấy lại giơ lên “biểu quyết” lên án tử cho Người. Trước câu hỏi của Philatô, những người Do Thái đã nhiều lần hô to: “Đóng đinh nó vào thập giá”. Họ đã đồng thuận việc thả Baraba để giết Chúa Giêsu. Người Do Thái đã căm ghét Chúa Giêsu hơn một kẻ phiến loạn. Nhận mình là Kitô hữu, nhiều khi tôi đã sống ngược lại với danh nghĩa cao quý này. Lối sống và cách ứng xử của tôi đã làm cho nhiều người hiểu sai lý tưởng Kitô giáo, để rồi hình ảnh Giáo hội của Chúa Kitô trở nên biến dạng nơi cuộc đời của tôi. Nhiều khi tôi giống như Phêrô, lo sợ trước câu hỏi của một cô nữ tỳ, đã chối phăng Thầy mình. Hoặc là, tôi giống như các môn đệ, sợ hãi chạy trốn khi Thầy mình bị bắt, hay tôi mê ngủ khi Chúa bước vào cuộc khổ nạn đau thương. Những ngày Tuần Thánh này mời gọi tôi hãy “trở về” để củng cố lòng trung thành với Chúa, kiên định và gắn bó với Người, kể cả những lúc tăm tối gian nan.
Lễ nghi của Tam nhật Vượt Qua không phải là một vở kịch được diễn lại mỗi năm, nhưng là một nghi thức tưởng niệm cái chết của Chúa, để mỗi người ý thức tình yêu thương của Người dành cho chúng ta qua cái chết này. Đó là cái chết mang ơn cứu độ cho con người. Cuộc đời của Chúa Giêsu không dừng lại ở nấm mộ, nhưng Chúa đã Phục Sinh sau khi trải qua sự chết. Phụng vụ của Giáo hội trong những ngày này nhắc nhớ tôi hãy lặng thinh suy niệm, và chân thành nhìn lại mối tương quan giữa bản thân mình với Đấng chịu đóng đinh, qua đó, tôi thực sự là môn đệ của Đức Giêsu, trung thành tiếp bước theo Người.
Tổng Giám mục Giuse VŨ VĂN THIÊN
Bình luận