Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) tại Sharm el-Sheikh (Ai Cập) đã kết thúc, và một trong những vấn đề nóng bỏng đã được thảo luận là nhóm nước giàu cần cấp bách thực hiện cam kết hỗ trợ tài chính đối với các nước nghèo.
Bão gây thiệt hại nặng nề tại Cuba - một thành viên của AOSIS - trong năm 2022 - ảnh: AP |
Gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tập trung tại thị trấn nghỉ dưỡng Sharm el-Sheikh trên bờ Hồng Hải. Hơn 120 nguyên thủ và 40.000 đại biểu tham dự hội nghị. Kể từ hội nghị đầu tiên vào năm 1995, tài chính khí hậu tiếp tục đóng vai trò then chốt trong nghị trình COP27 năm nay. Hội nghị chống biến đổi khí hậu được tổ chức theo sau một số sự kiện thời tiết cực đoan trên toàn thế giới, từ lũ lụt, siêu bão đến hạn hán và sóng nhiệt kéo dài.
Phát biểu trước các phái đoàn tham dự COP27, ông Alok Sharma, Chủ tịch COP26 của Anh, nhắc nhở: “Chúng ta hiện vẫn chưa bước trên con đường cho phép thực thi mục tiêu vào năm 2100 có thể giới hạn mức tăng nhiệt độ ở ngưỡng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp”. Ngưỡng 1,5 độ C là mục tiêu của thỏa thuận Paris năm 2015. “Tôi sẽ làm mọi điều có thể để hỗ trợ bằng hữu Ai Cập, và nước Anh có mặt tại đây để đạt được những mục tiêu đầy tham vọng, bao gồm các vấn đề liên quan đến giảm thiểu tác động, tăng cường thích ứng và ngăn chặn nguy cơ tổn thất và thiệt hại”, Đài CNBC dẫn lời ông Sharma vào thời điểm chuyển giao ghế chủ tịch COP cho ông Sameh Shoukry của nước chủ nhà Ai Cập.
Thiên tai gây thương vong và thiệt hại nghiêm trọng tại nhiều nơi trên thế giới trong năm qua - ảnh: Reuters |
Tổn thất và thiệt hại vào nghị trình
Các nước thuộc Nam Bán cầu (Mỹ Latinh, châu Á, châu Phi, Châu Đại Dương) đặt mục tiêu thúc đẩy việc thực thi cam kết vận động được 100 tỷ USD/năm từ các nước giàu. Đây là cam kết được đưa ra từ năm 2009 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Theo đó, các nước giàu cần hỗ trợ các nước thu nhập thấp giảm thiểu tác động và tăng cường thích ứng trước biến đổi khí hậu. “Cam kết 100 tỷ USD/năm vẫn chưa được triển khai. Bên cạnh đó, nguồn tài chính hiện tập trung vào nỗ lực ngăn chặn khí phát thải chứ không phải giải quyết vấn đề thích ứng, và đa số đều dựa vào các khoản vay”, tân chủ tịch COP Shoukry lên tiếng.
Vốn đã ngập trong nợ nần, những quốc gia thu nhập thấp liên tiếp kêu gọi nhóm nước giàu hãy thực thi cam kết hỗ trợ chứ không phải buộc họ một lần nữa đi vay để giải quyết những tác động đến từ biến đổi khí hậu. “Tôi cho rằng quý vị đều nhất trí khi tôi nói rằng chúng ta chẳng còn sự xa xỉ để tiếp tục theo cách làm cũ. Chúng ta buộc phải thay đổi cách tiếp cận trước mối đe dọa hiện hữu trước mắt”, ông Shoukry bổ sung.
Năm nay, việc thực thi cam kết tài chính khí hậu càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Nhóm nước giàu đối mặt áp lực chưa từng có trong việc phải bồi thường cho những nước trở thành nạn nhân của tình trạng biến đổi khí hậu. Năm 2022, nhân loại nhận ra một điều: sống an toàn là điều trở nên khó khăn hơn trên một hành tinh đang nóng dần lên. Lần đầu tiên, chủ đề tổn thất và thiệt hại chính thức được đưa vào nghị trình của COP27, đánh dấu quãng đường dài 30 năm đầy khó khăn kể từ khi vấn đề bồi thường cho nước nghèo được đề cập tại một hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu.
“Không phải chúng tôi muốn có mặt ở đây để đưa ra các yêu sách về ứng phó tổn thất và thiệt hại. Chúng tôi không muốn bị đối xử theo kiểu các ông đang ban ân huệ”, một người phát ngôn của Liên minh các đảo quốc nhỏ (AOSIS). Đây là liên minh 39 đảo quốc nhỏ và đang phát triển và vùng duyên hải Caribe cũng như Nam Thái Bình Dương. “AOSIS tham dự COP27 để nhất trí với việc thiết lập Quỹ Ứng phó Tổn thất và Thiệt hại, dự kiến triển khai năm 2024. Chúng tôi có mặt ở đây, để có thể quay về quê hương, chứ không phải trở thành những di dân mất nhà cửa vì biến đổi khí hậu và buộc phải tha hương nơi xứ người”, theo người phát ngôn.
Việc bồi thường và hỗ trợ cho các nước nghèo được thảo luận tại Hội nghị COP27 ở Ai Cập |
LHQ đối mặt 3 tuyến hành động cấp bách
Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (LHQ) cuối tháng trước cảnh báo hiện vẫn chưa có nghị trình đáng tin cậy được đưa vào thi hành để tiến tới thực thi được mục tiêu 1,5 độ C. Một báo cáo khác của LHQ cũng cho biết thế giới còn xa mới chạm đến các mục tiêu cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Theo tính toán hiện tại, nhiệt độ toàn cầu năm 2100 sẽ tăng đến 2,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Trong khi đó, báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) liệt kê 3 loại khí thải trong không khí đang tăng đến mức kỷ lục, lần lượt là khí carbonic (CO2), mêtan (CH4) và khí gây cười (N2O). Đây là bộ tam chịu trách nhiệm cho tình trạng ấm lên toàn cầu như hiện nay.
Thư ký điều hành Biến đổi Khí hậu LHQ Simon Stiell thúc giục các nước tập trung vào 3 tuyến hành động: thứ nhất, thế giới cần đưa ra các hành động thực tế, mỗi hoạt động của con người đều phải liên kết với thỏa thuận Paris; thứ hai, con người cần củng cố tiến triển trong những lĩnh vực then chốt, từ giảm thiểu tác động, tăng cường thích ứng đến ngăn chặn nguy cơ tổn thất và thiệt hại; cuối cùng, tất cả các bên liên quan cần triển khai một cách minh bạch và chứng tỏ sự tin cậy trong toàn bộ những quá trình thực thi.
Tổ chức Oxfam công bố báo cáo cho thấy các khoản đầu tư của 125 tỷ phú sản sinh tổng cộng 393 triệu tấn khí CO2mỗi năm. Con số này tương đương lượng khí phát thải của toàn nước Anh, và trung bình khí phát thải hằng năm của mỗi tỷ phú cao gấp 1 triệu lần hơn so với “những người không giàu”, chiếm 90% dân số của thế giới. |
ĐỊNH NGUYỄN
Bình luận