“Công cụ” mà chúng tôi muốn nói ở đây là một ứng dụng tìm kiếm trên mạng internet, lâu nay đã trở nên thân quen, phổ biến với nhiều người: Google.
Từ chỗ mới mẻ, Google đã thiết thân trong đời sống ở mọi nơi. Với không ít người, nhất là giới trẻ, Google và các sản phẩm như Gmail, Google Maps… đã thân thiết hơn cả bạn thân ngoài đời thực. “Cái gì không biết cứ hỏi Google” là câu khẳng định chắc nịch của một giáo viên trẻ ở TPHCM mà người viết từng nghe. Chàng thanh niên mới đi dạy này tương tác rất nhiều với công cụ tìm kiếm Google: từ việc tra cứu giá cả các mặt hàng cần thiết đến sách tham khảo. Khi cần đến một nơi lạ, thầy giáo trẻ lại cắm cúi gõ vào Google Maps và có lần thừa nhận: “Tuyệt thật. Cái gì nó cũng biết!”.
Việc hỏi người một ai đó khả tín hay tra cứu sách vở trên thực tế, dường như ngày càng ít lại, không chỉ với thầy giáo trẻ trên mà cũng dễ bắt gặp ở không ít thành phần thuộc các ngành nghề khác. Có những người buôn bán chuyên cập nhật giá cả thị trường hay thông tin về sản phẩm qua việc tương tác với Google.
Nhưng, cũng như mọi sự, Google cũng dẫn đến những hệ lụy, ngộ nhận, quá đà. Và thực ra, không phải cái gì nó cũng biết như có người nhận xét. Dù có dữ liệu “khổng lồ” nhưng ứng dụng này cũng có sự hữu hạn, có những cái nó không đáp ứng được. Với sản phẩm Google Maps càng rõ hơn: thế giới rộng lớn và biến động từng giây, có nhiều khu vực, sự mô tả của Google Maps không cập nhật, tựa vào đó để dấn bước lắm khi phiêu lưu. Vẫn nhớ chuyện tức cười khi chứng kiến một bạn trẻ từ miền Tây vốn ít đi Sài Gòn, lăm lăm điện thoại xuống xe ở một góc phố và thay vì hỏi đường ở chỗ mọi người đông đảo và sẵn lòng, cậu dán mắt vào sự hướng dẫn đường của công cụ trên điện thoại để… lạc đường, đi theo hướng ngược lại ở nơi chỉ có… hai hướng đi! Chuyện lỗi của Google Maps là dễ hiểu và thường xuyên xảy ra, có chuyện dở khóc dở cười.
Mới đây, người viết hỏi hai bạn trẻ trong hiệu cà phê quen và các bạn này cũng không lạ, về một phiên bản điện thoại thông minh. Hai bạn đang ngả nghiêng trên ghế sa lông và tay lướt điện thoại liên tục, nói trỏng: “Vào Google mà tra cứu!”. Hụt hẫng.
Dường như nhiều người quá lệ thuộc vào công nghệ, thay vì khai thác sử dụng như một công cụ. Mỗi khi mất điện, hỏng máy tính, điện thoại…, sự trống vắng vô cùng đáng kể xuất hiện ở tư gia, cơ quan, quán xá… Tương tác thân ái như trò chuyện thân mật, hỏi han, chia sẻ không phải không có, không còn nhưng đã khác ngày cũ khi chưa có mạng và các sản phẩm từ công nghệ. Bây giờ thay vì hỏi thăm đường, nhiều người cậy hết vào chiếc điện thoại đến phụ thuộc. Còn khi nghiên cứu, viết lách hay tìm hiểu học tập, thay cho đọc sách hoặc tham vấn, lại thích “làm việc” với Google trong khi khả năng của ứng dụng cũng chỉ hữu hạn. Văn hóa gặp gỡ dường như có sự chênh chao. Đời sống thường nhật có vẻ đã lạnh nhạt hơn nhiều bởi công nghệ.
Điều này, chính vị lãnh đạo Giáo hội toàn cầu - Đức Phanxicô cũng đã nhìn nhận và ngài từng nói trong cuộc tiếp kiến với các tham dự viên tại một hội nghị về sự sống: “Công nghệ không thể thay thế sự tiếp xúc của con người”. Đây cũng như một thông điệp nhắn gởi đến tất cả những ai quan tâm đến sự phát triển toàn diện, hướng tới việc kiến tạo một đời sống cân bằng, hài hòa…
THIÊN ÂN
Bình luận