Công đồng Vatican II là Công đồng mục vụ. Nên Công đồng có nhiệm vụ đọc lại, suy niệm, giải thích và áp dụng Phúc Âm, đáp ứng nhu cầu cấp bách thực tế của Giáo hội trong nền văn minh đương đại và trong từng nền văn hóa; giải đáp những vấn nạn cực kỳ khó khăn, như cuộc bùng nổ cách mạng khoa học kỹ thuật, con người dửng dưng với tôn giáo, chạy theo thế giới vật chất bỏ thánh thiêng, hướng về thế tục. Giáo hội cần trở về nguồn, canh tân đổi mới1. Sau đây, tôi xin chia sẻ ít điều, bao gồm: ba tập trung, ba trở ngại, và hai sách lược (giải pháp chiến lược).
![]() |
1. Ba tập trung
1.1. Tập trung vào Chúa Kitô và Phúc Âm của Người
Nhìn tổng thể về linh đạo Kitô giáo, hai ngàn năm, chúng ta thấy điểm nổi bật: “Tập trung vào Chúa Kitô và Phúc Âm của Người”2. Kể từ Công đồng Vatican II đến nay, linh đạo quy hướng về Chúa Kitô. Ngài là trung tâm, mẫu mực và căn nguyên tác thành cho sự thánh thiện của người Kitô hữu. Ðời sống thiêng liêng, thánh thiện của Dân Chúa luôn phải tập trung vào Chúa Kitô, sống tinh thần Phúc Âm. Công đồng lưu ý chúng ta phải chú ý Lời Chúa là dụng cụ tuyệt hảo trong bàn tay toàn năng của Thiên Chúa để đạt tới hiệp nhất, tiếp đến là việc cử hành các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể3. Và tùy theo mỗi thời đại, linh đạo có thể nhấn mạnh tới những phương thế linh đạo khác nhau. Ví dụ, đặc điểm linh đạo thời nay là linh đạo Hiệp nhất toàn thể Kitô hữu4, phương thức đào luyện Linh đạo “Ðức tin - Cá vị”. Như thế, mục đích tối hậu của đời sống Linh đạo Kitô giáo là: “Con Thiên Chúa đã đến trong thế gian để chúng ta có sự sống và có một cách dồi dào”5. Quả thật, “Cùng đích tối hậu của mọi sự là, trong Ðức Kitô tất cả mọi người được dựng nên nhờ tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa đều có thể tự do đến với Người và chia sẻ đời sống phong phú của Ba Ngôi cực thánh”6. Chính Ðức Kitô được hình thành trong chúng ta là mục đích chính yếu mạc khải của Thiên Chúa và là căn bản cho tất cả mọi tăng trưởng và phát triển.
1.2. Tập trung vào con người và môi trường
Con người được dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa7. Mang trong mình một mầm mống thần linh, mầm mống vĩnh cửu, không thể đồng hóa với vật chất8. Con người được dựng nên để sống hạnh phúc9, và được đặt trong môi trường vườn địa đàng hạnh phúc. Trong diễn văn bế mạc Công đồng, Ðức Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI quả quyết: “Phải biết con người nếu muốn biết Thiên Chúa”. Còn triết lý Á Ðông chúng ta: “Phải biết môi trường nếu muốn biết con người”. “Trời - đất - con người” là một thể thống nhất. Sau đó, lại được cứu chuộc bằng chính Con Thiên Chúa. Nên Ân Sủng là điều rất quan trọng trong việc hợp tác của con người. Con người là “cả xác cả hồn” vì thế “Linh đạo tập trung vào Chúa Kitô không thể tách rời tập trung vào con người và môi trường”. Như trong câu chuyện: “Cầu nguyện và mục vụ” của Ðức Giám mục Fulton J. Sheen, đại ý: “Có một vị lão thành đạo đức mời một người bạn cùng ra khơi với ông. Chiếc thuyền nhỏ được trang bị bằng hai mái chèo. Trên một mái chèo người ta được thấy hàng chữ “Cầu nguyện” và trên mái chèo kia viết “Làm việc”. Thấy thế, người bạn thắc mắc: “Tại sao lại phải vừa làm việc vừa cầu nguyện?”. Ông lão không trực tiếp trả lời, nhưng gác mái chèo cầu nguyện lên và dùng mái chèo còn lại để chèo. Mặc dù ông cố gắng xoay sở, thuyền tròng trành chao đảo mà không thể tiến lên được. Chờ cho người bạn chóng mặt say sóng và la ó, ông lão mới đưa mái chèo cầu nguyện xuống nước. Hai mái chèo nhịp nhàng rẽ sóng, chiếc thuyền quân bình lướt tới”. Con thuyền là mỗi người, mỗi gia đình, Hội Thánh và Dân tộc Việt Nam. Hai mái chèo “Cầu nguyện và Lao động”, “Tâm linh và Khoa học” phải được chèo đồng bộ, mới có thể tiến thẳng ra khơi vào thời đại mới của nền văn minh châu Á Thái Bình Dương, nền văn minh Biển, tràn đầy sóng gió nhưng cũng chứa chan hy vọng !
Vì thế, hiển nhiên là đời sống siêu nhiên được lãnh nhận nhờ Ðức Kitô, nhưng cũng như mọi cuộc sống, đời sống ấy cần lớn lên và phát triển nhờ nỗ lực và hợp tác của con người. Lý tưởng của nền linh đạo sau Công đồng là tiến đến một sự hòa điệu tuyệt diệu như hai tấm gương linh đạo Maria và mục vụ Matta, mà thánh Têrêsa Avila đã đề cập tới10. Ðiều kiện ắt có và đủ, bao gồm: “Cả Maria cả Matta”, “Cả tâm linh: Lắng nghe Lời Chúa; cả khoa học thực tiễn: Ðãi tiệc”. Ðúng như câu nói: “Có thực mới vực được đạo”.
1.3. Tập trung vào bản chất của Giáo hội là Loan báo Tin Mừng
Tin Mừng là Chúa Kitô, được loan báo cho con người và môi trường. Công đồng Vatican II diễn tả bằng con đường: “Linh đạo, mục vụ và truyền giáo”. Linh đạo là thực thi giới răn mến Chúa. Mục vụ là thực thi giới răn yêu người. Hệ quả của linh đạo, mục vụ, của mến Chúa yêu người dẫn tới “Loan báo Tin mừng”, là bản chất của mình, qua con đường: “Ðối thoại và Hòa giải”. Mẹ Maria là mẫu gương đầu tiên loan báo Tin Mừng của Giáo hội.
2. Ba trở ngại.
2.1. Bất định: Không ổn định, luôn thay đổi. Hậu quả là sống không có chân lý. Xem con người là chuẩn mực cho chân lý, quyết định mọi sự, kể cả những điều trái luân thường đạo lý. Ví như: Hôn nhân đồng tính, ly dị, phá thai và thai nghiệm. Và nhiều hình thức gian dối, lừa đảo cực kỳ trái tự nhiên, trái luật pháp, dựa vào dân chủ số đông, một cách có hệ thống! Nhớ lời cổ nhân dạy: “Thuận trời thì còn, nghịch trời thì vong”. Và như thế thì không thể tránh thoát luật nhân quả, công bằng !
2.2. Vô cảm: Không có tình cảm. Sống vô ơn, bạc nghĩa, ngay cả với người thân trong gia đình. Cứ theo lý, hợp lý và cứ có lý là được. Dù rõ ràng gian dối có hệ thống, nhưng không trưng được bằng chứng cụ thể, kể như bình thường, không cứu xét, dù còn lương tâm !
2.3. Vô tín: Không tin, nếu không có vật chứng, nhân chứng. Con người sống theo trực giác, niềm tin sẽ bị phê bình là mê tín, thiếu óc khoa học thực tiễn. Xu hướng dửng dưng với tâm linh, từ bỏ thánh thiêng mà ôm lấy thực tiễn. Lao mình vào vật chất, hưởng thụ, duy vật.
3. Hai sách lược (giải pháp chiến lược).
3.1. Môi trường
Môi trường là tổng hợp tất cả các yếu tố tự nhiên và nhân tạo, bao quanh con người, ảnh hưởng tới con người và tác động đến các sinh hoạt đời sống con người, như không khí, nước, sinh vật, xã hội với các thể chế…Theo Kinh Thánh thì môi trường chính là thế giới đã được Ngài tạo dựng, yêu thương và bảo trì, được Ðức Kitô giải thoát để tiến tới sự viên mãn11. Và con người nhận lãnh sứ mệnh chinh phục trái đất và cai quản trong công bình và thánh thiện12. Sách Giáo lý Công giáo dạy: “Ta nhìn xem trời đất, muôn vật trật tự lạ lùng liền biết có Thiên Chúa”. Khởi đi từ trật tự môi trường, tiến tới hệ thống con người, tất cả đều trật tự vô cùng.
3.2. Lòng Chúa thương xót
Công đồng Vatican II chủ trương mục vụ “Giàu lòng thương”. Tiếp theo, các Ðức Giáo Hoàng đều cố gắng thực hiện. Các thánh là những người nên giống Chúa Kitô, đều là những vị có lòng thương xót. Gần nhất là thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II; thánh Têrêsa Calcutta. Các thánh yêu thương cách nhưng không, vô vị lợi; yêu thương cho tới cùng, bất kể lúc nào và đối với bất cứ hạng người nào, dù là kẻ thù, kẻ âm mưu ám hại, kẻ ghen ghét, nói hành, bỏ vạ cáo gian mình… Mình chỉ biết luôn ước muốn và làm điều tốt nhất cho tha nhân! Tình yêu là chân lý, yêu cho tới cùng.
Kết luận
Khi trở về với Ðức Kitô và Phúc Âm; tập trung vào con người và môi trường; sống bản chất của mình là: “Loan báo Tin Mừng yêu thương”, thực thi “lòng thương xót”, con người được yêu sẽ đáp trả tình yêu. Ðó là quy luật. Ðây không phải như khẩu hiệu văn hóa, nhưng là một quyết sách chiến lược, rất tự nhiên mà cũng lại rất uyên thâm. Môi trường và lòng thương xót, là hai chìa khóa vàng, hóa giải, mở toang những cánh cửa: “bất định, vô cảm và vô tín” của nhà con người và cuộc sống thời nay, hầu đạt tới niềm tin, sự bình an và mưu cầu hạnh phúc thuở ban đầu.
Công đồng Vatican II, đối với người Việt Nam chúng ta, có lẽ còn nhiều vấn đề quá mới mẻ. Nhưng hướng đi của Công đồng là hướng đi của lịch sử hiện đại. Hiến chế Mục Vụ nếu được hiểu và áp dụng cho đúng mức, sẽ giúp chúng ta tiết kiệm được rất nhiều thì giờ và sức lực13.
Lm. Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh (D.Min.)
______________________________________
1 Công đồng Vat. II, Lời giới thiệu tổng quát, tr. 19 - 26
2 John R. Tyson. Invitation To Christian Spirituality An Ecumenical Anthology. Oxford University Press, N.Y., 1999.
3 Công Ðồng Vat.II, HN, 4,21.
4 John R. Tyson. Invitation To Christian Spirituality An Ecumenical Anthology. Oxford University Press, N.Y., 1999.
5 Ga 10,10
6 Bonald Lawler, The teaching of Christ, 256.
7 NK 5; MV 12.
8 MV 18.
9 Têrêsa Avila, Con đường hoàn thiện, 31, 5; Jordan AUMANN, OP. Thần học về đời sống tâm linh, 12, 493.
10 Têrêsa Avila, Con đường hoàn thiện, 31, 5; Jordan AUMANN, OP. Thần học về đời sống tâm linh, 12, 493.
11 MV 2; GH 41
12 MV 34
13 Ðức Hồng Y Phaxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Giáo hội trong Thế giới hôm nay, Lời giới thiệu, tr. 725
Bình luận