Ngày 10.10.2019, Hội đồng Giám mục Ba Lan đã khởi sự tiến trình tuyên thánh song thân của thánh Gioan Phaolô II: ông Karol Wojtyla và bà Emilia Kaczorowska. Hai vị thành hôn ngày 10.2.1906 tại Krakow, sinh được ba người con: Edmund năm 1906; Olga, chết ngay sau khi sinh; và Karol Józef, tức Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, năm 1920. Sau khi bà Emilia qua đời năm 1929, ông Karol Wojtyła một mình nuôi các con. Ông qua đời năm 1941 ở Kracow. Sự gần gũi của gia đình đã ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển tinh thần và trí tuệ của vị giáo hoàng tương lai. Ông Karol Wojtyła là một người cha rất sùng đạo, cần cù và chu đáo. Đức Gioan Phaolô II nhiều lần đề cập đến việc ngài đã nhìn thấy cha của mình quỳ gối cầu nguyện giữa đêm. Chính thân phụ của ngài đã dạy ngài cầu nguyện với Chúa Thánh Thần là Đấng đồng hành với ngài cho đến cuối đời. Bà Emilia Kaczorowska tốt nghiệp trường dòng Divine Love. Tràn đầy yêu thương và tận tụy, bà chăm lo nhà cửa và chăm sóc cho hai con trai là Edmund và Karol Józef.
![]() |
Bờ Biển Ngà hướng đến kỷ niệm 125 năm đón nhận Tin Mừng
“Festi Eclat 2019” là lễ hội diễn ra trong hai ngày 19, 20.10.2019, mở đầu cho dịp Giáo hội Bờ Biển Ngà hướng đến kỷ niệm 125 năm đón nhận Tin Mừng vào năm 2020. Thuở ban đầu, linh mục Alexandre Hamard và Emile Bonhomme, những nhà truyền giáo đầu tiên của Hiệp hội Truyền giáo Châu Phi (SMA), đã đến Grand-Bassam, ở phía đông nam Bờ Biển Ngà vào ngày 28.10.1895. “Festi Eclat 2019” được tổ chức tại cung văn hóa ở Treichville với các chương trình ẩm thực, hòa nhạc... Điểm nổi bật trong lễ hội này là khai trương bảo tàng đầu tiên về lịch sử truyền giáo tại Bờ Biển Ngà. Ông Joëlle Andrée Libi, phụ trách điều hành lễ hội, cho rằng đây sẽ là một cơ hội để khám phá hình ảnh và những vật thể tôn giáo đã góp phần làm bén rễ Tin Mừng ở nước này.
![]() |
Ưu tiên đầu tư vào giáo dục giới trẻ
Một cuộc hội thảo về việc đầu tư cho giáo dục giới trẻ vừa được tổ chức tại Waigani, Papua New Guinea. Nhiều tổ chức xã hội, tôn giáo tham gia cuộc hội thảo này coi việc giáo dục và sự phát triển của trẻ em, thanh thiếu niên là những khoản đầu tư tốt nhất cho tương lai mà một quốc gia có thể thực hiện. Tiến sĩ Uke Kombre, Bộ trưởng Giáo dục của Papua New Guinea, nhấn mạnh: “Giáo dục là điều quan trọng để có những công dân tốt. Và để đạt được kết quả này, cần đầu tư nhiều hơn cho những người trẻ”. Ông Mcloughlin, đại diện UNICEF nhận định: “Bất cứ ai có con đều luôn muốn điều tốt nhất cho chúng. Chúng ta không chỉ muốn con cái tồn tại mà còn phải giúp chúng phát triển và đóng góp tích cực cho xã hội”. Các nhà lãnh đạo Kitô giáo đã tái khẳng định sự hợp tác hiệu quả giữa Nhà nước và Giáo hội trong lĩnh vực giáo dục là cần thiết.
Hiện nay, ở Papua New Guinea, tỷ lệ mù chữ vẫn còn rất cao và ảnh hưởng đến hơn 35% dân số. Các Giáo hội Kitô quản lý 70% cơ sở giáo dục tại Papua New Guinea, riêng Giáo hội Công giáo có hơn 3.000 trường học. Những đóng góp của các Giáo hội Kitô luôn được xã hội công nhận rộng rãi.
![]() |
Cuộc hành hương Ðức Mẹ Zapopan
Ngày 12.10, Đức Hồng y Francisco Robles Ortega, Tổng Giám mục giáo phận Guadalajara, Mexico và Đức nguyên Tổng Giám mục Juan Sandoval Iñiguez đã cùng khoảng 2 triệu tín hữu tham dự cuộc hành hương truyền thống, có từ 300 năm, rước tượng Đức Mẹ Zapopan. Cuộc rước có đoạn đường dài hơn 9 cây số từ thành phố Guadalajara tới Đền thờ Đức Mẹ Zapopan. Trong đoàn rước, các tín hữu cầu nguyện, đọc kinh Mân Côi và hát ca ngợi Đức Mẹ. Tại Đền thờ, Đức Hồng y Francisco Robles Ortega đã nhắc nhở các tín hữu rằng nhờ đức tin mà mỗi người đã biết bảo vệ và thăng tiến sự sống. Đức Mẹ là người đem Thiên Chúa đến cho con người. Giáo hội noi gương Đức Maria và tìm thấy ở nơi Mẹ sứ mạng truyền giáo và phục vụ con người.
![]() |
Tháng Truyền giáo, thời điểm để biết ơn
Đức cha Martin Waingue Bani, Giám mục giáo phận Goré, CH Chad, trong bài giảng lễ Chúa Nhật 6.10.2019, khai mạc Tháng Truyền giáo ngoại thường, đã diễn giải việc Đức Thánh Cha Phanxicô tổ chức Tháng Truyền giáo ngoại thường là để giúp mọi người hiểu đức tin là món quà Thiên Chúa trao tặng và cũng là dịp nhớ ơn những người rao giảng Tin Mừng. Cách đây 90 năm, hạt giống Tin Mừng đã được các thừa sai người Pháp gieo ở Chad. Đức cha Martin Waingue Bani nhấn mạnh rằng đức tin đến từ việc đón nghe Lời Chúa. Và không thể nghe được Lời Chúa trừ phi có người rao giảng. Cha mẹ, giáo lý viên, linh mục, nữ tu... là những chứng nhân giúp chúng ta hiểu biết, đón nhận Đức Giêsu. Do đó, theo Đức cha Martin Waingue Bani, Tháng Truyền giáo ngoại thường là cơ hội để mỗi người nhớ đến tất cả những người đã loan báo Tin Mừng, và cũng để hiểu rằng chính Chúa Thánh Thần đã tác động để mỗi người có thể tin và yêu mến Chúa Giêsu. Đó chính là lý do tại sao đức tin của mỗi tín hữu là món quà đến từ Thiên Chúa.
Giáo hội Pakistan nói “không” trước việc quốc hữu hóa trường Edwardes
Vào thượng tuần tháng 10.2019, tại Pakistan, Tòa án tối cao Peshawar đã ban hành lệnh quốc hữu hóa trường Cao đẳng Edwardes ở Peshawar. Trường này được Hội Truyền giáo Giáo hội thành lập năm 1853, có tên là trường Trung học Edwardes. Vào năm 1900, trường chuyển thành cao đẳng, được điều hành bởi giáo phận Peshawar. Khi Pakistan quốc hữu hóa các trường tư vào năm 1972, ngôi trường này vẫn độc lập. Nay trước việc quốc hữu hóa ngôi trường, Đức Tổng Giám mục Joseph Arshad, Chủ tịch Hội đồng Giám mục, đã khẳng định Giáo hội Pakistan muốn tiếp tục đóng góp vào việc giáo dục, vì “Giáo hội Công giáo đang làm công việc tuyệt vời cho sự phát triển đất nước”.
Một triệu chuỗi Mân Côi cho bầu cử ở Sri Lanka
Tại Sri Lanka, hàng trăm tín hữu Công giáo từ Tổng Giáo phận Colombo đã tham dự lễ Đức Mẹ Fatima tại giáo xứ Thánh Matthêu ở Ekala-Jaela vào Chúa nhật 13.10.2019. Cuối thánh lễ, linh mục N Shelton Dias, thành viên của Hội Tông đồ Thế giới Fatima, đề nghị tất cả các tín hữu tham gia sáng kiến “Một triệu chuỗi Mân Côi” trước cuộc bầu cử tổng thống ngày 16.11.2019. Ngài đã mời mỗi người suy ngắm Mầu nhiệm Mân Côi mỗi ngày, từ ngày 13.10 đến ngày 13.11, để người dân Sri Lanka có thể bầu chọn nhà lãnh đạo xứng đáng cho đất nước.
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.