Dự án khảo cổ tại một nhà thờ có niên đại vào thế kỷ thứ 5 đã giúp phát hiện bức tranh khảm cỡ lớn, khắc họa hoạt động của người, động vật và trình bày theo bảng chữ cái Syriac cổ.
Các nhà khảo cổ học ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt tay vào việc triển khai dự án khai quật bức tranh 1.600 năm tuổi ở nhà thờ tại làng Goktas thuộc tỉnh Mardin. Các dấu vết của nhà thờ cổ đã được tìm thấy vào ngày 18.9.2019, và khu vực lập tức trở thành địa điểm khảo cổ.
![]() |
Bức tranh khổng lồ
Tàn tích nhà thờ cổ sau 16 thế kỷ bằng cách nào đó tiếp tục gìn giữ được bức tranh khảm khổng lồ, trải dài từ bức tường này sang bức tường khác. Trong khi có một số đoạn bị phai màu theo thời gian và tác động của môi trường, đa số tác phẩm cổ đại này phần nào vẫn duy trì được hình ảnh như nó vốn có thuở ban đầu.
Theo báo Daily Sabah, tiến sĩ Abdülgani Tarkan, giám đốc Bảo tàng Mardin, đã dẫn đầu đội ngũ các nhà khảo cổ học tham gia nỗ lực khai quật ở làng Goktas. Chuyên gia Tarkan giải thích nhà thờ được xây vào năm 396 theo kiến trúc của thánh đường giai đoạn đầu của Kitô giáo, có bề ngoài tương tự như nhiều tòa nhà công cộng vào thời La Mã cổ đại.
![]() |
Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Anadolu, trưởng nhóm Tarkan ghi nhận phần tranh khảm trên sàn nhà chứa 9 dòng chữ ghi bằng tiếng Estrangelo, dạng ngôn ngữ bằng chữ viết của người Syriac cổ đại. Một số dòng chữ dường như ghi danh sách những người tham gia xây dựng nhà thờ. Về những hình ảnh trên tác phẩm, ông mô tả: “Bức tranh được khắc họa những hình ảnh động vật, những đồ vật trang trí theo dạng hình học và hình ảnh về các nhân vật thời đó, bao gồm cảnh tượng con người săn bắn. Tên các tháng Tư và tháng Sáu cũng được viết bên trên nhân vật người”.
Bên cạnh đó, các nhà khảo cổ học cũng phát hiện một bộ đồ lễ, dành cho những thánh lễ thời xưa. Các tài liệu đầu tay quan trọng dạng này có thể mang đến những thông tin liên quan đến hoạt động tổ chức thánh lễ của người theo đạo Kitô hồi thế kỷ thứ 5. Dự kiến địa điểm khảo cổ ở tỉnh Mardin sẽ mở cửa đón du khách ngay sau khi việc khai quật và khảo sát hoàn tất.
![]() |
Trung tâm Kitô giáo
Kể từ thế kỷ thứ nhất, khu vực ngày nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ đã xuất hiện bóng dáng của những Kitô hữu. Nhiều tín hữu trong lúc trốn chạy nạn bách hại ở Jerusalem đã tiến về hướng đông và bắt đầu định cư tại những cổ thành giờ đây nằm dọc theo miền tây, miền trung và đông nam Thổ Nhĩ Kỳ. Một vài môn đệ của Chúa Giêsu đã đến nơi này và trải qua thời gian ở đây, trong số này có thánh Phaolô, thánh Phêrô và thánh Gioan. Thánh Phêrô cũng đã thiết lập một trong những nhà thờ Kitô giáo đầu tiên và tương truyền thánh Gioan đã đưa Ðức Mẹ Maria đến Ephesus, cách TP Selçuk thuộc tỉnh İzmir khoảng 3,6 km về hướng tây nam thuộc miền nam nước này.
![]() |
Bức tranh khảm khổng lồ được gìn giữ sau 16 thế kỷ |
Constantinople, ngày nay là Istanbul, và Antioch, hiện là Antakya, là 2 trong số 5 trung tâm Kitô giáo cùng với Rome, Alexandria và Jerusalem. Istanbul từ lâu là nơi đặt một trong những vương cung thánh đường cổ lớn nhất thế giới là Hagia Sophia. Kể từ thời điểm được xây dựng vào thế kỷ 6 cho đến cuộc xâm lăng Istanbul của người Thổ vào năm 1453, Hagia Sophia đóng vai trò là trung tâm tôn giáo cho Kitô giáo Ðông phương và đế quốc Byzantine. Dưới triều đại Ottoman, ngôi thánh đường bị biến thành đền thờ Hồi giáo, và đến năm 1935 trở thành viện bảo tàng sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố thành lập nền cộng hòa. Tuy nhiên, công trình này từ tháng 7.2020 một lần nữa đã chuyển thành đền thờ Hồi giáo.
![]() |
Địa điểm khảo cổ ở làng Goktas |
LING LANG
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.