Các vị giáo hoàng và “giấc mơ” của mục sư Martin Luther King

“Giấc mơ” của mục sư King (1929 - 1968) về một cộng đồng người Mỹ gốc Phi có thể sống một cách trọn vẹn trong sự bình đẳng đã nhận được sự ủng hộ nhiệt thành từ các vị chủ chăn của Giáo hội hoàn vũ, theo Vatican News.

Cái chết của ông George Floyd vào ngày 25.5 vừa qua một lần nữa làm gợi nhớ đến câu nói nổi tiếng “Tôi có một giấc mơ - I have a dream” của vị mục sư đã từng được trao giải Nobel hòa bình vào năm 1964. Ông đã dành cả cuộc đời mình để đấu tranh cho quyền lợi và phẩm giá của người Mỹ gốc Phi, cũng như của những cộng đồng thiểu số. “Giấc mơ” ấy đã luôn được các vị giáo hoàng cổ vũ, khởi đầu bằng cuộc gặp giữa mục sư Martin Luther King với thánh Giáo Hoàng Phaolô VI vào ngày 18.9.1964.

Gặp gỡ Đức Phaolô VI

Giá trị của sự hy sinh

Ðức Phaolô VI tiếp kiến mục sư King khoảng một năm sau khi ông có bài diễn thuyết và câu nói để đời “Tôi có một giấc mơ” tại đài tưởng niệm Lincoln ở thủ đô Washington. Ðức Thánh Cha đã khích lệ mục sư tiếp tục dấn thân chống lại nạn kỳ thị chủng tộc bằng con đường hòa bình. Ngày 4.4.1968, ngài bàng hoàng khi nghe tin ông đã bị ám sát tại thành phố Memphis, bang Tennessee. Ba ngày sau, Chúa nhật lễ Lá, Ðức Giáo Hoàng đã chia sẻ về mục sư Martin Luther King. Ngài cầu nguyện, mong rằng qua vụ ám sát này, cộng đồng có thể nhận ra “giá trị của sự hy sinh”. “Trước những bất công, điều cần làm không phải là sự ghét bỏ, thù hận, hay đào thêm những hố sâu ngăn cách, thay vào đó là hướng về tha thứ, hòa giải trong sự bình đẳng. Nỗi đau của chúng ta sẽ trở nên nặng nề hơn với những phản ứng bạo động và mất phương hướng; nhưng niềm hy vọng sẽ lớn dần nếu mỗi người thêm khát khao dấn thân cho những mục tiêu cao hơn trong cuộc chiến chống nạn kỳ thị, để có thể thiết lập những luật lệ và phương thức cho sự chung sống phù hợp với tình huynh đệ Kitô và nền văn minh hiện đại”, Ðức Phaolô VI nhắn nhủ.

Bài phát biểu năm 1963 với câu nói để đời "Tôi có một giấc mơ"

Gần hai thập niên sau, ngày 12.9.1987, trong chuyến tông du Mỹ, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã gặp gỡ cộng đoàn người Công giáo gốc Phi ở thành phố New Orleans, bang Louisiana. Ngài đã nhắc lại “giấc mơ Martin Luther King” và hành trình nhiều đau khổ của người da đen để vượt qua những bất công và áp bức: “Vào những thời khắc khó khăn nhất trong cuộc chiến vì quyền lợi chính đáng của mình, Chúa đã luôn dẫn đưa các bạn vào con đường của hòa bình. Nhìn lại lịch sử, lời đáp trả bất bạo động của cộng đồng Mỹ gốc Phi được khắc ghi trong ký ức của quốc gia này”. Ðức Gioan Phaolô II cũng nói về vai trò của mục sư Martin Luther King trong việc cải thiện thân phận của người da màu, và từ đó, cũng đã góp phần làm xã hội Mỹ tiến bộ hơn. Như Ðức Phaolô VI, ngài hoàn toàn đồng cảm với góc nhìn Kitô hữu về tình huynh đệ nhân loại của vị mục sư.

Năm 2018, ba tuần trước ngày tưởng niệm 50 năm vụ ám sát vị mục sư, Đức Phanxicô đã tiếp kiến riêng con gái của ông, bà Bernice Albertine King - ảnh: Osservatore Romano

Tiếp tục là nguồn cảm hứng

Cùng tinh thần huynh đệ đại đồng, tại lễ đón tiếp chính thức trong chuyến thăm Mỹ vào tháng 4.2008, Ðức Bênêđictô XVI đã nhấn mạnh rằng Thiên Chúa chính là “sức mạnh đã dẫn lối” cho cuộc đấu tranh hòa bình của mục sư Martin Luther King. Trong chuyến tông du này, ngài đã gặp gỡ con gái của mục sư - bà Bernice Albertine King nhân một sự kiện về đại kết ở New York.

Tháng 9.2015, Ðức Phanxicô đến xứ cờ hoa và lần đầu tiên trong lịch sử, một vị giáo hoàng đã có bài phát biểu trước Quốc hội nước này. Tại Ðiện Capitol, Ðức Thánh Cha nói về tinh thần của nước Mỹ: “Một đất nước có thể được xem là vĩ đại khi xây dựng nền văn hóa cho phép mọi người mơ về quyền lợi toàn vẹn cho anh chị em của mình, như Martin Luther King đã từng nỗ lực thực hiện”. Với Ðức Phanxicô, “giấc mơ ấy vẫn tiếp tục là nguồn cảm hứng” vì đã đánh thức được những điều “sâu sắc và chính đáng nhất trong cuộc sống của mỗi người”. “Giấc mơ” của mục sư Martin Luther King không phải vì mục đích cá nhân mà đã dẫn đến “sự chung sức, hành động và dấn thân”.

Sau chuyến tông du Mỹ, trong sứ điệp nhân Ngày Hòa bình Thế giới vào năm 2017, Ðức Phanxicô tiếp tục nhắc về vị mục sư đã đấu tranh không mệt mỏi cho người gốc Phi, dành được nhiều thành quả, và bằng con đường bất bạo động. “Khi phương thức bất bạo động được vận dụng một cách quyết liệt và kiên trì thì đã có thể đạt được những kết quả ấn tượng”, Ðức Thánh Cha kết luận.

Trong buổi tiếp kiến chung ngày 3.6.2020, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đã tưởng niệm “cái chết bi thảm của ông George Floyd”. Ngài nhấn mạnh: “Chúng ta không thể dung thứ hay làm ngơ trước bất kỳ hình thức kỳ thị hay loại trừ nào (…). Ðồng thời, cũng cần phải nhìn nhận rằng các vụ bạo động những ngày qua là sự tự hủy hoại và dẫn đến thất bại. Bạo lực sẽ không mang lại gì cả và sẽ làm đánh mất rất nhiều điều”.

Cùng ngày, ngài đã gọi điện cho Ðức cha José H. Gomez, Tổng Giám mục Los Angeles, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Mỹ để bày tỏ “sự gần gũi” với Giáo hội và cộng đoàn Dân Chúa tại nước này. Ðức Thánh Cha đã cảm ơn các vị chủ chăn Mỹ vì những phản ứng kịp thời sau cái chết của ông Floyd (lên án nạn kỳ thị chủng tộc và kêu gọi cộng đoàn thể hiện quan điểm một cách ôn hòa).

Lan Chi

Từ khoá:
Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Ý nghĩa tồn tại đúng đắn của công nghệ
Ý nghĩa tồn tại đúng đắn của công nghệ
Đức Tổng Giám mục Ettore Balestrero, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế ở Geneva (Thụy Sĩ), ngày 26.8 đã trình bày quan điểm của Vatican đối với nhu cầu cần bám sát việc phát triển các hệ thống...
Vatican phê chuẩn việc sùng kính Ðức Mẹ ở Ðền thánh Pellevoisin
Vatican phê chuẩn việc sùng kính Ðức Mẹ ở Ðền thánh Pellevoisin
Trong thư ngày 22.8 được Đức Giáo Hoàng Phanxicô phê chuẩn, Bộ Giáo lý Đức tin đã tuyên bố “nihil obstat” (không gì ngăn trở) về đề xuất của Đức cha Jérôme Daniel Beau, Tổng Giám mục Bourges, liên quan đến việc sùng kính Đức Mẹ Lòng Thương Xót ở...
Ý nghĩa tồn tại đúng đắn của công nghệ
Ý nghĩa tồn tại đúng đắn của công nghệ
Đức Tổng Giám mục Ettore Balestrero, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế ở Geneva (Thụy Sĩ), ngày 26.8 đã trình bày quan điểm của Vatican đối với nhu cầu cần bám sát việc phát triển các hệ thống...
Vatican phê chuẩn việc sùng kính Ðức Mẹ ở Ðền thánh Pellevoisin
Vatican phê chuẩn việc sùng kính Ðức Mẹ ở Ðền thánh Pellevoisin
Trong thư ngày 22.8 được Đức Giáo Hoàng Phanxicô phê chuẩn, Bộ Giáo lý Đức tin đã tuyên bố “nihil obstat” (không gì ngăn trở) về đề xuất của Đức cha Jérôme Daniel Beau, Tổng Giám mục Bourges, liên quan đến việc sùng kính Đức Mẹ Lòng Thương Xót ở...
Phục hồi chuông nhà thờ bị hư hại vì bom nguyên tử ở Nagasaki
Phục hồi chuông nhà thờ bị hư hại vì bom nguyên tử ở Nagasaki
Tháp chuông đôi của nhà thờ Urakami ở TP Nagasaki (Nhật Bản) sẽ nhận được quả chuông mới thay thế cho chuông cũ bị hư hại khi Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố này hồi đệ nhị thế chiến, theo Japan News.
Di hài không bị phân hủy của thánh Têrêsa Avila
Di hài không bị phân hủy của thánh Têrêsa Avila
Khi quan tài bạc của thánh Têrêsa Avila được mở ra ở Alba de Tormes (Tây Ban Nha) vào ngày 28.8, những người chứng kiến xác nhận di hài của vị thánh vẫn duy trì trạng thái không bị phân hủy kể từ khi thánh nhân qua đời năm 1582.
Chuẩn nhận lòng sùng kính Ðức Mẹ Sầu Bi Chandavila
Chuẩn nhận lòng sùng kính Ðức Mẹ Sầu Bi Chandavila
Tòa Thánh vừa chính thức chấp thuận việc sùng kính Đức Mẹ Sầu Bi tại Đền thánh Chandavila, Tây Ban Nha.
Những nữ tu giúp giới khoa học hiểu hơn về Alzheimer
Những nữ tu giúp giới khoa học hiểu hơn về Alzheimer
Gần 4 thập niên trôi qua, nhân loại tiếp tục thụ hưởng thành quả đến từ tinh thần hết mình vì khoa học của các nữ tu tham gia dự án tiên phong về nghiên cứu lão khoa và chứng Alzheimer.
Chi tiết chuyến tông du hơn 32.000km  của Ðức Giáo Hoàng
Chi tiết chuyến tông du hơn 32.000km của Ðức Giáo Hoàng
Từ ngày 2.9, Ðức Phanxicô đã lên đường cho chuyến tông du kéo dài 11 ngày đến Indonesia, Papua New Guinea, Ðông Timor, và Singapore. 
Dòng Phanxicô làm sạch bãi biển
Dòng Phanxicô làm sạch bãi biển
Các nữ tu, linh mục và tình nguyện viên dòng Phanxicô đã cùng thu gom và xử lý lượng lớn rác thải vứt bừa bãi tại bãi biển Cordova, Philippines