Thứ Bảy, 24 Tháng Mười, 2015 16:02

“Cần quan tâm hơn đến thực trạng các gia đình”

Trả lời báo La Civiltà Cattólica, ĐHY Christoph Schonborn, TGM giáo phận Vienna (Áo) đã phản bác lại các lập luận của những người không chấp nhận bất cứ “lối ra” nào cho các cặp vợ chồng đang sống trong tình trạng hôn nhân bất thường.

Ngài là người đã từng điều phối việc xuất bản cuốn Giáo lý Hội thánh Công giáo dưới thời ĐHY Ratzinger (sau này là ĐGH Bênêđictô XVI). ĐHY Schonborn ủng hộ lập trường khoan hòa đối với những ai mà hoàn cảnh gia đình không phù hợp với một cuộc hôn nhân lý tưởng theo quan điểm của Giáo hội Công giáo. Suốt 103 trang của bài trả lời trên La Civiltà Cattólica, Đức TGM giáo phận Vienna đã rút ra những luận chứng từ trải nghiệm mục tử, thần học gia của mình và cả từ quan điểm của những người con có cha mẹ, của người cháu có ông bà ly hôn.

 ĐHY Christoph Schonborn

Việc triệu tập Thượng Hội đồng Giám mục (THĐGM) lần này có thể cho thấy “mong muốn nhìn thấy những con người thật trong chính niềm vui, nỗi đau khổ, phiền muộn và nỗi lo sợ trong cuộc sống thường nhật, đồng thời mang lại Tin Mừng cho họ”, ngài khẳng định như thế khi lặp lại các ngôn từ của Hiến chế Công đồng Gaudium et Spes (Giáo hội trong thế giới ngày nay).

Chiều kích lịch sử của hôn nhân

 “Chúng ta phải bỏ sách vở xuống để đến với quần chúng và để đời sống của họ chạm đến chúng ta. Nhìn họ và biết hoàn cảnh ít nhiều bất ổn của họ, từ ước muốn sâu xa khắc ghi trong lòng mỗi người chúng ta”, ĐHY Schonborn quả quyết khi đề cao phương pháp của Thánh Inhaxiô: “tìm kiếm sự hiện diện và hành động của Chúa trong các chi tiết nhỏ nhặt nhất của đời sống mỗi ngày”. Ngài tiếc vì những rào cản được đưa ra sau lời mời gọi của ĐTC Phanxicô: “Chúng ta nói quá nhiều bằng một ngôn ngữ đầy ý niệm vô nghĩa, chúng ta còn lâu mới đạt được điều ĐTC mong chờ”.

 

 ĐHY Schonborn nghĩ rằng có lẽ sẽ rất hại nếu THĐ “không nhận thức được chiều kích xã hội và lịch sử của hôn nhân và gia đình”. Dựa vào các trường hợp điển hình, ngài nhấn mạnh đến những thay đổi đáng kể ảnh hưởng đến đời sống các gia đình qua nhiều thời kỳ của lịch sử cho đến ngày nay. “Chúng ta than phiền về tình trạng khá phổ biến của việc nhiều người “sống thử” mà không cưới hỏi - dân sự hay tôn giáo - thay vì tự hỏi: Điều gì đã thay đổi các hoàn cảnh sống?”.

Thực tại tích cực trong các hoàn cảnh bất thường

ĐHY Schonborn cho biết đã trải nghiệm về “điều tốt đẹp thiết yếu” của gia đình và mô tả trải nghiệm ấy như một bức tranh “ghép màu”. Ngài tiếc rằng THĐGM ngoại thường năm 2014 chỉ xem xét cơ cấu gia đình gồm nam-nữ-con cái. Điều ấy cho thấy cách nhìn còn thiếu thực tế về gia đình. Khi được hỏi về thái độ phải có của Giáo hội đối với các gia đình trong “tình cảnh bất thường”, vị giám mục kiêm thần học gia gợi lại việc ngài đã đề xuất với THĐGM 2014 về một phương pháp suy luận loại suy từ những lời giảng dạy của Công đồng và bí tích hôn nhân. ĐHY lập luận: Hội thánh mà Thiên Chúa mong muốn đang hiện diện nơi Hội thánh Công giáo nhưng Hội thánh này vẫn nhận ra “những yếu tố chân lý và thánh thiện trong các Giáo hộ khác và thậm chí tôn giáo khác”. Tương tự, Giáo hội có thể xem xét các thực tại tích cực hiện hữu ở các cặp đang sống trong hoàn cảnh đặc biệt.

“Nỗi đau nội tại”

Đức TGM Giáo phận Vienna khẳng định mình đã bị “sốc” trong cuộc tranh luận thần học về vấn đề gia đình, khi các “nhà luân lý cấp tiến” đã gọi việc ly dị là “nỗi đau nội tại”. Cách “hiểu lầm” này sẽ làm người ta không quan tâm đến “hoàn cảnh và những tình trạng luôn phức tạp trong cuộc sống con người”.

ĐHY Schonborn ủng hộ việc đồng hành với các cặp vợ chồng, theo từng trường hợp, chẳng hạn về vấn đề chấp nhận cho các người ly dị tái hôn được rước lễ, ngài phát biểu: “Cũng có các trường hợp trong đó linh mục biết rõ các đương sự, có thể nói với họ rằng: Hoàn cảnh của anh chị/ông bà là như thế này…với ý thức đầy đủ và theo lương tâm của quý vị cũng như lương tâm mục tử của tôi, tôi nhận thấy quý vị có chỗ đứng trong đời sống bí tích của Giáo hội”.

VIẾT HIỆP

Tiếng nói của người ly dị tái hôn

Cặp vợ chồng Christian và Nathalie Mignonat, điều phối viên quốc gia của các nhóm “Nương tựa” (Reliance), chuyên đồng hành cùng những người ly dị tái hôn. Họ được mời tham dự THĐ với tư cách là dự thính viên. Họ đến không phải để nói về mình. Cặp đôi người Pháp cùng 64 tuổi này đã trải qua 40 năm sống đời hôn nhân, nuôi dạy 4 người con - trong đó có 2 người khiếm thị. Họ có kinh nghiệm chuẩn bị hôn nhân cho giới trẻ trong giáo xứ và khoảng 30 năm sinh hoạt trong các nhóm trọng kính Đức Mẹ.

Ông bà Mignonat hiện diện trong các đoàn đội để lên tiếng thay cho những cặp vợ chồng trong đó một người đã ly dị và họ thành lập các nhóm nhỏ gồm 3 hay 4 cặp, gọi là “nhóm Nương tựa” (Reliance). Mục đích là nhấn mạnh về việc hòa giải các mối quan hệ với người chồng/vợ cũ hay đôi khi là tha thứ lẫn nhau. Đây là một sự “đặt cược cơ bản để xây dựng lại một sự kết hợp mới”, ông Christian nhấn mạnh.

Với tư cách là điều phối viên quốc gia của các “nhóm Nương tựa”, từ thành phố Lyon, nơi họ đang ở, gia đình Mignonat biết rõ các người ly dị tái hôn: cách một số người trong họ gởi con đi học giáo lý, hay tham gia các sinh hoạt trong giáo xứ để chuẩn bị rửa tội… Cả về cách nhìn đôi khi không mấy thiện cảm của cộng đoàn: “Một vài người không muốn con mình học giáo lý với những người như vậy”, bà Nathalie bày tỏ.

THĐ này là cơ hội cho bà và chồng mô tả thực trạng này cho các giám mục. “Làm thế nào mang lại cho họ niềm hứng khởi thi hành các bí tích khi chính họ không được phép lãnh nhận?”, ông Christian lý luận.

THIÊN LÂM

 

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin tức liên quan
Tin khác
Xem thêm