Tối 5.6, Ðức Hồng y Nhiếp chính Kevin Joseph Farrell đã chủ sự buổi canh thức cầu nguyện cho ông George Floyd, công dân Mỹ gốc Phi tử vong sau khi bị cảnh sát khống chế.
Vị hồng y người Mỹ gốc Ireland hiện cũng là Tổng trưởng Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống. Trước khi về làm việc tại Tòa Thánh vào năm 2016, ngài là Giám mục Phụ tá TGP Washington, sau đó là chủ chăn giáo phận Dallas (Mỹ). Buổi canh thức do cộng đoàn San’t Egidio tổ chức ở Vương Cung Thánh Ðường Santa Maria in Trastevere (Thánh Maria Trastevere), một trong những nhà thờ cổ nhất của Rome.
![]() |
Bình an, thanh thản và cảm thông
Những chia sẻ của Ðức Hồng y Farrell hướng về trọng tâm: chung sống hòa bình và bình đẳng cho mọi người. Ngài mời gọi các tín hữu hãy cầu nguyện cho nạn nhân, cho gia đình của ông và “cho toàn thể dân Mỹ, để họ tìm thấy được sự bình an, thanh thản và cảm thông với nhau”. Vị Tổng trưởng Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống dâng lời cầu nguyện, xin Chúa ngăn chặn tình trạng bạo động bùng nổ nhiều ngày qua tại Mỹ, giúp cho nạn kỳ thị chủng tộc bị xóa bỏ. Ngài dẫn bài Tin Mừng theo thánh Gioan: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy”. Ở mỗi Kitô hữu đều có một “ngôi nhà” đặc biệt của Chúa và tại nơi ấy, “sẽ không thể tồn tại cảm xúc ghen ghét, khinh miệt bất kỳ ai”. Ngài nhắc lại lời Ðức Thánh Cha Phanxicô trong lễ Hiện Xuống, Chúa Thánh Thần đã nhắc nhở chúng ta, là con Thiên Chúa thì tất cả đều bình đẳng dù mỗi người luôn khác biệt nhau.
Ðức Hồng y Nhiếp chính bày tỏ, đối với mọi người Mỹ, trong đó có ngài, “cái chết bất công của ông George Floyd” là một điều vô cùng đau buồn vì đã cho thấy sự kỳ thị, định kiến và lòng ghen ghét chỉ vì khác biệt về màu da vẫn tồn tại dai dẳng ở nước này. Các phong trào xã hội đấu tranh cho quyền bình đẳng của người da màu vào thập niên 1960, 1970 đã để lại dấu ấn sâu sắc tại Mỹ, “nhưng đã không thể giải quyết mọi vấn đề một cách triệt để”: “Một xã hội an bình và sự chung sống trong tình huynh đệ giữa mọi công dân chưa bao giờ được thật sự thừa nhận”. Theo Ðức Hồng y, không thể đạt được “xã hội của tình thân” một cách bền vững là do trái tim của con người vẫn thường hay khép lại trong sự ích kỷ, và bị “ô uế bởi tội lỗi, gây thêm những bất công, bạo động và áp bức”.
![]() |
Nhiều người gốc Phi đã đến dự - ảnh: Vatican Media
|
Giáo hội không đứng về phe phái nào
Các Kitô hữu có một sứ mệnh đối với thế hệ trẻ, là “làm chứng nhân bằng đời sống của bản thân cho Tin Mừng của Chúa Kitô”. Vị Tổng trưởng Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống giảng giải, nếu bình an của Chúa thật sự hiện diện trong lòng của các tín hữu thì sẽ không còn chỗ cho sự đố kỵ, cho sự xúc phạm đến phẩm hạnh của người khác và cho thói áp bức những ai yếu thế hơn. Ngài mời gọi các Kitô hữu Mỹ hãy không ngừng xác tín rằng có thể xây dựng một nhân loại của tình huynh đệ và hòa giải. Ngài phân tích thêm về bản sắc của nước Mỹ. Ðức Hồng y Farrell sinh ở Ireland, và nơi đã đón nhận ngài - nước Mỹ - “từ khi lập quốc đã đa văn hóa, đa chủng tộc, đa tôn giáo”, với những giá trị nền tảng là “bình đẳng cho mọi người, các quyền sống và tự do mà Ðấng Sáng Tạo đã ban cho loài người”. Những giá trị này chính là “sự diễn dịch lại của tinh thần Kitô giáo”. Như vậy, để làm chứng cho Tin Mừng, các Kitô hữu Mỹ có thể giúp người xung quanh mình quay về với những lý tưởng nền tảng của quốc gia này.
Ðức Hồng y Farrell nhấn mạnh, Chúa Giêsu đã gởi sứ điệp về ơn cứu độ và lòng thương xót cho toàn thể nhân loại, không loại trừ ai, nhưng đáng tiếc là nhiều người lại không học được lòng độ lượng “không loại trừ” này. Con người thường có xu hướng thực hiện những phân chia dựa trên tầng lớp xã hội, mức độ giàu - nghèo, chủng tộc, quan điểm chính trị… Các tín hữu cũng đôi khi “tự nhận - một cách sai lầm - thuộc về một phe”: người giàu - người nghèo; người học cao hiểu rộng - người ít học; người tiến bộ - người bảo thủ; người da trắng - người da đen. Với góc nhìn đó, “chúng ta đã đánh mất hoàn toàn tính phổ quát trong sứ điệp của Chúa Kitô”. Ngài mời gọi cộng đoàn suy ngẫm lời của thánh Phaolô, khi thánh nhân khẳng định “không có người Do Thái, không có người Hy Lạp, vì mọi người đều là một, trong Chúa Giêsu”.
![]() |
Người dự lễ giữ khoảng cách để phòng dịch Covid-19
|
Ðức Hồng y Nhiếp chính cũng nhắc lại quan điểm bất bạo động: “Chúng ta không thể trông mong đạt được một xã hội yên bình với bạo lực. Không thể chiến thắng bất công bằng cách tạo nên bất công và những tội ác còn nặng nề hơn những kẻ mà chúng ta muốn lên án”. Những lời nói, hành động gây tổn thương, kích động bạo lực hay oán hận đều không mang lại điều gì tốt cho tương lai. Ngược lại, một nền văn hóa thúc đẩy sự tôn trọng, tình huynh đệ đại đồng, tôn trọng phẩm giá của người khác sẽ tồn tại mãi. Ðức Hồng y Farrell kết luận: “Giáo hội không muốn đứng về phe nào để chống lại phe khác, cũng không muốn truyền tải những quan điểm chính trị. Giáo hội chỉ muốn giúp xã hội thăng tiến những di sản tốt đẹp và xây dựng những cầu nối của tình thân giữa người với người. (…) Hãy cùng khẩn cầu Thiên Chúa thương đến những nạn nhân vô tội đã chết vì bất công và vì kỳ thị chủng tộc”.
Lan Chi
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.