Thứ Sáu, 20 Tháng Ba, 2020 16:18

Cây thánh giá có phép lạ xua bệnh dịch ở Rome

Trong lúc thành Rome và thế giới một lần nữa đứng trước đại dịch, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đã theo bước tiền nhân cầu nguyện trước cây thánh giá có phép lạ, từng giải cứu thủ đô Ý khỏi bệnh dịch hạch.

Cả nước Ý bị phong tỏa và đường phố thủ đô Rome những ngày này vắng bóng người, trầm lắng trong sắc màu u buồn. Ðức Thánh Cha chiều 15.3 đã rời khỏi Vatican, đi bộ đến cầu nguyện tại hai nhà thờ đang tạm đóng cửa để hạn chế Covid-19 lây lan, trong đó có một ngôi thánh đường chứa “cây thánh giá phép lạ”. Ðây là cây thánh giá vô cùng nổi tiếng của thành Rome, đã bảo vệ thành phố và người dân trước nguy cơ dịch bệnh trong quá khứ. Ngày 27.3 vừa qua, "cây thánh giá phép lạ" cũng được đưa đến quảng trường Thánh Phêrô khi Đức Phanxicô chủ sự buổi cầu nguyện và ban phép lành toàn xá Urbi et Orbi (cho Rome và cho thế giới).

Nguyên vẹn giữa hoang tàn

Cây thánh giá phép lạ, được dân thành Rome gọi là “Miraculous Crucifix”, được lưu giữ trong nhà thờ Thánh Marcellus (San Marcello al Corso) trên đường Corso, một trong những con đường sầm uất nhất của thủ đô Ý, vốn đông đúc các cửa hàng và du khách, dẫn đến quảng trường trung tâm Piazza Venezia của Rome. Ðược làm bằng gỗ và tạo tác vào thế kỷ 15, cây thánh giá là vật duy nhất còn sót lại trong cơn hỏa hoạn san bằng toàn bộ nhà thờ ban đầu vào năm 1519. Vụ cháy đã thiêu rụi mọi thứ, nhưng vào sáng hôm sau, trong lúc đống đổ nát vẫn còn nghi ngút khói, mọi người lại tìm thấy cây thánh giá trong tình trạng không suy suyển. Một cây đèn dầu nhỏ vẫn còn cháy le lói dưới chân thập giá.

Cảnh tượng này gợi nên sự xúc động ở những người chứng kiến, và một số tín hữu bắt đầu tụ tập tại đây vào mỗi chiều thứ Sáu, cùng cầu nguyện, suy tôn thánh giá. Ðức Giáo Hoàng Lêô X đã ra lệnh xây lại nhà thờ vào năm 1519. Ba năm sau trận hỏa hoạn ở nhà thờ Thánh Marcellus, dịch hạch tràn đến Rome. Trong cơn tuyệt vọng, các tín hữu nảy ra sáng kiến tổ chức cuộc rước “cây thánh giá phép lạ”. Theo TV2000 - kênh truyền hình của Hội đồng Giám mục Ý, cuộc rước theo thời gian thu hút ngày càng nhiều người tham gia.

Cuộc rước "cây thánh giá phép lạ" vào năm 1931

Trong lúc nhiều người ngã bệnh và con số tử vong gia tăng, cây thánh giá được rước khắp thành Rome hướng về Vương Cung Thánh Ðường Thánh Phêrô. Cuộc rước được thực hiện trong 16 ngày, từ ngày 4 - 20.4.1522. Trong quá trình này, dịch bệnh có dấu hiệu lui dần, và mỗi khu nhà đều luôn muốn lưu giữ cây thánh giá lâu hơn trong lúc rước. Cuối cùng, khi cây thánh giá quay lại nhà thờ Thánh Marcellus, dịch bệnh chấm dứt. Thế là kể từ năm 1600, cuộc rước từ nhà thờ Thánh Marcellus đến Vương Cung Thánh Ðường Thánh Phêrô trở thành truyền thống được tổ chức trong những Năm Thánh. Và tên của những vị giáo hoàng vào các Năm Thánh được khắc ở mặt sau của thánh giá, cùng với năm diễn ra.

Tưởng nhớ Ðức Marcellus I

Nhà thờ Thánh Marcellus là nhà thờ hiệu tòa (hiện của Ðức Hồng y Giuseppe Betori, Tổng Giám mục Florence, Ý). Theo các tài liệu, nhà thờ đầu tiên được xây bên trên nơi giam cầm Ðức Giáo Hoàng Marcellus I (qua đời vào năm 309). Ban đầu được gọi là Titulus Marcelli, nhà thờ được xây sau năm 418, khi Ðức Giáo Hoàng Boniface I nhậm chức. Thế kỷ thứ 8, Ðức Giáo Hoàng Adrian I, đã xây một nhà thờ khác bên trên nơi này, và hiện dấu vết của tòa nhà cổ vẫn còn nằm bên dưới nhà thờ ngày nay.

Ngày 22.5.1519, vụ hỏa hoạn đã bùng lên tại nhà thờ, đốt trụi mọi thứ trừ cây thánh giá phép lạ. Theo lệnh của Ðức Giáo Hoàng Lêô X, công trình xây dựng được khởi động, và kiến trúc sư nổi tiếng thời Phục Hưng Jacopo Sansovino đã nhận trách nhiệm thiết kế lại nhà thờ. Tuy nhiên, vụ cướp phá thành Rome vào năm 1527 đã làm trì hoãn hoạt động xây dựng. Kiến trúc sư trưởng Sansovino phải tháo chạy khỏi thành phố và không bao giờ quay lại để hoàn tất nhà thờ. Công trình đã được kiến trúc sư Antonio da Sangallo tiếp nối. Thế nhưng, một lần nữa trận lụt tràn từ sông Tiber tiếp tục gây hư hại cho nhà thờ vào năm 1530. Phải chờ đến giai đoạn 1692-1697, nhà thờ mới được hoàn tất, với mặt tiền là tác phẩm xuất phát từ bàn tay của kiến trúc sư Carlo Fontana. Hiện nhà thờ hoạt động dưới sự quản lý của dòng Servite.

LING LANG

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm