Linh mục dòng Tên Johann Cysat là nhà tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu thiên văn học bằng kính viễn vọng, và thông qua các kính thiên văn tự chế, ngài quan sát vết đen Mặt trời, sao chổi và tinh vân.
Cha Johann Baptist Cysat chào đời vào năm 1587 tại Lucerne, thành phố miền trung của Thụy Sĩ, trong một gia đình gồm 14 người con. Cha của ngài là luật sư Renward Cysat (1545-1614), là một người rất được nể trọng và là nhà tài trợ đầy hào phóng của trường trung học dòng Tên trong vùng.
Năm 17 tuổi (1604), chàng thanh niên Cysat đã gia nhập dòng Tên và bắt đầu học thần học vào tháng 7.1611 ở Ðại học Ingolstadt, bang Bayern, Ðức. Tại đây, tu sĩ trẻ Cysat gặp được nhà thiên văn học - linh mục dòng Tên người Ðức Christoph Scheiner và tham gia hỗ trợ các dự án quan sát vết đen trên Mặt trời. Kết quả thu được sau quá trình này đã trở thành đề tài gây nhiều tranh luận giữa nhà thiên văn học Galileo Galilei và linh mục Scheiner.
Năm 1618, khi mới 31 tuổi, cha Cysat trở thành giáo sư toán học tại Ðại học Ingolstadt, thay thế thầy mình là Scheiner ở vị trí này và công việc mới cho phép vị giáo sư trẻ tiếp tục theo đuổi nghiên cứu thiên văn học, với sự ủng hộ của bề trên dòng Tên. Cha là một trong những người đầu tiên sử dụng công cụ vừa được chế tạo thành công là kính viễn vọng để quan sát các vì sao.
Tranh minh họa sao chổi C1618 W1 được cha Cysat quan sát bằng kính viễn vọng năm 1618 |
“Giải mã” sao chổi
Dù bắt đầu với các vết lóa Mặt trời, cha Cysat sau đó đã chuyển sự chú ý sang dạng thiên thể mà trước đó là sự tồn tại bí ẩn và đồng nghĩa với tai họa. Ngài quan sát sao chổi lớn xuất hiện trên bầu trời Trái đất vào năm 1618 và công bố bản chuyên khảo dài 80 trang về sao chổi này, có tựa đề Mathemata astronomica de loco, motu, magnitudine et causis cometae qui sub finem anni 1618 et initium anni 1619 in coelo fulsit. Ingolstadt Ex Typographeo Ederiano 1619 (Ingolstadt, 1619). Trong quá trình dõi theo đường đi của sao chổi từ ngày 1.12.1618 đến 22.1.1619, cha Cysat rút ra kết luận rằng các sao chổi di chuyển xung quanh Mặt trời và chứng minh được quỹ đạo của chúng hình parabol chứ không phải hình tròn. Có thể nói vị linh mục đã ghi nhận được nhiều chi tiết quý giá về loại thiên thể gây nhiều tò mò này.
Vị linh mục đã ghi nhận được nhiều chi tiết quý giá về sao chổi |
Nhờ vào nỗ lực dày công quan sát, cha đã trở thành nhà thiên văn học đầu tiên mô tả được nhân của sao chổi và có thể theo dõi sự tiến triển của hạt nhân từ hình dạng rắn đến giai đoạn được bao phủ bởi những phân tử lấp lánh. Những bản đồ họa về nhân sao chổi của ngài luôn được in kèm với bản đồ của các nhà thiên văn học khác. Công trình quan sát sao chổi của cha Cysat chi tiết đến nỗi vào năm 1804, ngài vẫn còn được xem là một trong những nhà thiên văn học xuất sắc nhất ở lĩnh vực này. Trong cùng thời gian đó, cha cũng nghiên cứu tinh văn Orion ở cách Trái đất khoảng 1.344 năm ánh sáng.
Những công trình nghiên cứu khác
Dù vẫn tiếp tục nghiên cứu thiên văn trong thời gian sau đó, những ghi chép của vị linh mục không hề xuất bản trong bất kỳ ấn phẩm nào khác. Chẳng hạn, cha Cysat quan sát hiện tượng nguyệt thực toàn phần vào năm 1620 nhưng chỉ chia sẻ qua thư với nhà thiên văn học nổi tiếng người Ðức Johannes Kepler, người đã đưa ra nhiều định luật quan trọng trong ngành thiên văn và được đặt tên cho nhiều sự kiện thiên văn vào thời hiện đại. Kepler cũng không ít lần đến thăm cha Cysat ở Ingolstadt, nhưng cho đến nay chỉ còn một lá thư duy nhất, được viết vào này 23.2.1621, còn sót lại cho thấy sự trao đổi giữa hai người. Vào ngày 7.11.1631, vị linh mục quan sát được hiện tượng sao Thủy che lấp một phần Mặt trời (Merkurdurchgang) giống như Kepler đã dự đoán trước đó.
Tinh vân Orion |
Năm 1624, ngài được bổ nhiệm làm hiệu trưởng trường trung học dòng Tên ở Lucerne cho đến năm 1627. Sau thời gian ở Tây Ban Nha vào năm 1627, nơi vị Giêsu hữu giảng dạy tại trường Hoàng Gia Madrid, cũng là một trường của dòng Tên, ngài quay lại Ingolstadt vào năm 1630 và tiếp tục giao phó chức hiệu trưởng trường Innsbruck vào năm 1637 và Eichstatt vào năm 1646. Trong những năm cuối đời, vị linh mục quay về quê nhà ở Lucerne và sống ở đây cho đến khi được Chúa gọi về vào ngày 17.3.1657.
HỒNG HOANG
Bình luận